“Mẹ Chồng” - Tác phẩm gia đấu Việt liệu có đáng đọc?

Và mình từng có suy nghĩ đó khi đọc “Mẹ Chồng” của Thanh Hằng. Tuy nhiên, cuốn sách gây bất ngờ cho mình khá nhiều.
sach-me-chong-1642381291.png
Phải sau 5 năm thành công của phim điện ảnh Mẹ Chồng, siêu mẫu Thanh Hằng mới cho ra mắt phiên bản sách cùng tên do tác giả Kim chủ bút. Ảnh: T.L

“Mẹ chồng” là tiểu thuyết chuyển thể từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Lý Minh Thắng được khởi chiếu 2017, nội dung kể về cuộc đời của Ba Trân (Thanh Hằng đóng) - người phụ nữ sống giữa thế kỷ 20, làm dâu trong gia đình giàu có - và cuộc chiến tranh quyền đoạt vị trong gia tộc.

Điều tuyệt vời đầu tiên của “Mẹ Chồng” là sự chỉn chu. Từ hình thức cuốn sách, khâu biên tập, chất giấy,… đều hoàn hảo. Đối tác xuất bản cho cuốn sách “Mẹ Chồng” là Phanbook – một đơn vị làm sách uy tín và cẩn trọng. Điều này khiến cuốn sách tạo được ấn tượng mạnh từ nội dung lẫn hình thức.

Điều thú vị thứ hai là tính hấp dẫn của nó. Có lẽ bây giờ mình mới hiểu lý do nhiều người nghiện phim… gia đấu đến vậy. “Mẹ Chồng” được viết chắc tay, gợi mở, và hấp dẫn. Mình tin, cuốn sách sẽ khiến nhiều người đọc một mạch đến hết.

Điều thú vị thứ ba là “Mẹ Chồng” chạm đến những định kiến một cách bộc trực, thẳng thắn. Các nhân vật chính – phụ trong cuốn sách đều được lột tả rất đời. Bạn có thể cảm nhận có một Ba Trân ngoài kia, hay một bà mẹ chồng quá quắt đang tồn tại. Nhiều vấn đề ngoại tình, loạn luân, trái đạo lý cũng được khai thác rõ ràng, đa chiều.

sach-me-chong-thanh-hang-1642381792.png
Nội dung sách Mẹ Chồng tái hiện lại một hành trình Mẹ Chồng - Nàng Dâu của vùng đất Nam Bộ một thời.

Nếu nói về điểm đáng tiếc của “Mẹ Chồng”, tác giả Kim vẫn chưa thật sự làm bật lên giá trị nhân đạo của câu chuyện.

Có vẻ tất cả phụ nữ trong “Mẹ chồng” đều ích kỷ. Ngay cả người an phận nhất thực chất vẫn toan tính, khi họ nghĩ an phận là cách để tồn tại. “Mẹ Chồng” luôn đề cập đến việc phụng sự nhà chồng, nhưng thực chất, mọi nhân vật nữ được xây dựng chỉ đơn giản là phụng sự cho sự sống còn của mình. Họ không yêu thương ai cả.

Phụ nữ trong “Mẹ Chồng” cũng tàn nhẫn với nhau. Đôi khi, họ có phần xúc động vì cùng phận đàn bà, nhưng rung cảm đó quá mong manh giữa cái ác. Bề ngoài, ta có thể nhìn thấy phụ nữ trong “Mẹ Chồng” bị ràng buộc bởi định kiến. Nhưng nhìn sâu, đặt họ vào thời hiện đại, thị họ vẫn tàn nhẫn như vậy.

Có lẽ tác giả Kim đã lạm dụng quá nhiều yếu tố gia đấu để đẩy cao trào cho “Mẹ Chồng”, mà quên mất phụ nữ Việt Nam khi xưa, và ngày nay, vẫn rất đùm bọc nhau. Việc này dễ dẫn đến hệ quả khi đọc “Mẹ Chồng”: Người ta không nghĩ đến định kiến xã hội, họ chỉ nghĩ liệu phụ nữ đều ác độc với nhau như vậy?

Sau tất cả, “Mẹ Chồng” vẫn là cuốn sách đáng đọc, đáng nghĩ, thậm chí đáng tranh luận. Bởi mình tin, việc khai thác những người phụ nữ yêu thương nhau hay căm ghét nhau vẫn luôn là đề tài thú vị trước đây, bây giờ, và cả sau này.

"Cuốn tiểu thuyết đầy ám ảnh về những thân phận đàn bà bị vùi trong đống tro tàn phong kiến"

Câu chuyện bắt đầu tại vùng Đại Điền, khi ấy ở nhà Hội đồng Huỳnh Văn Lịnh diễn ra một chuyện đại sự và cũng là sự kiện lớn của cả vùng: cưới vợ cho cậu Hai Nhứt – con trai duy nhất của ông bà Hội đồng. Người con dâu tên Ba Trân, dung mạo xinh đẹp, gia phong lễ giáo, rất được ông Hội đồng và cậu Hai Nhứt yêu thích. Duy chỉ có bà Hội đồng, tức bà Hai Lịnh lại không có mấy thiện cảm. Nguyên nhân bởi trước đám cưới 7 ngày, bà Hai Lịnh đã trông thấy một con bạch xà xuất hiện trong vườn nhà, với bà, đây là điềm hung báo về người con dâu này… 

Cuốn tiểu thuyết với văn phong đậm chất miền Tây Nam Bộ như mang người đọc quay ngược về quá khứ của những năm xưa cũ, khi chế độ phong kiến còn đặt nặng tư tường trọng nam khinh nữ. Lối kể chậm rải khiến người đọc như từng bước chứng kiến những biến cố trong gia đình Hội đồng Lịnh lẫn thấu cảm được những dằn xé nội tâm của những thân phận đàn bà. 

Tiểu thuyết là hành trình thân phận của người phụ nữ từ lúc là đứa con dâu chân ướt chân ráo đến nhà chồng cho đến khi trở thành mẹ chồng của một người con dâu khác. Ba Trân, nữ chính của tiểu thuyết là đại diện cho những ánh mắt thơ ngây của người con dâu thuở ban sơ như vậy, từ những lúng túng vụng về để đứng lên quả quyết và cứng rắn. Hành trình của một kiếp đàn bà, hội đủ những đớn đau, tủi nhục và cả nước mắt lẫn máu…

(Theo sachmechong.vn)