Lục bát giọng trầm của Đỗ Thu Yên là tập thơ được viết bằng tình yêu thương, sự rung động của trái tim một người phụ nữ, người đã từng đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc. Bởi hơn ai hết, Đỗ Thu Yên chính là người trong cuộc nên lời thơ thêm chân thực và da diết hơn. Mùa thu năm ấy gặp anh/ Suối reo róc rách vọng quanh lưng đèo/ Đường hành quân dốc cheo leo/ Tuổi thanh xuân vẫn trong veo giọng hò/ Rừng xanh mắt lá em chờ.../ Lắng nghe tiếng súng từng giờ nơi anh/ Dõi theo mỗi bước quân hành/ Mùa thu năm ấy... kết thành nhớ thương (Mùa thu năm ấy).
Lục bát giọng trầm thể hiện rõ nét vẻ đẹp tâm hồn của Đỗ Thu Yên – một nữ chiến sĩ thanh niên Trường Sơn đã khắc họa nên bức chân dung của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ cứu nước. Sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do cho dân tộc. Dù trong khói lửa của chiến tranh nhưng vẫn luôn lạc quan, tin tưởng về một ngày đất nước hát bài ca khải hoàn, mọi điều sẽ được bình an. Ngọn lửa của lý tưởng đã lấn át đi tất cả những dỗi hờn, ghen tuông, nhung nhớ, xa cách của cảm xúc đời thường. Niềm tin và khát vọng về tình yêu trong trái tim vẫn luôn rực cháy. Nụ cười anh bỗng ửng màu/ Tim em loạn nhịp... nhầm câu ca rồi/ Trời chiều tiếng súng chợt ngơi/ Véo von chim hót đầy vơi gọi đàn.../ Giọng trầm em hát giữa rừng/ Tặng anh mà thấy rưng rưng trong lòng/ Vết thương mảnh đạn vẫn còn/ Bàn tay nắm chặt cho tròn câu ca (Vẫn dây cánh võng).
Trạng thái tình cảm của chị được dồn nén, được hun đúc trong những bài thơ mang ám ảnh tâm hồn. Nhớ rừng, Hoa tiêu, Chuyện Thạch Sanh, Chuyện tình hoa cỏ may... là những bài thơ được chuyển tải qua giọng tâm tình, tha thiết cảm động. Nếu không trải qua những năm tháng gian lao, nếu không có một tâm hồn tràn ngập yêu thương thì Đỗ Thu Yên không thể nào viết nên được những dòng thơ dạt dào cảm xúc như thế.
Chiến tranh là gắn liền với những chia lìa, cách trở, đau thương, chết chóc. Nhất là trong chuyện tình yêu đôi lứa. Có những mối tình trắc trở vì xa cách; có những lời hẹn ước bất thành vì người yêu đã nằm lại ở chiến trường; có những tình yêu đẹp ở ngay đơn vị hành quân nhưng lại e dè, không dám thổ lộ: “Lời yêu không nói... giấu vào trong tim”. Để rồi cho đến hôm nay, “em” cảm thấy nuối tiếc, “giận” cả chính mình, giá như ngày ấy trở lại, “em” sẽ nói ngay hai tiếng “yêu anh”: Lán quân y dưới chân đồi/ Pháo cao xạ giữ canh trời có anh/ Gặp nhau bên suối trong lành/ Mũ đầy sim tím anh dành trao em// Áo anh vết đạn xước thêm/ Gửi vào mũi chỉ nỗi niềm nhớ mong/ Chiều bình yên... dạo một vòng/ Đồi sim chín mọng như lòng muốn trao// Chẳng ai dám nói lời nào/ Loanh quanh chỉ vị ngọt ngào trái sim/ Hết cành, hoa, lá... lặng im/ Khắc sâu màu tím trong tim đợi chờ (Chuyện đồi sim). Đó chính là cảm xúc chân thành, hồn hậu, đáng yêu của người trong cuộc. Giữa đạn bom, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng tình người, tình đồng chí, đồng đội lại càng mãnh liệt hơn. Chân ghìm dưới cánh từ trường/ Phá bom nổ chậm, nối đường trong đêm/ Vội vàng anh đến cứu em/ Quản gì cái chết kề bên, trên đầu// Cõng em khỏi bãi... bom rền/ Tức thì bom nổ tung lên khoảng trời (Chuyện Thạch Sanh). Phẩm chất của người lính “bộ đội cụ Hồ” không sợ hi sinh, không sợ gian khó, sống giản dị, tình nghĩa, chân thành và cũng không kém phần lãng mạn: Một lần giặt áo dùm tôi/ Cỏ may vương lại thành lời vấn vương/ Ví mình bông cỏ dễ thương/ Tôi đi mang suốt dọc đường chiến chinh (Chuyện tình hoa cỏ may).
Nhân vật trữ tình “em” trong thơ Đỗ Thu Yên luôn là người hồn nhiên, giàu đức tin. Ngay ở thời điểm của cuộc chiến tranh ác liệt hay sau này khi đất nước đã hòa bình lúc nào “em” cũng luôn mòn mỏi đợi chờ, trông ngóng về “anh”: Mùa đông đã đến bên thềm/ Ly cà phê ấm nỗi niềm bâng khuâng/ Em ngồi đan những nhớ mong/ Đan trong cái lạnh chờ trông anh về (Mùa đông). Nhưng rồi tất cả trở thành vô vọng, “em” đã nghĩ đến việc “bắt đền”: Bắt đền những trận mưa rào/ Để bằng lăng tím phai màu thủy chung/ Bắt đền cả những cơn giông/ Cuốn đi những cánh tím hồng mỏng manh. Lắng lòng, bình tâm ngẫm lại “em” nhận ra mình vẫn là người “thua cuộc” và nghĩ rằng có lẽ đó là do cái duyên, cái phận đẩy đưa với mình.
Đỗ Thu Yên đặt mình trong mối quan hệ đa dạng của cuộc sống để cắt nghĩa và lý giải một số cơ sở của tâm lý và đời sống con người. Đó có thể là tình cảm của một người mẹ dành cho con, người vợ dành cho chồng, hay sự đối xử của những người tình với nhau... Rất nhiều cung bậc cảm xúc nhưng chủ đạo vẫn là sự yêu thương, trân trọng. Dọc chiến hào/ Khi những bông cỏ may vương vào tay áo/ Tôi lại nhớ đến em vô cùng/ Có phải em đã hóa hoa cỏ may/ Vương trên áo anh những ngày ra trận (Hoa cỏ may).
Nỗi nhớ cùng với những nuối tiếc, ngậm ngùi trải dài trong suốt cả tập thơ của Đỗ Thu Yên. Đặc biệt nhất đó là chuyện tình của những người lính, phần lớn đó là những bất thành, dang dở. Bao đợi chờ, trông ngóng, sự chung thủy của “em” dày theo năm tháng, dẫu biết là vô vọng nhưng “em” chưa bao giờ hết khao khát, hi vọng và mong ước ngày người ấy trở về. Dù đó chỉ là những hi vọng mong manh.
Lục bát giọng trầm là tiếng lòng của một nhà thơ – chiến sĩ quân y với những câu thơ nhẹ nhàng nhưng chuyển tải được nhiều cung bậc cảm xúc dưới đôi mắt nhìn đời đầy nhân ái và bao dung. Đi qua giông bão cuộc đời/ Đợi mùa thu của riêng người thiết tha/ Thu xưa êm dịu trong ta/ Khổ đau nhiều... để mặn mà thương yêu (Bài thơ cuối hạ).
72 bài thơ trong Lục bát giọng trầm tựa như 72 câu chuyện kể vừa ngắn gọn, khúc chiết nhưng cũng gợi ra nhiều ý nghĩa cho người đọc. Bởi đó không chỉ là những câu chuyện tình yêu thời khói lửa mà ở đó còn có cả bức tranh đời sống với bao nhiêu trăn trở, nuối tiếc và suy tư.