Miền Trung những ngày tháng Mười oằn mình chống lũ. Lũ chồng lũ sau những ngày mưa như trút nước do ảnh hưởng của bão số 5, 6, 7 liên tiếp. Các hồ chứa nước thuỷ lợi, thủy điện đồng loạt xả tràn khiến cho hạ lưu như một túi nước lớn, đầy tràn khắp vùng.
Bà con vùng lũ Quảng Nam vui mừng nhận hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Nước, nước, trắng trời nước, đâu đâu cũng mênh mang nước. Nước dâng tận mái nhà, biến đường thành sông, quét đi tất cả của cải, hoa màu, trâu, bò, lợn, gà.
Chấp chới những cánh tay kêu cứu qua mái ngói, những thân người nửa chìm nửa nổi, những gương mặt hoảng sợ, thất thần của những cụ già, em nhỏ, những tiếng khóc xé ruột của các em bé khát sữa, đói ăn, tiếng gào khóc ai oán của những gia đình mất đi người thân.
Tang thương chồng tang thương, quặn lòng khi nhìn những đám tang tập thể của các chiến sĩ tử nạn khi đi cứu nạn, những vành khăn trắng với những tiếng khóc lặng, nấc nghẹn của người thân ngất lả đi vì đau thương quá sức chịu đựng...
Cả nước đau thương vì mất mát, tổn thất quá lớn của quân đội trong thời bình và của những người thiệt mạng do bão lũ, sạt lở đất trong những ngày qua. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong năm 2020 đầy biến động một lần nữa lại bùng cháy sau dịch Covid-19.
Tin liên quan |
Một làn sóng mang tên “nhân đạo, từ thiện” dâng lên mạnh mẽ trong cộng đồng, chạy đua với lũ bão để giúp đồng bào ở vùng thiên tai. Đâu đâu cũng quyên góp, ai ai cũng muốn chung tay chia sẻ, từ miếng cơm, tấm áo, chai nước, lọ dầu đến những vật dụng cần thiết nhất cho cuộc sống để giúp người vùng lũ vượt qua cơn hoạn nạn.
Ai cũng trở thành mạnh thường quân, từ cô ca sĩ bé nhỏ đến những vận động viên, từ em học sinh góp giấy “kế hoạch nhỏ” hay đập heo đất đến những cụ già còng lưng cõng thùng mì, quần áo cũ đến đóng góp ở điểm tiếp nhận cứu trợ, từ nguồn của cán bộ, công nhân đóng góp từ ngày công, ngày lương đến nguồn của những tập đoàn lớn hàng nghìn tỷ đồng.
Đâu đâu cũng sáng đèn, thâu đêm chuẩn bị hàng cứu trợ. Chưa phải tết mà ở đâu cũng đỏ lửa nấu bánh tét, bánh chưng để giúp người vùng lũ. Bếp tình thương với hàng nghìn suất cơm của các chị, các mẹ gửi cho đoàn cứu nạn, gửi qua đội cứu hộ đến những nơi sơ tán, những người còn kẹt lại trong ngôi nhà nước vẫn đang dâng cao.
Tất cả đã mất hết, nguồn lương thực dự trữ tại chỗ đã hết, sức khoẻ cũng đã cạn kiệt khi phải gồng mình chống lũ gần mười ngày qua, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em trong điều kiện thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu chăn màn, quần áo ủ ấm.
Nước sạch, vệ sinh và thực phẩm dinh dưỡng để không bị bệnh hoặc lây nhiễm bệnh là điều ai cũng cần lúc này. Những chai dầu gió, thuốc cảm sốt, nước sát khuẩn, khăn, giấy, băng vệ sinh, sữa, đường, ... đều rất cần cho người già, phụ nữ, trẻ em lúc này.
Ở những nơi bị ngập sâu, khó di chuyển, đội cứu hộ của chính quyền, quân đội đảm bảo việc cung cấp lương thực cho người dân và thường trực lực lượng cứu nạn tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu các tình huống nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Những nơi nước ngập ít hoặc đã rút, có thể tiếp cận bằng xuồng nhỏ, lội bộ, lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ, đoàn thanh niên kết hợp cán bộ địa phương sẽ hướng dẫn các nhóm thiện nguyện tiếp cận trao quà cứu trợ trực tiếp hoặc tiếp nhận tại trạm và phân phát theo nhu cầu đồng thời huy động lực lượng giúp người dân vệ sinh môi trường, nhà cửa, vật dụng để họ sớm trở về nhà từ điểm sơ tán.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cứu trợ bà con vùng lũ. (Nguồn: Hội CTĐ Việt Nam) |
Lan tỏa giá trị nhân ái
Khi nước rút hết là lúc cần trợ giúp nhất để người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, từ nhân lực để sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất đến vật lực (tiền mặt, dụng cụ sinh hoạt gia đình, dụng cụ sản xuất, cây giống, con giống), hỗ trợ tâm lý và chăm sóc sức khoẻ cho người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, người mắc bệnh nan y và các đối tượng dễ tổn thương trong vùng.
Chung tay cùng chính quyền địa phương, nhà trường sửa chữa, dọn dẹp trường học, hỗ trợ sách giáo khoa, bút vở cho thầy cô và học sinh các cấp để sớm trở lại trường học; hỗ trợ các cơ sở y tế cộng đồng, nhà bảo trợ người già cô đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật vệ sinh môi trường và kinh phí sinh hoạt.
Những vùng bị thiệt hại nặng nề, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ kinh phí dựng lại nhà cửa, cấp lương thực trong thời gian dài khi sản xuất chưa phục hồi. Công tác tái thiết sau thiên tai là công việc rất lớn, chính phủ, nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cần chung tay để khắc phục hậu quả sớm nhất, giúp người dân Miền Trung sớm ổn định cuộc sống và phát triển sinh kế.
Bài học gì rút ra từ công tác cứu trợ trong cơn “đại hồng thuỷ”, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp sẽ đánh giá và rút kinh nghiệm để việc phòng ngừa ứng phó thiên tai được chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Các hội, nhóm từ thiện, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động cứu trợ các tỉnh miền Trung cũng nên tự rút ra bài học kinh nghiệm, biết làm gì và làm vào lúc nào để an toàn, hiệu quả và không “gây rối loạn” ở vùng lũ như vừa qua. Nên đặt niềm tin vào chính quyền địa phương và các tổ chức nhân đạo uy tín như Hội Chữ thập đỏ các cấp, yêu cầu giúp đỡ trước khi đi cứu trợ để được hướng dẫn đến đúng nơi, đúng địa chỉ, không bị rủi ro bất trắc, mất an toàn về người và của cải, không lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.
Hãy làm thiện nguyện bằng “trái tim nóng và cái đầu lạnh” và đừng làm theo phong trào, đừng thấy việc làm của mình là “cao cả” mà chà đạp lên những giá trị khác nhất là giá trị đạo đức, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ ở vùng lũ.
Họ đã mất mát, hy sinh, vất vả và làm hết sức mình để giúp dân, cứu dân trong những ngày bão lũ vừa qua và những ngày sắp tới, trong khi gia đình họ cũng đang rất cần họ mà họ phải làm nhiệm vụ không giúp được gì cho gia đình. Theo “mệnh lệnh từ trái tim” “vì nhân dân quên mình”, nhiều người lính thời bình đã hy sinh, để lại nỗi tiếc thương, đau khổ cho gia đình, người thân, đồng đội, đừng làm họ đau thêm, buồn thêm và mất mát thêm nữa.
Hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được vận chuyển miễn phí đến bà con vùng lũ. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Hãy làm “việc thiện bằng cái tâm nguyện” như ca sỹ Thuỷ Tiên đang làm. Đừng livestream về những điều không được như ý và phát ra những lời không hay, những trách cứ vô căn cứ như nhóm từ thiện phong trào nào đó đã làm khi yêu cầu lực lượng cứu hộ dùng ca nô trực chiến đưa đi phát mì tôm, hàng cứu trợ không được đáp ứng bởi nhiệm vụ của họ là “trực chiến cứu nạn”. Hãy nghĩ đi nếu lúc đó họ giúp đoàn thì khi được yêu cầu đi cứu người phụ nữ đang trở dạ, người già đang hấp hối phải đưa đi gấp bệnh viện thì bỏ người và hàng cứu trợ ở đâu để đi làm nhiệm vụ và ai sẽ bị kỷ luật, chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra thay họ. Họ đang làm nhiệm vụ và kỷ luật quân đội là “kỷ luật thép”, đừng làm phiền họ.
Thiên tai thảm hoạ rồi sẽ qua, dù để lại hậu quả lớn đến đâu nhưng tình người trong cơn bão lũ đã toả sáng, lan toả các giá trị nhân ái trong cộng đồng. Hãy tiếp tục nhân lên tinh thần và giá trị đó theo đạo lý ngàn đời của người Việt Nam “thương người như thể thương thân” để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân vùng lũ Miền Trung.
Sau cơn mưa trời lại sáng!
*Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam