Những ngày qua, miền Trung oằn mình chống chọi với thảm họa thiên tai “lũ chồng lũ”, cảnh hàng trăm ngôi nhà bị ngập, người dân trơ trọi trên những mái nhà cầu cứu đội cứu hộ giữa biển nước đục ngầu của thiên tai nhưng đâu đó, tình người ấm áp xua tan bão dông từ những suất quà từ thiện kịp thời, đúng lúc. Những hộp sữa, gói mỳ, gói bánh, chiếc bánh chưng xanh giúp họ chống đói, chống khát hay những viên thuốc cảm sốt kịp thời vượt qua bệnh tật,… tất thảy đều là truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt.
Ca sĩ Thủy Tiên sau gần 1 tuần kêu gọi đã nhận được trên 100 tỷ đồng tiền ủng hộ; vợ chồng Lý Hải – Minh Hà kêu gọi được 5,5 tỷ đồng cho Quỹ “Trái tim đồng cảm”; và hàng loạt các nghệ sĩ Việt đã và đang lan tỏa thông điệp “Chung tay vì khúc ruột miền Trung”…
Ca sĩ Thủy Tiên trao gửi món quà từ các mạnh thường quân tới người dân miền Trung. Ảnh FBNV
Thế nhưng, giữa cao điểm mùa lũ, giữa tình người ấm áp thì lại có những quan điểm trái chiều, bình luận tiêu cực, thậm chí là chỉ trích về những nghĩa cử cao đẹp của nghệ sĩ.Trường hợp của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam H’Hen Niê đóng góp 50 triệu đồng ủng hộ miền Trung là đề tài để cộng đồng mạng mổ xẻ. Có ý kiến cho rằng, Hoa hậu trích số tiền đó vẫn còn khá ít so với độ nổi tiếng của cô. Trước nhận xét tiêu cực làm “từ thiện keo kiệt”, H’Hen Niê đã bật khóc. Cô chia sẻ, bản thân cảm thấy bị tổn thương và khóc rất nhiều: “Đọc thông tin làm từ thiện keo kiệt, tôi tổn thương lắm. Mình cũng là con người. Các bạn làm tổn thương thì mình khóc chứ không cấm các bạn được. Nhưng các bạn làm thế chỉ khiến mình cảm thấy muốn làm gì cũng sợ dư luận. Vậy mình còn làm gì được nữa đây”.
Trước đó, vợ chồng Đông Nhi – Ông Cao Thắng từng bị một bộ phận cư dân mạng chỉ trích “keo kiệt” vì ủng hộ 50 triệu đồng cho đợt chống hạn mặn ở miền Tây vào tài khoản ủng hộ của ca sĩ Thủy Tiên.
Là nghệ sĩ thường xuyên có nhiều hoạt động vì cộng đồng, Thủy Tiên cho rằng, làm từ thiện “của một đồng, công một nén”. “Hồi xưa lúc mới đầu đi làm thiện nguyện, tôi cũng bị nhiều người chửi bới là lừa đảo, tạo dựng hình ảnh này kia. Tôi cũng buồn và suy sụp nhưng sau đó rồi đâu vào đấy. Tôi nghĩ miệng của họ, họ có quyền nói. Còn việc mình, mình cứ làm. Đừng để tâm đến thị phi ngoài xã hội. Trên đời này sức người có hạn nhưng tình thương thì vô hạn. Chỉ cần mình còn đủ yêu thương thì khó khăn đến đâu cũng đủ động lực để có cách giải quyết”,Thủy Tiên bày tỏ quan điểm. Sau 6 ngày với hành trình thiện nguyện, Thủy Tiên đã trở lại Sài Gòn. Sắp tới, cô có kế hoạch hỗ trợ đợt 2, đợt 3 sau lũ rút với nhiều dự án vì cộng đồng, hỗ trợ bà con tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Có thể thấy, Thủy Tiên là số hiếm nghệ sĩ Việt tạo được sự uy tín của mình trong cộng đồng. Đằng sau hình ảnh cô ca sĩ Thủy Tiên không ngại lội bùn, xa gia đình, chòng chành giữa dòng nước lũ để có thể trao tận tay bà con vùng lũ những suất quà từ các tấm lòng hảo tâm gửi tặng là lòng trắc ẩn vô bờ bến của nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”. Nếu bạn chỉ cần cái nhấp chuột, một vài thao tác trên điện thoại có thể chuyển được số tiền ủng hộ thông qua tài khoản trực tuyến thì với những người nhận “trách nhiệm” trao gửi, đằng sau đó là muôn vàn khó khăn. Sự phát tâm của họ dù xuất phát từ mục đích gì, cũng phô diễn đầy đủ sự hào hiệp và sự nhân văn. Vậy thì, tại sao lòng tốt lại bị giới hạn bởi những hoài nghi và những soi xét không cần thiết?
Có người bình luận Thủy Tiên đã làm tốt việc lan tỏa thông điệp, kêu gọi sự ủng hộ nhưng việc làm thiện nguyện cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng,…) quy định rõ ràng chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ là: 1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. 2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. 3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Trong Điều 5 quy định rõ: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”. Thực hiện việc tuân thủ đúng quy định có pháp luật, song giữa phạm trù luật và phạm trù đạo đức, hành động của Thủy Tiên trong 6 ngày cứu trợ nơi “rốn lũ” miền Trung rất đáng hoan nghênh.
Con người Việt Nam với truyền thống “Tương thân tương ái”, mỗi người dân Việt đều tự hào khi cả nước chung tay vượt qua 2 đợt dịch bệnh Covid-19. Và bao năm nay, lũ miền Trung chưa bao giờ lỡ hẹn, nhưng Thủy Tiên tin rằng “sức người có hạn nhưng tình người vô hạn”, với một tinh thần “cả nước chung tay vì miền Trung”, người dân miền Trung sẽ kiên cường vượt qua bão tố để đón tia nắng trở lại.