Kẻ thù của làn da mà không phải ai cũng biết

Nhuận Phẩm
Theo bác sĩ da liễu Anil Budh-Raja (Anh), không chỉ hóa mỹ phẩm mà sự căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng kéo dài cũng là kẻ thù của da.

Thời gian gần đây, không ít các chị em đang phải bận tâm chuyện ‘cơm, áo, gạo, tiền’ giữa mùa đại dịch Covid khi vừa phải ‘cân, đo, đong, đếm’ chuyện công sở, chuyện gia đình, chuyện con cái. Những mối lo ngại trên đã ít nhiều gây ra căng thẳng hoặc căng thẳng kéo dài ở rất nhiều phụ nữ. Stress (căng thẳng) không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần, mà còn tác động không tốt đến làn da của chúng ta.

Theo bác sĩ da liễu Anil Budh-Raja, để tìm hiểu lý do tại sao stress có thể ảnh hưởng xấu đến da, chúng ta cần tìm hiểu hệ thống nội tiết của cơ thể. Trong hệ thống nội tiết, có một số tuyến làm nhiệm vụ tiết hormone giúp duy trì những hoạt động bình thường trong cơ thể. Tuy nhiên, khi một số tác nhân bên ngoài như stress xảy đến với chúng ta, các tuyến này có thể không còn hoạt động đồng bộ, gây ra những biểu hiện xấu.

Khi gặp stress, cơ thể chúng ta sản sinh ra lượng cortisol (hormone chống stress, làm tăng huyết áp, tăng đường huyết, có tác động ức chế miễn dịch, chống dị ứng) dư thừa. Lượng cortisol dư thừa này có ảnh hưởng rất xấu đến huyết áp và hệ thống miễn dịch. Stress làm tăng cường quá trình sản xuất cortisol, từ đó làm tăng hoạt động của tuyến bã nhờn, sản sinh ra nhiều bã và nhờn trên làn da chúng ta. Từ đó xuất hiện các tình trạng xấu như mụn trứng cá, bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến.

Mụn trứng cá và da tăng độ nhạy cảm là tác động xấu rõ nhất của stress. Ngoài ra, cortisol cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của da gây ra biểu hiện của một làn da thiếu sức sống với nhiều nếp nhăn và đường nhăn. Ngoài ra, cortisol cũng làm tăng tình trạng viêm nhiễm trên cơ thể, gây ra các bệnh như eczema, bệnh hồng ban hoặc bệnh vẩy nến.

Kết quả nghiên cứu vào năm 2015 về tác động của stress đến tiến triển bệnh vẩy nến cho thấy, một nửa số người tham gia cho biết họ xuất hiện bệnh trong những khoảng thời gian đặc biệt khó khăn của cuộc sống. 63% người tham gia cho biết tình trạng bệnh của họ trở nên nặng hơn khi họ phải đối mặt với cảm giác lo lắng, căng thẳng hoặc chịu áp lực.

Một nghiên cứu năm 2017 dành riêng cho các nữ sinh y khoa cũng cho kết quả tương tự: 74% những người tham gia cho biết, lo lắng và căng thẳng làm tình trạng mụn của họ trở nên nặng hơn.

Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Sarah Coles (Anh) giải thích thêm, sự khởi đầu và hậu quả của stress có thể trở thành một vòng tròn khép kín. Nghĩa là khi gặp stress với những mối bận tâm bên ngoài, da sẽ xuất hiện các tình trạng xấu, khi các tình trạng xấu xuất hiện, nó lại trở thành một vấn đề khác gây ra stress cho cơ thể. Cứ như vậy, sự bắt đầu và hậu quả của stress là một vòng tròn khép kín.

Khi cơ thể stress, nó khiến chúng ta ít tham gia vào các thói quen lành mạnh. Stress khiến chúng ta làm việc nhiều giờ hơn, ăn ít hơn hoặc uống nhiều cà phê và rượu hơn. Thay vào đó, chúng ta ít tham gia vào các hoạt động như chăm sóc da, tập luyện thể dục hoặc chơi thể thao.

Không chỉ hóa mỹ phẩm, đây cũng là kẻ thù của mọi làn da - Ảnh 2.

Ảnh min họa

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, phần lớn các tổn thương đến da do stress có thể được khắc phục bằng cách tập trung vào những hoạt động chăm sóc da hàng ngày.

Bác sĩ tư vấn da liễu Adam Friedmann (Anh) khuyên mọi người nên có chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, bảo vệ da khỏi tia UV từ ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài, kể cả những ngày nhiều mây. Ngoài ra, có thể kết hợp sử dụng kem dưỡng ẩm vào quy trình chăm sóc da để cải thiện tình trạng ngứa, bong tróc da hoặc xuất hiện vết đỏ trên da.

Ngoài ra, bác sĩ Budh-Raja khuyên rằng, bất cứ ai đang gặp những ảnh hưởng xấu đến làn da nên đầu tư vào các sản phẩm chăm sóc da có chứa các thành phần làm dịu như nha đam, bột yến mạch, hoa cúc, chiết xuất hương thảo và niacinamide (thành phần giúp phục hồi da, chống mất nước).

Mặc dù có thể khắc phục tình trạng xấu của da bằng các sản phẩm chăm sóc, tuy nhiên, giải quyết các tác nhân gây ra stress mới là điều quan trọng nhất. Tiến sĩ Coles khuyên bạn nên áp dụng các phương pháp giúp giảm stress và quản lý cảm xúc như tập yoga hoặc ngồi thiền. Ngoài ra, bạn có thể xây dựng thói quen ngủ cố định – đúng giờ và đủ giấc hoặc để phòng tối và không tiếp xúc ánh sáng màn hình một giờ trước khi đi ngủ.

Tiến sĩ Coles cũng cho biết thêm, có thể áp dụng một số phương pháp khác để giảm thiểu căng thẳng như đi dạo, dành thời gian ra ngoài, đọc sách, trò chuyện với bạn bè, hòa giải những mâu thuẫn, tập yoga hoặc luyện tập thể dục.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là giữ tinh thần thật thoải mái và chuẩn bị tâm lý để đón nhận những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Như vậy, có thể giảm bớt hậu quả của stress đến cơ thể và làn da của chúng ta.