Hiểu như thế nào cho đúng về Trưởng Thành? Nó đáng giá bao nhiêu?

Ai trong chúng ta cũng đều đến lúc phải trưởng thành. Vậy có khi nào bạn tự đặt câu hỏi để hỏi mình rằng: "Trưởng thành, đáng giá bao nhiêu?"

       

Trong cuốn sách “sói và dương cầm” của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm có một câu nói làm tôi rất tâm đắc “Thật ra, tôi cũng không muốn lớn lên. Thế nhưng điều này không phải là điều tôi có thể kiểm soát được”. Chắc hẳn, khi còn thơ bé chúng ta luôn mong muốn rằng mình sẽ lớn thật nhanh, mau mau trưởng thành, tách bạch với gia đình và tự lập về kinh tế. Nhưng chúng ta không lường trước được rằng sự trưởng thành cũng có cái giá của nó, những thứ mình phải đánh đổi để có được cái mà người ta gọi là sự trưởng thành. Vậy, trưởng thành của bạn đáng giá bao nhiêu?

Cái giá thứ nhất, bán niềm vui, mua sự cô đơn. Mỗi một ngày dài trôi qua, hòa mình vào đám đông xa lạ, mọi người đều hối hả để lướt qua cuộc đời nhau một cách vội vã như đang chạy đua với thời gian hữu hạn của chính bản thân mình. Thời gian chẳng bao giờ là đủ với cuộc sống bộn bề của một người trưởng thành. Mỗi ngày thức dậy, điều đầu tiên phải nghĩ tới là hôm nay có bao nhiêu công việc đang đợi mình. 24 giờ trôi qua, mọi việc vẫn đang dở dang. Chúng ta mệt mỏi trước những điều đang xảy ra, rằng bản thân đã cố gắng nhưng dường như cuộc sống chưa bao giờ là ổn cả. Chắc hẳn, ai trong chúng ta lớn lên mà chẳng thấy cô đơn, chênh vênh đến lạ lẫm. Nỗi cô đơn mà chúng ta không thể than vãn với bất kỳ ai, cũng không thể nhờ ai đó giúp đỡ, càng không thể òa khóc lên như một đứa bé khi xung quanh đây là thế giới của những người lớn. Họ sẽ chỉ nhìn bạn và cho rằng bạn là một kẻ yếu đuối mà thôi.

     Khi ngồi một mình lặng lẽ, nhìn thành phố chuyển động và khép mình sống trong nổi cô đơn của bản thân. Tôi lại nghĩ “chỉ khi trưởng thành như thế này, chúng ta mới biết đích thực nổi cô đơn là gì?”. Là tự tạo cho mình một vẻ ngoài rất ổn, nhưng sâu thẩm bên trong lại là sự trống vắng, hiu quạnh đến đáng sợ. Đôi khi cảm thấy sợ hãi vì không biết trong dòng đời xô bồ và phức tạp như thế này, liệu chúng ta còn là chính mình nữa hay không? Nhưng càng ngày tôi càng thấy rằng, dường như càng trưởng thành càng khiến tôi thích cảm giác cô đơn. Mặc dù bề ngoài chúng ta vẫn nghĩ, tạo ra nổi cô đơn trong cuộc sống chính mình chẳng hề tốt chút nào. Nhưng trái lại, cô đơn cũng là một cái hay. Bởi vì, chỉ khi cô đơn chúng ta mới biết được rằng, nên lắng nghe cảm xúc bên trong mình nhiều hơn, để có thêm động lực để bước tiếp. Bất kỳ ai, đến tuổi trưởng thành đều cảm thấy sự cô đơn của bản thân, nếu như bạn không cảm nhận được sự cô đơn của bản thân, thì có lẽ bạn chỉ là một đứa trẻ trong thân xác của một người lớn mà thôi.

     Cái giá thứ hai: thời gian của cha mẹ. Đến một lúc nào đó, bạn chợt nhận ra rằng sự trưởng thành của mình là sự đánh đổi bằng cả tuổi đời của ba mẹ mình. Những lúc bạn về đến nhà khi nhìn lên mái tóc của ba ma mình lại có thêm nhiều sợi tóc bạc mới, thêm những nết nhăn mới thì bạn mới hiểu rằng, ba mẹ thật sự đã già rồi. Mình càng lớn hơn, mình càng trưởng thành hơn thì lời tạm biệt với đấng sinh thần của mình càng đến gần. Chua sót nhất là khi, bạn nhận ra, ba mẹ đã giành cho mình cả đời để giúp mình trưởng thành nhưng mình lại dùng cả quảng thời gian trưởng thành của mình chỉ để kiếm tiền, để đến khi muốn được ở gần với ba mẹ hơn thì họ đã không còn nữa rồi. Có lẽ, sự trưởng thành đã cướp chúng ta rất nhiều thứ, cướp luôn cả thời gian được gần gũi với người mình thương yêu. Chúng ta chỉ biết lao vào đời kiếm ăn như những con chim đói, và để rồi đến một lời cảm ơn đến người yêu thương cũng chẳng nói được.

     Đâu đó, trong tôi lại văng vẳng lên câu hát của Lyn Lee “hãy cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Đúng, hiện tại tôi rất mong một vé về lại cái tuổi cưỡi trâu, tắm ao, chạy lông nhông ngoài đường với nụ cười ngây ngô, được quay lại với những đòn roi của ba mẹ. Chắc chắn lúc đó tôi sẽ không còn mong muốn mình trưởng thành nữa.

     Trưởng thành của bạn đáng giá bao nhiêu?