Tuy có vị chua nhưng những bát canh sau được biết đến là những món canh giải nhiệt cần có cho mùa hè, là đặc trưng của mùa nóng ở ba miền. Bởi thế, chúng không chỉ là những "vị thuốc ngon lành" trên mâm cơm của mỗi nhà mà còn là nét văn hóa trong ẩm thực của từng vùng miền.
Miền Bắc - canh sấu nấu sườn
Món canh chua nấu từ sườn non với trái sấu cuốn hút nhiều người bởi vị chua thanh, dễ ăn của những quả sấu giúp xoa dịu cảm giác oi bức của những ngày hè. Cái chua đặc trưng của quả sấu khi quyện cùng nước hầm sườn thanh, ngọt là "cứu tinh" cho mùa hè khắc nghiệt ở Hà Nội.
Theo Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, giúp tiêu đờm, trị nhiệt miệng, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…
Miền Trung - canh hến nấu khế
Đến với miền Trung, bát canh giải nhiệt có vị chua, chát nhẹ do sử dụng trái cây như me, khế, thơm. Vị chát tự nhiên từ những loại trái này phần nào là để lấn át đi bớt mùi tanh của hải sản. Và nhắc đến hải sản miền Trung, không thể bỏ qua loài hến - nguyên liệu thường xuất hiện trong mâm cơm xứ Huế.
Mùa hè mà được thưởng thức bát canh giải nhiệt ngọt dịu từ hến, chua và chát nhẹ từ khế thì bao oi ả tiêu biến. Hơn nữa, quả khế giúp chữa viêm họng, sổ mũi, giảm viêm và tăng sức đề kháng.
Miền Tây Nam Bộ - Canh chua lá giang
Nhắc đến canh giải nhiệt miền Tây Nam Bộ, không thể bỏ qua lá giang. Lá giang (lá nồm theo cách gọi của miền Bắc) là một loại lá thường mọc dại ở bờ rào và rất phổ biến. Canh chua lá giang hợp nhất là nấu với thịt gà. Vị chua hơi gắt, mùi nồng của lá giang khi quyện cùng thịt gà béo thì đúng là "cực phẩm" mùa hè. Người ta bảo rằng ăn canh chua lá giang với cơm trắng, nước mắm ớt cũng đủ vấn vương.
Theo Đông y, lá giang có tính mát giúp thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc và chữa chứng đầy bụng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp... vì thế, cứ đến hè thì món canh giải nhiệt này càng được chuộng hơn.