Tri ân Nhà giáo

Hãy yêu thương cân bằng, vì tất cả đều là con của cha mẹ!

Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái vốn là vô điều kiện. Vì thế lý tưởng nhất, tất cả các con nên nhận được tình yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc cân bằng, không thiên vị.

Tuy nhiên trong thực tế, không ít gia đình lại dành nhiều thời gian, tình cảm, đặc quyền hoặc ít nghiêm khắc, ít kỷ luật hơn với một vài đứa trẻ so với anh chị em của chúng. Vì sao lại như vậy?

1. Tại sao có sự thiên vị trong gia đình?

Sự bất công của cha mẹ với con cái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và phụ thuộc vào hoàn cảnh, môi trường sống, tính cách của cha mẹ.

  • Do tư tưởng trọng nam khinh nữ

Trong văn hóa Á Đông, tư tưởng trọng nam khinh nữ tuy đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Không ít gia đình vẫn thiên vị con trai bởi suy nghĩ con trai sẽ “nối dõi tông đường” và “phụng dưỡng cha mẹ” còn con gái là “con nhà người ta”.

  • Do khoảng cách trong cuộc sống

Do nhiều nguyên nhân, các thành viên gia đình có thể không sống cùng nhà. Khi anh chị sống xa nhà để đi học hoặc đi làm còn em nhỏ ở cùng cha mẹ thì cha mẹ cũng sẽ có xu hướng quan tâm và chăm sóc đứa con gần gũi với mình hơn.

  • Do khác biệt trong tích cách và năng lực của con

Anh chị em tuy cùng cha mẹ nhưng tính cách và năng lực có thể khác nhau, đó có thể là nguyên nhân khiến ba mẹ có nhìn nhận sai lầm, dẫn đến việc thiên vị. Sau đây là một số ví dụ điển hình:

  1. Cha mẹ thường yêu thương những đứa trẻ học giỏi, ngoan ngoãn và nghiêm khắc với những đứa trẻ học kém.
  2. Cha mẹ có xu hướng yêu chiều những đứa con hòa đồng hơn những đứa trẻ hướng nội.
  3. Cha mẹ thường cư xử trìu mến hơn với những đứa trẻ tình cảm và khó tính hơn với “the black sheep” - những chú cừu đen nổi loạn.
  4. Con gái có xu hướng ấm áp, gần vũi và ít quậy phá hơn con trai nên nhiều cha mẹ lại ưu ái và nhẹ nhàng với con gái hơn.
  • Do thứ tự sinh của trẻ

Phụ huynh thường có xu hướng dành sự chú ý, kỳ vọng cho đứa con đầu lòng và yêu thương con út hơn so với con thứ. Vì theo quan niệm phương Đông, con cả luôn phải có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ, chăm sóc các em, trong khi con út lại cần được bảo bọc và nhường nhịn vì còn non nớt.

2. Thiếu cân bằng tình thương ảnh hưởng ra sao?

Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự thiên vị của cha mẹ có thể có tác động xấu đến tâm lý, sự phát triển và mối quan hệ của trẻ với các thành viên gia đình.

  • Gất cân bằng cảm xúc và thiếu tự tin

Khi cha mẹ không dành đủ tình yêu và sự chăm sóc cho trẻ, trẻ có thể bị mất cân bằng cảm xúc, cảm thấy tự ti, lo lắng, giảm lòng tự trọng hoặc gặp khó khăn trong việc quản lý và biểu đạt cảm xúc.

  • Quan hệ xã hội khó khăn

Tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ là cơ sở quan trọng giúp xây dựng mối quan hệ xã hội của trẻ. Thiếu cân bằng tình thương có thể làm cho trẻ cảm thấy cô đơn, khó thích nghi và gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì quan hệ với người khác.

  • Khó khăn trong học tập và phát triển

Thiếu tình thương có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, khó tập trung và thiếu động lực học tập. Từ đó, trẻ có thể có thành tích kém và thiếu sự phát triển cân bằng trong các lĩnh vực.

  • Gây ra tổn thương tâm lý

Vì cha mẹ là người gần gũi nhất với trẻ nên khi bị cha mẹ đối xử bất công, trong lòng trẻ sẽ dần hình thành tổn thương sâu sắc. Loại tổn thương này để lại "bóng đen" cho sự phát triển của trẻ, thậm chí kéo dài đến khi trưởng thành. Nó khiến trẻ cáu gắt và có phản ứng chống đối, dẫn đến khiếm khuyết nhân cách hay thậm chí là trầm cảm.

  • Gây rạn nứt tình cảm gia đình

Việc cha mẹ có sự thiên vị không chỉ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn có thể gây rạn nứt tình cảm giữa anh chị em. Một số đứa trẻ nhận ra sự thiên vị và cảm thấy có lỗi với anh chị em, từ đó chúng nỗ lực hơn để bù đắp, hàn gắn. Tuy nhiên, một số khác lại xem mình như “rốn của vũ trụ” và giành lấy hết tình yêu thương, sự quan tâm.

3. Hãy yêu thương con cái một cách bình đẳng

Mỗi đứa trẻ đều có tính cách, sở thích, nhu cầu và cách thể hiện riêng. Do thế, cha mẹ đừng thiên vị mà hãy yêu thương cân bằng, vì tất cả đều là con của cha mẹ.

  • Không so sánh con cái

Cha mẹ không nên so sánh con cái dưới mọi hình thức. Vì khi bị so sánh, trẻ sẽ thấy bị giảm giá trị và không được yêu thương, từ đó dần trở nên xa cách. Việc bị giảm giá trị trong thời gian dài còn làm gia tăng thái độ thù địch với anh chị em và khiến đứa trẻ cảm thấy tự ti. Cần tránh gán ghép cho con biệt danh như “đứa bé thông minh nhất” và các mẫu câu như: "Anh chị con ngoan như thế mà sao con lại nghịch ngợm vậy?”

  • Giao tiếp với trẻ nhiều hơn

Cha mẹ thường cần giao tiếp nhiều hơn với con cái, tìm hiểu thêm về suy nghĩ thực sự của con. Cha mẹ cũng nên lưu ý:

- Sau khi giải quyết một vấn đề, hãy hỏi con xem chúng có hài lòng không và cha mẹ cần làm gì để cải thiện.

- Với những trẻ có tính cách hướng nội, cha mẹ nên chủ động trò chuyện cùng con nhiều hơn .

- Khi trẻ có biểu hiện chống đối và phá phách, hãy kiên nhẫn trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân chứ không trách móc trẻ.

  • Thưởng phạt phân minh, giao việc công bằng

Nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ Jane Nelson cho biết: "Hai đứa trẻ phải được đối xử bình đẳng, để một đứa không nảy sinh tâm lý" nạn nhân", còn đứa kia không nảy sinh tâm lý" bắt nạt". Cha mẹ cần thể hiện sự công bằng trong việc thưởng phạt và phân chia công việc nhà. Cha mẹ hãy mua đủ bánh và đồ chơi cho các con thay vì bắt trẻ phải nhường nhịn anh chị em.

  • Phân chia thời gian để ở một mình với từng trẻ

Bạn cũng nên tạo cơ hội ở một mình với từng trẻ. Lúc này, trẻ sẽ không cần phải cạnh tranh để được chú ý nên sẽ có thể cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm mà cha mẹ dành cho mình. Bạn có thể cùng tham gia vào sở thích của con như vẽ tranh, làm đồ thủ công, hoặc đến đón con đi học về, cùng đi dạo và trò chuyện, chia sẻ,...

4. Kết luận

Trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tất cả các con đều xứng đáng nhận được tình yêu và sự chăm sóc bình đẳng. Nếu nhận thấy bản thân đang thiên vị, cha mẹ cần thay đổi để bù đắp cho con. Sự yêu thương, quan tâm sẽ là “liều thuốc chữa lành”, giúp con phát triển lành mạnh. Vì chỉ khi mỗi đứa trẻ tin rằng mình được yêu thương thì chúng mới có thể yêu thương người khác.