GIAO THỪA NHỚ MẸ
Gió xuân cho cải ngồng nghiêng
Hoa xoan rụng cả tháng giêng hội làng
Vườn mai hé nụ ngỡ ngàng
Nắng thơm hương mật nhựa vàng tràn môi
Ngồi đây chung chén rượu mời
Đèn cù nến đỏ cứ vời vợi xa
Ngồi đây sưởi ấm quê nhà
Xuân phương nam có mặn mà hơn xưa
Đứa về kẻ ở người đưa
Ngõ nhà ai cũng chạm vừa dấu chân
Mẹ ngồi ngong ngóng giữa sân
Cứ tần ngần mãi phân vân con về
Hương trầm thơm mãi đất quê
Gói làm sao được bốn bề mẹ ơi
Giao thừa đến vội mưa rơi
Xuân mà chi để bời bời lòng con
Thơ Lê Sỹ Tùng
Lời bình: Nguyễn Văn Hòa
Lê Sỹ Tùng có rất nhiều bài thơ viết về mẹ, về nỗi nhớ quê nhà với những cung bậc cảm xúc dạt dào, bao nỗi nhớ niềm thương và cả những day dứt nghẹn ngào luôn đồng hiện trên những câu thơ, bài thơ của anh. Trong số những bài thơ thuộc chủ đề này thì Giao thừa nhớ mẹ là bài thơ để lại ấn tượng nhất, cảm động nhất. Bởi bài thơ được Lê Trung Sỹ viết trong hoàn cảnh đặc biệt - vào thời khắc giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới; những cảm xúc của đứa con xa quê không về với mẹ, với quê nhà, với quê cha đất tổ lại càng làm cho nhà thơ se sắt lòng hơn. “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”, câu nói ấy từ ngàn xưa cha ông ta đúc kết quả không sai chút nào. Những ngày cuối năm, những người làm ăn xa phải trở về quê cũ, về với những người thân yêu, ruột thịt ở nơi quê nhà. Ở đó có mẹ, có cha, có ông bà, tiên tổ, anh, chị em ruột thịt... Họ quây quần sau một năm đằng đẵng xa quê vì miếng cơm manh áo. Vậy mà, có người vì lý do nào đó không thể trở về để sum họp, đón chào năm mới bên những người ruột thịt. Lê Sỹ Tùng cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Ở nơi quê nhà, mẹ anh vẫn đang mòn mỏi ngóng trông anh về, dù mẹ anh biết hoàn cảnh của con mình không thể về cùng mẹ để đón năm mới, để anh được trong vòng tay yêu thương của mẹ, được mẹ bảo ban và chỉ dạy nhiều điều... và để anh được thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên như lời tạ lỗi sau bao nhiêu năm phiêu bạt ở quê người!
Đêm giao thừa ở nơi đất khách, trong tâm khảm đứa con vẫn hiện lên mùa xuân ở làng quê nơi anh cất tiếng khóc chào đời và những năm tháng gắn bó với quê hương xứ sở. Bức tranh làng quê vào mùa xuân với những hình ảnh sống động, mang đặc trưng của vùng quê Bắc bộ.
Gió xuân cho cải ngồng nghiêng
Hoa xoan rụng cả tháng giêng hội làng
Vườn mai hé nụ ngỡ ngàng
Nắng thơm hương mật nhựa vàng tràn môi
Mùa xuân hiện lên trong dòng suy nghĩ của nhà thơ thật đẹp, cái đẹp của thiên nhiên, đất trời làm cho lòng người cũng hân hoan, náo nức, rộn ràng, đầy ắp tình thương mến. Cải ngồng, hoa xoan, hội làng tháng giêng, vườn mai, nắng thơm hương mật: mùa xuân đang về trong sắc vàng của hoa, trong những lễ hội rộn ràng và cả trong ánh nắng thơm hương mật. Nắng thơm hương mật nhựa vàng tràn môi. Phép liên tưởng của nhà thơ thật ấn tượng và tạo nên giá trị mỹ cảm.
Ngồi đây chung chén rượu mời
Đèn cù nến đỏ cứ vời vợi xa
Ngồi đây sưởi ấm quê nhà
Xuân phương nam có mặn mà hơn xưa
Biết làm gì trong những ngày xuân, khi không được trở về quê cũ? Ở lại đất phương Nam, nhân vật trữ tình cũng chung vui ly rượu xuân với bầu bạn. Con người thì đang ở phương Nam nhưng trong tâm khảm lại đang “hành hương” trở về đất Bắc. Bao hình ảnh thân thuộc thuở nào lần lượt hiện diện nhưng tất cả chỉ là quá vãng. Giờ ở nơi xa ngái, cách quê xưa cả hàng nghìn cây số, con chỉ biết tự an ủi, tự nhắc nhớ để “sưởi ấm quê nhà” mà thôi. Cho dù cuộc sống hiện tại có đủ đầy hơn trước nhưng trong lòng đứa con xa quê vẫn luôn trân quý những năm tháng cũ, những năm tháng đầy ắp kỷ niệm, ấm áp và đầy ắp nghĩa tình.
Ở phương trời xa, người ở lại không về quê cũ, cũng không khỏi chạnh lòng, rưng rưng, nhói buốt:
Đứa về kẻ ở người đưa
Ngõ nhà ai cũng chạm vừa dấu chân
Mẹ ngồi ngong ngóng giữa sân
Cứ tần ngần mãi phân vân con về
Dẫu biết rằng đứa con trai đã báo tin là không về được nhưng trong lòng mẹ vẫn trông ngóng, và có gì đó phân vân khi nhà hàng xóm có bóng dáng của đứa con xa trở về. Điều đó làm cho người mẹ không khỏi xao động tâm hồn.
Mẹ ngồi ngong ngóng giữa sân
Cứ tần ngần mãi phân vân con về
Câu thơ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Hình ảnh người mẹ hiện lên với dáng vẻ lo lắng, trông ngóng, mong mỏi, chờ đợi. Thật cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng!
Giao thừa là thời khắc gia đình sum họp bên nhau. Vậy mà con không về với mẹ được. Lòng con quặn thắt. Khi nghĩ về cảnh người ta kẻ đón người đưa, họ trở về sum họp ấm cúng cùng gia đình. Còn những kẻ ở lại, không về như con cũng buồn lắm chứ, xót xa và cảm thấy có lỗi với mẹ nhiều. Lời thơ đọc lên nghe có tiếng nấc nghẹn, xốn xang. Với con quê nhà là tất cả, quê nhà thân thương và đẹp đến lạ kỳ, tình cảm con dành cho quê hương, dành cho mẹ không từ ngữ nào có thể diễn tả và nói hết được.
Hương trầm thơm mãi đất quê
Gói làm sao được bốn bề mẹ ơi
Giao thừa đến vội mưa rơi
Xuân mà chi để bời bời lòng con
Thời khắc giao thừa thường có những trận mưa cuối đông đầu xuân như xua tan và rửa sạch những bụi bặm, cũ kỹ của năm cũ, để đón chào năm mới nhưng ở đây không hẳn là những giọt mưa của tự nhiên mà ở đó còn có cả những giọt nước mắt. Giọt nước mắt ứ nghẹn giờ lại vụt chảy bởi sự xúc động quá đỗi của đứa con ly hương đang ở nơi đất khách. Lời thơ nghèn nghẹn, vừa như oán trách vừa như sự tự kiểm điểm chính mình vì không làm tròn đạo hiếu của một đứa con trai đối với mẹ. Nhưng tôi tin chắc rằng, một người mẹ bao dung và thương yêu con vô bờ cũng sẽ thấu hiểu cho nỗi lòng và hoàn cảnh của đứa con trai mình đang “không vui” nơi đất khách.
Kết thúc bài thơ Giao thừa nhớ mẹ là câu thơ đầy ám ảnh. Xuân mà chi để bời bời lòng con. Câu thơ gợi ra nhiều những liên tưởng, ngẫm ngợi của một cái tôi triết lý, nghiệm sinh đầy nhân bản của Lê Sỹ Tùng. Cái hay của bài thơ có lẽ nằm trọn ở câu thơ cuối cùng này. ‘
Mói Mặn Thạch Bàn
20:37 23/11/2022
Sỹ Tùng có những bài thơ viết về quê, về mẹ rất mùi mẫn rất sâu lắng tình quê, tình mẹ. Lối thơ bình dị nhưng sâu sắc. Có những câu thơ ngọt ngào mà da diết.