Tri ân Nhà giáo

‘Dọc đường gió bụi’ - Bút ký hay viết về đất và người Phú Yên

Dọc đường gió bụi của Phan Thế Hữu Toàn với những trang văn ấm áp viết về những tấm gương vượt khó, những con người tài hoa, về đất và người Phú Yên nghĩa tình... Ở đó, còn là những kiến thức và các giá trị văn hóa, lịch sử được nhà văn khai thác một cách rất ấn tượng.

Tập bút ký Dọc đường gió bụi là tác phẩm mới nhất của Phan Thế Hữu Toàn. Sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023.

Tính chân thực - đặc trưng rất quan trọng của thể loại bút ký – nhưng ở Dọc đường gió bụi bằng lối viết tinh tế, nhà văn Phan Thế Hữu Toàn đã đem đến cho bạn đọc những trang viết đầy sống động, cuốn hút có sức lay động lòng người.

1-bia-tap-sach-doc-duong-gio-bui-1716511494.jpg

Bìa tập sách Dọc đường gió bụi của Phan Thế Hữu Toàn

Điều đặc biệt, trong Dọc đường gió bụi tất cả đều là địa danh, vật thể, con người Phú Yên. 

Bài “Tản mạn trên cung đường ... cá ngựa ”, nói đến ven biển  Sông Cầu, với một loài cá biển được rao bán nhiều, có đặc tính bổ dưỡng mà các sách đông y đều công nhận. 

Vùng đất Tuy An ngoài danh thắng quốc gia loại đặc biệt Gành Đá Đĩa, còn mang trong mình nó vô vàn cấu trúc đá được tay người khéo léo sắp xếp thành tường rào, mương nước, nhà ở, chuồng bò, giếng nước, ngôi mộ... (“Độc đáo không gian văn hóa đá một vùng quê ven biển”).

Bài viết “ Kiệt tác đàn đá có thang âm chuẩn nhất Việt Nam ” tập hợp những câu chuyện liên quan về việc phát hiện và các giá trị cao của bộ đàn đá Tuy An.

Hành trình lưu lạc của cặp kèn đá có dáng hình con cóc cũng rất ly kỳ. Cuộc trùng phùng giữa hai cụ “cóc đá ” là cả một kỳ duyên và cũng là kỳ công của biết bao người. Tác giả ghi lại tỉ mỉ trong  “Đi tìm cội nguồn của cặp kèn đá tiền sử “ độc nhất, vô nhị ” ”. 

“Huyền tích Miếu ông Cọp ở Phú Yên ” kể lại những truyền thuyết về ông cọp sống nghĩa tình, được nhân dân lập miếu thờ cạnh con đường thiên lý bắc nam. Bài viết làm chúng ta suy ngẫm về tầm quan trọng của đạo lý làm người.

Hơn năm trăm ngôi mộ cổ trên sườn núi ở An Thạch (Tuy An ) đã trăm năm không người hương khói, mang bốn kiểu dáng: yên ngựa, mai rùa, búp sen, mái nhà. Vẫn đang thách thức các nhà nghiên cứu, chuyện kể trong “ Bí ẩn hàng trăm ngôi mộ cổ ở núi A Man ”. 

Căn bệnh liệt nghiệt ngã không hạ gục được niềm tin yêu cuộc sống của cô bé từng có ước mơ làm giáo viên Ngữ văn - Nguyễn Thủy Tiên ở huyện Tuy An.  Nhờ vào facebook em đã kết nối được với mọi người qua những vần thơ mộc mạc của mình (“Nghị lực phi thường của một cô gái khuyết tật”).

\Mẩu chuyện “Chàng thi sĩ mù và câu chuyện tình đẹp như cổ tích”, nói về việc phải gác lại ước mơ trở thành thầy giáo của Lê Đình Hòa ở Tuy Hòa khi đôi mắt mờ dần, rồi mù hẳn khi đang ở cuối năm đầu đại học. Sau hai mươi năm sống trong bóng tối, một cô giáo mầm non ở Bắc Kạn (Hạnh Vân) đã được đọc bài báo viết về những vần thơ của Hòa. Một cuộc du hành vào  miền Trung đã được thực hiện, rồi một lễ cưới đơn sơ mà ấm áp đã được tổ chức...   

Một câu chuyện khác viết về nhà văn Y Điêng - người dân tộc Ê Đê hiền hậu, cần cù sưu tầm văn hóa dân tộc, viết văn bằng hai thứ tiếng Việt, Ê Đê. Rời thành phố trở về, ông thầm lặng làm việc như con tằm nhả tơ để dệt nên những trang viết thấm đẫm tình người ( “Y Điêng - Già làng văn học Tây Nguyên” ).

Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người dân tộc Chăm Hroi miệt mài làm việc nơi núi rừng để sưu tầm, biên dịch những trường ca, sử thi nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số. Bài viết “ Cánh chim không mỏi giữa đại ngàn văn hóa dân gian ” nói về Ka Sô Liễng,  người có công xây dựng bộ chữ viết Chăm Hroi đã được Viện ngôn ngữ công nhận.

“Gã nghệ sĩ chân đất ” kể về nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo. Vốn ít học, chỉ làm nghề nông và đốn củi vất vả để kiếm sống. Cơ duyên đến khi được tặng cái máy ảnh dùng phim trong lúc anh chưa hề biết sử dụng. Với đam mê và nhiều nỗ lực, sự hỗ trợ anh đã thành danh, đoạt được nhiều giải thưởng lớn.

Trong 35 truyện ký của tập sách này còn có bài viết về những con người tài hoa, thành đạt, gương mẫu khác. Tất cả đều mang sắc thái riêng biệt, mô tả đến từng chi tiết của đời thực.

Như nhiều cuốn sách khác, một số khiếm khuyết khi ấn hành là điều khó tránh khỏi nhưng điều đó không làm giảm đi sức thu hút của tập bút ký đầy công phu và tâm huyết này.

1-phan-the-huu-toan-tac-gia-tap-sach-1716511628.jpg

Phan Thế Hữu Toàn - Tác giả tập sách

Dọc đường gió bụi của Phan Thế Hữu Toàn với những trang văn ấm áp viết về những tấm gương vượt khó, những con người tài hoa, về đất và người Phú Yên nghĩa tình... Ở đó, còn là những kiến thức và các giá trị văn hóa, lịch sử được nhà văn khai thác một cách rất ấn tượng. Tất cả những điều đề cập trong tập sách đã cho tôi cảm giác gần gũi, thân thương và điều đặc biệt hơn là khi đọc Dọc đường gió bụi còn tạo cho tôi niềm thích thú hơn với sách, muốn đọc và đọc thật nhiều để đi đến và khám phá những chân trời mới lạ của văn chương.