Tôi mượn tựa của một tập truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (1988) để hồi tưởng về những năm tháng còn “mài đũng quần” trên ghế Trường phổ thông cấp 2 Chuyên Nguyễn Khuyến (1999 - 2003). Đó là những năm đầu tiên thế hệ GenZ (1997 - 2012) được sinh ra, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong nghiệp “làm người” của tôi. Và những gì tôi sắp sửa viết ra sau đây chỉ là những ký ức vụn được lắp ghép không đầu không đuôi, một bức tranh chắp vá vọng tưởng về một thời rất đẹp trong ký ức…
Những buổi sáng đầu tiên tôi theo học Nguyễn Khuyến thực sự đáng nhớ. Con đường Lê Lợi lúc này hãy còn hai chiều; và trên con đường râm mát đến trường đó, có một quãng đậm hương mùi cà phê Long. Con đường kỳ diệu đến nỗi, vào một ngày đẹp trời khi tôi mới lên cấp 3, tôi vẫn bị nó hấp dẫn làm cho đạp xe đến tận cổng trường cũ và xao xuyến ngậm ngùi nhận ra mình không còn là một thành viên của Nguyễn Khuyến nữa.
Tôi nhớ tiết học mổ ếch rơi vào buổi chiều, khi nắng soi qua dãy kính lật trong như pha lê. Này đây buổi chào cờ với những câu hỏi hóc búa dành cho lũ học sinh nhốn nháo bên dưới. Và kia trận thư hùng bóng đá giữa giáo viên hai trường cấp hai trong vùng, thầy Hồ Kỳ Mô dáng cao gầy đứng trong khung gỗ chẳng khác là mấy Edwin van der Sar. Tôi chẳng thể nuôi dưỡng tình yêu dành cho văn chương trong mình nếu thiếu đi những tiết học về thơ Nguyễn Khuyến của thầy Ngô Phú Thành (người bị ám ảnh bởi từ “lọ mọ”). Tôi sẽ không hiểu được hết vẻ đẹp lấp lánh của Anh Ngữ nếu không có sự dìu dắt của thầy Nguyễn Trọng Khá, thầy Nguyễn Văn Hải.
Các thầy cô yêu nghề, yêu học sinh và đồng nghiệp đến cùng cực. Cô Phú hiệu phó từng trăn trở một việc tưởng rất đơn giản là xếp lịch dạy cho đồng nghiệp, sao cho có “tình” nhất, để mỗi đồng nghiệp đều được đứng lớp đúng giờ, đủ giờ. Thầy Lê Quốc Hưng (sinh/tin học) gửi tâm sự vào một tập san nội bộ ngày ấy, rằng: “Sẽ rất buồn nếu ai đó hỏi anh đến trường có việc chi không.” Đây là một tâm sự của một phụ huynh cũ, khi có dịp ghé lại trường và được nghe câu hỏi “phũ phàng” như vậy. Thầy Hưng nổi tiếng tếu táo, có lần, thầy kể chuyện ông giáo sư Nhật dịch đoạn “Gió đưa cành trúc la đà…” sang tiếng Nhật làm cả bọn cười nắc nẻ. Thầy nhắc lũ học sinh phải hô “tiến lên” thay vì “cố lên” trong thế đội nhà đang dẫn trước. Cô Lan (dạy văn) thường hát nhạc Phạm Duy: “Em ước mơ mơ gì tuổi 12, tuổi 13…” Thầy Xuân Xanh gieo vào thằng Luân bạn tôi niềm say mê vật lý, để rồi giờ này nó là tiến sĩ bên Mỹ.
Ai đó nói “kỷ niệm thường đẹp và buồn”. Nó đẹp thì chẳng phải bàn, nhưng nó buồn vì chúng ta làm sao lấy lại được nữa. Có buổi, tôi rưng rưng nghe chuyện thầy Hoàng chủ nhiệm mặc quần xà lỏn chở nước cơm thừa cho vợ. Bữa khác, tôi như vỡ oà khi cô Tuyền dạy toán khoe con cô vừa đạt giải cao môn tin học. Từ trước khi có Grab, thầy Hoàng thể dục đã được người yêu giao đồ ăn ngay cổng trường trong giờ dạy, sự vụ khiến cả lớp “ồ” lên! Mãi sau này, tôi mới gặp lại thầy làm quản lý một quán hải sản. Nhìn gương mặt sương gió của thầy, tôi tự hỏi thầy có còn nhớ khoảnh khắc ngày xưa.
Giờ thì… Sẽ không bao giờ chúng ta gặp lại thầy Lưu “già” với những những tiết toán thú vị, người thầy đã từng bỏ nhiều thời gian để chứng minh “định lý Fermat lớn”. Sẽ không còn nữa những tháng ngày trường còn nằm ở 93 Nguyễn Chí Thanh (nơi vào ngày 12/9/2001 tin tức về sự kiện 11/9 làm chấn động một đứa nhóc choai choai là tôi). Sẽ không thể nào lặp lại cái hôm tập thể dục tôi bay (đúng hơn là nhảy đứng) qua thanh xà và nhắm mắt thả người nằm lên tấm nệm chờ sẵn trong tiếng vỗ tay của cả khối lớp. Sẽ không ai được nghe thầy Trương Cừ thao thao bất tuyệt về những ngày thầy học ở Huế, tuyến yên, đạo-ông-Cừ, hay ký ức của thầy về những người bạn niên thiếu.
Có những thứ nhất định bạn phải trải qua một lần trong đời. Chẳng hạn như tôi là việc được nghe cô Thu Ba bình văn, chứng kiến thầy Khanh dắt bóng qua một rừng hậu vệ đối phương, ngẫm về quân Tây Sơn qua lời thầy Nuôi, đọc truyện ngắn của Edgar Allan Poe (“Bức chân dung hình bầu dục”) qua bản dịch xịn không thua gì lối dịch Phạm Viêm Phương của thầy Tường, trợn tròn mắt khi biết giáo án của thầy Mô là những trang giấy rời được ghi chép cẩn thận, thèm một ly nước đá lạnh sau 5-6 vòng chạy quanh khu phố nhà trường trong một tiết thể dục ngốn sức khủng khiếp, hay ngoặm một ổ mì bơ thơm béo trong căn tin nhà trường ngày ấy. Niềm vui ở Nguyễn Khuyến được kéo dài thêm vào những ngày cắm trại trong công viên nước hay biển Xuân Thiều, nhân lên trong buổi văn nghệ cuối năm khi hai anh chị lớp lớn đi từ trong cánh gà ra và cất lời bằng nhạc Ưng Hoàng Phúc: “Điều anh không muốn nay cũng đã đến…”
Những ngày tháng đó, tôi tập chơi bóng bàn, đánh guitar, học về Internet, đá bóng trên bãi biển Thanh Khê thanh vắng cùng chúng bạn trong lớp, lùng mua một poster David Beckham từ những quầy tạp hóa nhỏ dọc theo cái xóm lao động giờ là siêu thị Go!, đọc ngấu nghiến những trang truyện Nguyễn Nhật Ánh (Hoa hồng xứ khác, Hạ đỏ, Mắt biếc,…),… Những buổi chơi game “Half Life” ở quán 97 Lê Lợi, những buổi chat với bạn bè bằng nick Yahoo! mới cáu, những buổi lựa CD tặng sinh nhật cho bạn bè ở những tiệm đĩa sáng loáng, những buổi lọc cọc viết những trang văn đầu đời cho báo trường trên con máy Pentium cũ, nhạc Triệu Hoàng, nhạc West Life, tiếng gươm đao trong game Đế Chế, game Beach Head (2000 & 2002), báo eChip, winamp với giao diện Pizza Hut v5, học thêm cùng khắp ở Ông Ích Khiêm-Trần Cao Vân-Đống Đa… Chỉ một cái chớp mắt, tất thảy đã trở thành quá vãng. Và bằng cách nào đó, trường Nguyễn Khuyến dựng lên trong tôi một hình ảnh trọn vẹn giữa đám ký ức xanh màu đó. Một hình ảnh rõ ràng, mới tinh… Như thể buổi tựu trường chúng tôi thả bóng bay lên trời, với mong ước về một tương lai đẹp ngời vẫn còn đó, như vừa mới hôm qua.
Và Nguyễn Khuyến góp phần tạo ra những con người có ích tử tế. Chỉ xét riêng lớp tôi là vô vàn những ví dụ thú vị. Nếu Nguyễn Bá Anh Nguyên có thể lead một team đủ sức làm game khuynh đảo App Store, thì Hoàng Tùng bận bịu với công việc ở Jetstar. Thạch thần thánh vẽ nhà xây tổ ấm, còn Lê Mình Toàn lựa chọn đầu quân cho Techcombank…
Người Mỹ kể về những tháng ngày đất nước họ đặt chân lên mặt trăng qua tựa phim “Apollo 10 1⁄2: A Space Age Childhood” trên Netflix. Một người đàn ông trưởng thành nhìn về quá khứ bằng đôi mắt trìu mến. Tôi cũng có những cảm xúc tương tự khi được nhìn về Nguyễn Khuyến trong góc nhìn của một người đã bước quá ngưỡng một nửa cuộc đời. Trong tôi, hiện tại, chỉ toàn là “giá như”… Giá như tôi được trở lại, giá như tôi quyết định khác đi, giá như tôi cất lời…
Còn chút gì để nhớ? Hay còn rất nhiều để nhớ? Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể giãi bày hết. Nhưng nếu không có Nguyễn Khuyến, sẽ không có tôi hôm nay. Và tôi tin, điều này vận vào cuộc đời của hàng nghìn học sinh đã từng học ngôi trường này, trao cho chúng tôi một niềm tự hào không bút mực nào tả nổi.
26/02/2024