Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

"Có mẹ trong nhà" - Tiếng lòng thành thật nhất của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến khi viết về mẹ!

Có mẹ trong nhà, Đoàn Thị Lam Luyến viết khi chính chị cũng đã trải qua bao nhiêu sóng gió của bể đời trầm luân nên chị càng thương quý và thấu được đến tận cùng sự hy sinh, tảo tần, chăm chút của mẹ. Nhà thơ viết bài thơ này để bày tỏ tấm chân tình của mình với mẹ. Ở đó vừa là lời tri ân, nhưng đâu đó thấp thoáng như lời tạ lỗi chân thành nhất đối với mẹ.

Trong hành trình thơ của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, ngoài thế mạnh viết thơ về tình yêu, về những đổ vỡ mất mát, thua thiệt trên bước đường tình ái thì chị cũng có nhiều bài thơ hay viết về người mẹ kính yêu của mình. Trong số những bài thơ hay viết về mẹ của Đoàn Thị Lam Luyến thì bài Có mẹ trong nhà, được chị sáng tác gần đây có thể xem là bài thơ hay và cảm động nhất. Bởi chị đã nói lên tiếng lòng thành thật nhất về mẹ, về người đàn bà đã đi qua bao nhiêu khó nhọc, khổ đau vì sự trưởng thành và khôn lớn của các con.

Có mẹ trong nhà, Đoàn Thị Lam Luyến viết khi chính chị cũng đã trải qua bao nhiêu sóng gió của bể đời trầm luân nên chị càng thương quý và thấu được đến tận cùng sự hy sinh, tảo tần, chăm chút của mẹ. Nhà thơ viết bài thơ này để bày tỏ tấm chân tình của mình với mẹ. Ở đó vừa là lời tri ân, nhưng đâu đó thấp thoáng như lời tạ lỗi chân thành nhất đối với mẹ. Bài thơ viết tặng mẹ khi mẹ của chị đã gần kề trăm tuổi. Đây là độ tuổi xưa nay hiếm và xem như là phúc đức của gia đình, của tổ tiên, dòng họ. Mẹ vẫn hiện diện, mẹ vẫn tinh anh, dù thời gian và những vất vả chất chồng đã làm cho lưng mẹ còng không còn được thẳng.

anh-nguyen-van-hoa-va-nha-tho-doan-thi-lam-luyen-1643976313.jpg
Ảnh: Tác giả bài viết và Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến

Bài thơ là lời tự sự của Đoàn Thị Luyến về những điều cơ bản và cũng là hành trình cuộc đời của mẹ. Một bản giới thiệu ngắn nhưng khá đầy đủ về mẹ - người đàn bà được chị xem là “vị lai của chị em tôi”, “là chân khí của đất trời tạo nên”.
Mẹ già lưng mẹ cong cong
Gần một thế kỷ sống trong cõi đời
Vị lai của chị em tôi
Là chân khí của đất trời tạo nên

Mẹ - Người đàn bà nông dân thuần khiết nhưng thông minh, mau nhớ lâu quên, biết cách dạy dỗ, bảo ban cả đàn con thân yêu của mình.
Mẹ tôi mau nhớ lâu quên
Là cô giáo hiền của cả bầy con

Đoàn Thị Lam Luyến đã liệt kê ra hàng loạt những mất mát, tổn thương, thua thiệt... Mẹ sinh tất cả mười hai đứa con, ở thời khốn khó trăm bề, y học chưa phát triển, vì thế không thể giữ trọn đủ mười hai đứa con mà mẹ đã dứt ruột sinh ra.
Năm đứa mất, bảy đứa còn
Nuôi con thắt bụng, nuôi con tảo tần
Mất con, mất của, mất chồng
Bao nhiêu thứ mất ở trong kiếp người

Tấm thân người đàn bà vốn yếu mềm, lẽ ra được sự giúp đỡ, nương tựa từ người đàn ông trụ cột trong gia đình. Oái oăm thay người chồng cũng ra đi quá sớm. Mẹ lâm vào cảnh mẹ góa con côi. Bao bất hạnh dập dồn, tưởng chừng mẹ gục ngã. Ấy vậy mà mẹ lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mọi đau đớn, mất mát mẹ phải nuốt ngược vào trong. Bởi hơn ai hết mẹ hiểu ra rằng, nếu mẹ chùn bước, khóc than cũng chẳng giải quyết được điều gì. Đám con thơ kia và sự nghèo đói bủa vây mới là điều đáng sợ. Và cứ thế, cứ thế mẹ đã lặng lẽ, âm thầm cam chịu, mẹ đã tảo tần hôm sớm làm đủ mọi việc để nuôi nấng và dạy dỗ các con nên người.

Đoàn Thị Lam Luyến đã khéo dùng phép đối lập trong thơ để từ đó làm nổi bật những đức tính, phẩm hạnh đáng được trân trọng đối với mẹ. Vì vậy ở mẹ hội tụ những điều tinh tế, sự bao dung, nhân ái của một người phụ nữ biết lo toan, vun vén, giàu đức hy sinh vì những người thân yêu, ruột thịt. Do vậy, nhà thơ dành tất cả tình thương, sự biết ơn trước công lao trời biển của mẹ. 

Giờ đây đã gần kề 100 tuổi nhưng mẹ vẫn minh mẫn như ở tuổi bảy mươi. Cái hay ở mẹ là tính hỷ xả, buông bỏ những điều không hay quanh mình đã làm cho mẹ thanh thản, nhẹ lòng... 
Trí nhớ như tuổi bảy mươi
Tính hỷ xả vẫn như thời xa xưa

Điều đặc biệt ở mẹ, mà có lẽ cũng là cái để Đoàn Thị Lam Luyến ngộ ra từ chính mẹ mình, khi chị đang ở vào độ tuổi xế chiều. 
Trung tuổi mẹ đã siêng chùa
Niệm Phật cả buổi vẫn chưa muốn về
Tín Phật, trong trẻo hồn quê
Cả đời giữ nếp, giữ lề nhà nông
Từ ngày luyện Pháp Luân Công
Lưng mẹ bớt còng, má mẹ hây hây
Giúp con, giúp cháu sang Tây
Gửi tiền tiết kiệm về xây cửa nhà

Đâu đó trong từng câu thơ là sự bừng ngộ, thức tỉnh về cõi tu, sự tự thức sâu sắc về giá trị lớn lao từ sự thiện lương và tu tập mang lại. Mẹ không những trí tuệ minh mẫn, sức khỏe tốt lên mỗi ngày mà lưng mẹ lại bớt còng hơn... Rồi già chừng ấy tuổi như mẹ mà mẹ vẫn có sự trợ giúp lớn lao cho con cháu sang Tây làm việc, góp phần cho cháu con khấm khá lên từng ngày.

Khi đã đi qua bao thăng trầm, va đập của cuộc sống và tình yêu, bao mất mát về của cải, bạc tiền bởi những gian dối, lọc lừa. Giờ đây nhà thơ đã bình tâm hơn, rộng lượng hơn vì đã đốn ngộ về cõi tu mà chị may mắn và có cơ duyên tìm đến.

Đoàn Thị Lam Luyến trải lòng mình trước cuộc sống để nhận ra sự quý hóa của mẹ, sự tồn tại của mẹ trước những biến đổi thế cuộc và cả sự khắc nghiệt, tàn khốc của thời gian.

Nhà thơ tự đối diện với chính mình để soi tỏ, nhìn tấm gương của mẹ để tìm về cội nguồn tâm linh, bản ngã để tương giao hòa hợp, củng cố niềm tin, tạo nên sức mạnh tinh thần và đó cũng là liều thuốc hữu hiệu nhất để sưởi ấm tâm hồn, tạo nên đức tin bất diệt.

Có mẹ trong nhà với ngôn từ thể hiện vô cùng giản dị, nhẹ nhàng nhưng lại giàu sức biểu cảm. Bởi đó là ngôn từ của cảm xúc, của trái tim chân thành của đứa con gái viết dành cho mẹ. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã tạo dựng trong bài thơ khoảng thời gian, không gian đặc biệt mà ở đó chị đã trải ra tận cùng cái tôi của chủ thể trữ tình.

Kết thúc bài thơ, Đoàn Thị Lam Luyến dùng câu khẳng định: Hồng phúc từ mẹ lan xa/ Có mẹ trong nhà mọi thứ bình yên. Một lần nữa, chị lại đề cao và nhấn mạnh vai trò của người mẹ trong cuộc sống gia đình. Mẹ chính là suối nguồn xanh mát, mẹ chính là người định hướng, soi đường chỉ lối, là niềm tin yêu, là chỗ dựa vững chắc nhất trong lòng của cháu con trên mọi nẻo đường đời./.