“Tùng ơi…!”
Trên những con đường nhỏ ở phố cổ Hội An, nhiều người bị thu hút bởi tiếng gọi khác thường của bà cụ tóc bạc đang lụi hụi chạy theo người đàn ông điên dại: “Tùng ơi! Đừng chạy nữa con. Ngoan, lại đây mẹ đút cơm cho ăn kẻo đói…”. Nghe tiếng gọi quen thuộc, người đàn ông điên bỗng ngơ ngẩn dừng lại.
Có những buổi trưa nắng gắt, người con mải chơi rong không nghe theo lời mẹ, người mẹ ấy lại thất thểu đuổi theo. Mẹ trước con sau, một lúc mệt rồi lại cùng đi tìm bóng mát để dừng chân
Có những lúc bà đuổi theo không kịp, thế nhưng bà không bỏ đi, vẫn cứ lầm lũi bước theo con, quanh quẩn trên những con đường nhỏ dọc ngang trong phố cổ.
Người đàn ông điên dại thì vẫn còn khỏe, nhưng bà thì đã già. Khi thấy mẹ lọ mọ lại gần, trên tay bưng bát cơm mà thức ăn kèm đôi khi chỉ là con cá nhỏ, vài cọng rau muống, ánh mắt của đứa con cứ nhìn chằm chằm vào bát cơm, chờ được mẹ đút.
Người mẹ ấy tên là Nguyễn Thị Quý. Ở cái tuổi ngoài 80, theo lẽ thường với những người già ở xứ này, đúng ra bà Quý phải an nhàn bên con cháu, sống thảnh thơi, không lo nghĩ.
Nhưng dẫu đã đi quá nửa chặng bên kia con dốc đời người, bà vẫn còn phải ngày ngày tất bật chăm nuôi người con trai dù đã già mà tâm trí vẫn như đứa trẻ lên ba. Người con trai của bà Quý mang một cái tên đẹp, có lẽ gói ghém trong cái tên ấy là ước mơ về một cuộc đời êm ấm, bình an mà định mệnh nghiệt ngã đã chẳng bao giờ cho ông thụ hưởng: Trần Thanh Tùng.
Sống cùng mẹ trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Phúc Chu, phường Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam, ông Tùng dù đã 63 tuổi, tóc cũng đã bạc như mẹ mình nhưng trí năng không phát triển khiến ông chẳng khác gì một đứa trẻ bé bỏng.
Bẩm sinh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trí năng của ông Tùng không thể phát triển như người bình thường, ông cũng không thể tự chủ trong mọi việc, kể cả sinh hoạt cá nhân.
Hàng ngày, ông Tùng lang thang hết chỗ này đến chỗ nọ trong phố cổ, đầu trần, chân đất, tay lều khều, hàm răng sún gần hết và miệng lúc nào cũng nở nụ cười ngây ngô. Đến gần trưa, bà Quý mẹ ông lại bưng bát cơm tất tả đi tìm, tìm được rồi thì lại phải dỗ dành, đút từng muỗng cơm, bón từng hớp nước cho ông ăn.
“Ăn đi nè, con…”, dưới tán cây rợp bóng bên bờ sông Hoài, người mẹ già với khuôn mặt đã đầy những nếp nhăn nhoẻn miệng cười trìu mến, đưa muỗng cơm đến trước miệng ông Tùng.
Cảnh tượng ấy đã quen thuộc với nhiều người ở Hội An, nhưng cứ mỗi lần trông thấy, ai cũng không khỏi xúc động. Chất chứa trong đó là tình cảm, sự hy sinh cao cả từ người mẹ dành cho đứa con của mình, dù đứa con ấy không mang một tâm hồn lành lặn.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Gần 60 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, cứ đến giờ trưa rồi gần chiều tối, bà Quý lại xách cặp lồng cơm đi khắp những con phố để tìm con. Đường ở Hội An thì nhỏ, tiếng gọi tìm con của bà như cứ vang vọng khắp nơi.
“Có lần hắn đi lạc xuống bãi biển Cửa Đại, tôi phải đi kiếm cả đêm. Tới lúc tìm thấy rồi thì hắn đã nằm sõng soài dưới đất vì đói. Hàng ngày, tôi đều nấu cơm rồi phải đi kiếm để đút cho con ăn, kẻo sợ hắn đói rồi nằm ở đâu đó như vậy nữa thì thì đau lòng lắm”, bà Quý kể trong khi tay vẫn xúc cơm, tay kia liên tục vỗ về đứa con trai “bé bỏng” của mình.
Tuổi đã già khiến đôi mắt người mẹ ấy dần nhòe đục theo tháng năm. Bà Quý bảo đã rất lâu rồi, bà thôi không còn khóc cho đứa con này nữa.
“Là số phận rồi”, câu nói nhẹ bẫng nhưng hệt như vết dao cứa vào lòng người.
Ngày trước, khi còn khỏe, còn nhiều sức lực, bà Quý làm nghề chèo đò trên sông Hoài.
Mỗi ngày, bà chèo được khoảng vài chuyến đò đưa khách du lịch xuôi ngược dòng sông để ngắm cảnh, tiền công cũng được một vài trăm ngàn. Nhưng công việc ấy chỉ có thể làm vào mùa nắng, mùa mưa thì bà nghỉ hẳn.
Thời gian trôi đi đổ dần sức nặng lên lưng bà Quý. Đến một ngày không thể nhấc nổi mái chèo nữa, bà chuyển sang bán đèn hoa đăng cho khách du lịch thả ra sông. Cứ tối đến, bà chọn một góc nhỏ gần khu hát bài chòi để bán; một phần vì ở đây gần bờ sông, đông đúc khách qua lại, phần khác vì cứ mỗi khi hô bài chòi, con trai bà lại có mặt chăm chú đứng xem, bán ở đây bà còn có thể trông con được.
“Tôi có được 8 người con, Tùng là đứa con thứ 5. Những đứa khác đã có gia đình ổn định, chỉ còn lại thằng Tùng không may mắn… Nhìn hắn vậy chớ biết nghe lời lắm, không phá phách chi hết, thấy ai có chi vui là hắn ghé lại ngó chơi rồi cười. Ở Hội An này hắn đi đủ nơi đủ chỗ hết, biết hắn bệnh nên ai cũng thương”, bà Quý tâm sự.
Ngồi bên mẹ, ông Tùng vừa quơ múa đôi tay một cách vô nghĩa trong không khí, vừa nhìn mẹ cười ngờ nghệch. Bà Quý quay sang cười lại, lắng nghe tiếng ú ớ của người con một cách chăm chú. Chốc chốc, hai mẹ con lại cùng phá lên cười.
Sau khi cho ăn xong, bà Quý dỗ con nằm xuống bên mình ngủ ngay gốc cây bên đường. Bà kể những hôm bà đau ốm, không thể ngồi dậy nổi để chăm con, ông Tùng chẳng có ai đút ăn, vệ sinh cũng chẳng ai dọn dẹp. Ông đi lang thang rồi cứ vậy lăn lê bên hiên nhà, hè phố.
Bà Quý nói rằng những chiếc đèn hoa đăng giúp bà kiếm sống, nuôi con qua ngày và chưa hôm nào mẹ để cho người con bị đói. Điều khiến bà chạnh lòng và lo lắng nhất là một ngày nào đó, sức bà yếu chẳng còn đi tìm con được nữa, chẳng còn đút cơm cho con ăn được như bây giờ.
Không thể cho con một cuộc đời lành lặn, bà chỉ biết làm được vậy cho con. “Thằng Tùng sẽ được trời phù hộ cho mãi mãi khỏe mạnh…”, nếu có thả đèn hoa đăng và lời ước nguyện có thể trở thành sự thật, bà Quý cũng chỉ ước nguyện như vậy. Chỉ cần như vậy mà thôi…
Trong cái nắng chói chang của buổi trưa hè miền Trung, tiếng bà thầm thì kể trong không gian im ắng, thoảng nghe như một tiếng thở dài.