Cho dù tuổi thơ của chúng ta trôi qua êm đẹp hay khổ sở, dấu ấn ấy vẫn không thể xóa nhòa. Việc nhận thức rõ ràng về những khía cạnh của tuổi thơ - những điều bạn trân trọng, những điều bạn nghĩ đã bị bỏ lỡ, và những điều bạn căm ghét - không phải để trách tội cha mẹ, mà để tự thấu hiểu và điều chỉnh hành vi của mình.
Nếu bạn đang ôm lòng oán hận hay cố tìm kiếm một “vật tế thần”, hãy từ bỏ ý định đó. Chỉ trích và đổ lỗi cho cha mẹ không giúp ích cho ai cả. Bạn chính là người sẽ điều chỉnh những kết quả của quá trình nuôi dạy con này, bất kể bạn đã trải qua những gì. Cách chúng ta giải quyết những dấu ấn quá khứ sẽ quyết định sự thành công hay thất bại trong vai trò làm cha mẹ của chúng ta.
Hãy tự kiểm điểm và đánh giá xem quá khứ đã ảnh hưởng thế nào lên bạn. Khả năng ra quyết định, sắp xếp ưu tiên và nhận biết các dấu hiệu báo động sẽ giúp bạn lèo lái gia đình tránh khỏi những hiểm nguy. Hãy học cách sắp xếp lại "hành lý" quá khứ, kết thúc các vòng lặp xấu, duy trì những phương diện đáng gìn giữ, cải thiện một số yếu tố, và xây dựng gia đình với nền tảng mới mẻ và vững chắc cho tương lai.
Trong sách Làm gì khi con nổi loạn, Dr. Charles Sophy có kể về câu chuyện của ông như sau: “Khi bước vào tuổi trưởng thành, tôi thường phát cáu khi mẹ phản ứng thái quá về những chuyện nhỏ nhặt. Ví dụ, nếu tôi không ra ăn tối ngay khi mẹ gọi, bà sẽ gào tướng lên, khiến cả nhà căng thẳng. Sau khi được chẩn đoán mắc ADHD, tôi nhận ra rằng chính sự lơ đãng của mình đã làm mẹ phải cư xử gay gắt để có được sự chú ý từ tôi. Khi tôi hiểu được nguyên nhân và kiểm soát sự lơ đãng của mình, mối quan hệ giữa tôi và mẹ đã được cải thiện.
Giờ đây, khi đã là một người cha, tôi nhận thấy mình dễ cáu bẳn mỗi khi con không phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, nhờ tự kiểm điểm từ quá khứ, tôi biết rằng mình cần phải tự kiểm soát để không phản ứng thái quá. Tôi cũng luôn thận trọng để những phản ứng xuất phát từ nỗi sợ hãi không xảy ra. Con trai tôi có thể không tuân thủ thời gian biểu mà tôi kỳ vọng, nhưng điều đó không có nghĩa là con có vấn đề.
Thấu hiểu nguồn cội của mình - điều mà tôi gọi là dỡ hành lý - đã giúp tôi tự giúp bản thân và tiếp đến là giúp con trai mình. Nhờ học hỏi từ cách mình từng được nuôi dạy, tôi biết rằng khi con không trả lời ngay, tôi cũng không cần phải cáu tiết. Hầu hết các buổi tối, chúng tôi đều có mặt ở bàn ăn trong yên bình, nhờ vào kiểu nuôi dạy con mà tôi gọi là hỗn hợp.”
Không dễ để xác định liệu bạn chỉ đang phản ứng trong một trường hợp cụ thể, hay là bạn đang bị kích động bởi những trải nghiệm tuổi thơ. Bạn bị ảnh hưởng thế nào khi con cư xử sai trái? Bạn phản ứng với con ra sao? Hành vi nào của con khơi dậy những phản ứng gay gắt nhất từ bạn?
Bất kể chúng ta là ai, chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những mô thức lặp lại từ quá khứ cho đến khi chúng ta nhìn nhận rõ các vấn đề. Điều đó không có nghĩa là mọi việc làm của cha mẹ đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Nếu làm đúng cách, tất cả các trải nghiệm đều có thể biến thành những bài học. Ví dụ, nếu gia đình bạn chưa từng ăn tối cùng nhau và điều đó khiến bạn buồn bã, thì giờ đây bạn có thể nỗ lực để đảm bảo gia đình mình có những bữa tối bên nhau.
Hãy dành thời gian để nhìn lại và nghĩ đến những lý do khả dĩ giải thích tại sao cha mẹ không thể dành thời gian ăn tối cùng nhau. Có thể họ không đủ tiền hoặc lịch làm việc khiến việc đó trở nên bất khả thi. Hãy tìm cách chia sẻ những trải nghiệm đó với con để tạo ra những trải nghiệm tích cực và những khoảnh khắc kết nối. Luôn có những điểm ích lợi ẩn trong những trải nghiệm dù tốt hay xấu.
Với mô hình nuôi dạy con hỗn hợp, bạn có thể định hình lại quá khứ và cởi bỏ những gánh nặng tâm lý để cải thiện những gì cha mẹ đã làm. Hãy nhớ rằng, không cần nuôi dạy con y như cách cha mẹ đã làm hoặc hoàn toàn ngược lại. Con cái không phải là bản sao của bạn, và sao chép chiến lược nuôi dạy con của cha mẹ có thể cản trở sự phát triển cá tính của con. Hãy phối hợp với bạn đời để tìm ra điểm mạnh trong vai trò cha mẹ và tạo ra một chiến lược nuôi dạy con tổng hòa những điểm tốt nhất.
"Làm gì khi con nổi loạn" của tác giả Dr. Charles Sophy là một cuốn sách tâm lý gia đình tập trung vào việc thiết lập lại niềm tin, ranh giới và kết nối với con cái. Dr. Sophy, một chuyên gia tâm lý hàng đầu, cung cấp những chiến lược thực tiễn và sâu sắc nhằm giúp các bậc cha mẹ xây dựng một môi trường gia đình lành mạnh và gắn kết.
Cuốn sách hướng dẫn các bậc cha mẹ cách tạo dựng niềm tin, duy trì ranh giới rõ ràng, và xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với con cái dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Qua các ví dụ thực tế và lời khuyên chuyên môn, "Family Values" trở thành một tài liệu quý báu cho những ai mong muốn cải thiện mối quan hệ gia đình và nuôi dạy con cái trong một môi trường yêu thương và hỗ trợ.
(Nguồn: Saigon Books)