Cao cả thay người đi khai sáng...

Ngần ấy năm, tôi thấm thía được việc đứng trên bục giảng vang vọng tiếng mình mới thực sự là một điều cao quý. Cái nghề mà biết bao người phải gác đời trẻ, bỏ thanh xuân mải mê kiếm tìm.

Mặc dù đến thời điểm này, chẳng còn là một ông lái đò còm cõi đưa khách sang sông nữa, nhưng có lẽ những ký ức về nghề “gõ đầu trẻ” trong đời vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi cho đến tận ngày hôm nay. Đôi lúc ngẫm nghĩ, lại thấy bản thân, đôi lúc sao lại “sân, si” với nghề về những sự thực “trêu ngươi” ở miền xuôi mà nản chí. Nhưng tôi lại không biết rằng, ở những vùng núi hoang sơ, hẻo lánh bóng người kia, cái nơi mà biết bao thầy cô giáo và đám học trò phải từng phút từng giờ vật vã để mong sao được đến trường gieo chữ ươm mầm cho đời xanh.

Nhìn thấy những mảnh đời non dại ngày ngày vẫn bước đôi chân đất đến trường làm tôi không thể nào giấu đi những dòng nước mắt trong tận cõi lòng. Tôi biết rằng, để đến được trường học, gieo những con chữ trong đầu, các em phải đi một đoạn đường cách xa nhà mười mấy cây số. Có khi lũ quét, các em còn mặc kệ hiểm nguy từ những con suối chảy siết, đến với cái nơi mà các em cho là có thể thay đổi vận mệnh, tương lai của cuộc đời và đất nước. Ôi! Những nghị lực phi thường làm cho một người thầy như tôi phải cúi đầu ngưỡng mộ. Các em tuy không phải là những anh hùng trong những cuộc chiến bảo vệ thế giới chống lại các thế lực gian ác. Nhưng đối với tôi các em chính là những thiên thần áo trắng đem lại cho những người lái đò như chúng tôi có thêm tinh thần lạc quan và yêu mến thêm nghề cầm phấn.

257470983-1065898764159524-1874014992357334289-n-1637119717.jpg
Hành trình gieo con chữ, mang những món quà đến với học sinh miền núi ngày ấy còn những gian nan.

Là người thầy, nhưng tôi lại có một diễm phúc hơn nhiều thầy cô khác ở miền núi khi có nhiều điều kiện để đi “phượt” về những vùng sâu vùng xa còn lắm nghèo khó của Việt Nam mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ hè, lễ tết. Có đi mới thấm thía lắm những khó khăn, gian khổ mà các thầy cô miền núi phải cam chịu. Những điều giản đơn như bữa cơm có cá tươi, xem tivi, đọc báo… lại quá xa xỉ với nơi đây.

Chưa kể bữa cơm cũng thiếu trước hụt sau, bữa có bữa không. Nhiều khi, đường chia cắt, lương thực chưa kịp vận chuyển vào, các thầy cô phải chia 5 sẻ 7 bát cơm cầm bữa tồn tại qua ngày. Sau giờ dạy, những thầy cô giáo phải băng bộ nhiều cây số lên rẫy hái thêm nhúm rau lủi rừng, mót ngô khoai, nải chuối xanh. Hoạ hoằn lắm thì mới được dân làng đem biếu miếng thịt, lon gạo, ngô sắn “tẩm bổ”.

Cứ đêm xuống vùng cao lạnh cóng là nỗi lo sợ nhọc nhằn thường trực. Cái rét như cắt da cắt thịt, thấu tận xương vùng cao ai một lần đến và ở lại sẽ hiểu hết. Nhiều đêm rảnh rỗi, muốn xem tivi, đọc báo cũng không có. Cứ đêm đêm, những người thầy giáo lại chong đèn miệt mài bên trang giáo án, khuya lại lăn đùng ra ngủ cho quên đi cái lạnh. Có thầy cô tranh thủ ban ngày kiếm thêm ít hạt cây rừng khô để tối đến quạt than sưởi ấm thì đỡ lạnh buốt.

257248850-6395712227170224-1473377252323920175-n-1637119751.jpg
Nhớ tôi của thời điểm ấy, chia sẻ khó khăn trước những mảnh đời cơ cực.

Thiếu thốn về vật chất đã đành, nay những thầy giáo cô giáo lại “khô khan” về tình cảm, tình yêu. Điện thoại có khi không có, tivi, tin tức cũng mù tịt. Nhiều khi nhớ gia đình, cha mẹ, con cái cũng đành nuốt nước mắt vào trong. Ở riết trên núi xa xôi, nhiều thầy cô cả một năm mới về thăm nhà 1-2 lần. Ngay cả chuyện yêu đương cũng “chai sạn” đi. Thầy cô nào may mắn được se duyện, còn lại thì lầm lũi ngày đi tối về đơn độc. Lắm lúc các thầy cô cũng tủi thân về mình nhưng cũng cố tự dặn lòng phải chấp nhận…Và vẫn còn đó nhiều gian nan phía trước.

257450476-2435444813253339-4487570889773586011-n-1637119717.jpg
Đường đến trường mỗi ngày chỉ vậy: nhầy nhụa, hục hang & đầy trắc trở...

Mỗi khi thấy bản thân sắp nghĩ về những điều xa hoa của chốn thị thành tấp nập người qua kẻ lại và xa rời đi mảnh đất gian khổ của những người dân đồng bào miền núi, tôi lại tự nhủ về mình:

Nghề giáo viên tôi đã chọn khi ra trường ngày xưa

Nghề giáo viên tôi đã từng mơ ước

Nghề nhà giáo tuy có vật vả

Vì hạnh phúc tương lai đàn em…

Những câu hát vang vọng ấy như thức tỉnh người thầy sắp lầm tưởng lỡ bước như tôi. Có lẽ những năm tháng của tuổi trẻ khi ấy, ai cũng mơ ước về một tương lai tươi sáng và tôi cũng vậy. Nhưng khi chứng kiến những khó khăn của những em học sinh đồng bào miền núi và những mảnh đời cơ cực tại nơi đây, làm cho tôi quên dần đi những ước mơ xa xỉ ấy.

Đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in những lời hứa sẽ…sẽ…và…sẽ…chờ thời gian!