Trưa hôm qua, với chiếc ba lô nặng vài ký nhét đầy máy móc, kịch bản, tôi đã đi bộ hơn một tiếng đồng hồ ngay giữa trung tâm Sài Gòn chỉ vì quá thèm một bữa cơm trưa đơn giản mà không dám bước chân vô tiệm nào vào giờ công chức ăn trưa.
Viễn cảnh ngồi ăn bữa trưa với những cái điện thoại đưa lên, những ánh mắt tò mò không ngại ngùng khiến vị giác trở nên đắng ngắt.
Giá như có một bác xe ôm truyền thống, tôi đã có thể nài nỉ "chú cho con đi kiếm tiệm cơm nào khuất khuất vắng vẻ xíu!". Nhưng xe ôm công nghệ, người ta cần một điểm đén rõ ràng, mà tôi thì không có.
Tôi đi như vậy, hơn một tiếng đồng hồ vào giữa trưa, để chờ qua giờ, người ta vô làm việc, mới dám bước vô tiệm.
Chỉ vì tôi tha thiết thèm một dĩa cơm Việt bình dân đơn giản, không phải những phần ăn quá nhiều, hay quá cầu kỳ được nêm nếm kiểu thượng lưu có thù với gia vị.
Và cũng chỉ vì một lúc nào đó tôi không còn chiều chuộng nổi nghề nghiệp của mình, khi trân mình trước những tia nhìn, những câu hỏi, và những chiếc điện thoại chĩa vào tôi, công khai, hay lén lút.
Vài giờ sau, tôi được tin anh mất.
Vài giờ sau đó nữa, người ta đã đứng chật quanh nơi anh nằm, có cả hình ảnh của anh trước khi khâm liệm.
Không cần tới vài giờ sau đó nữa, cuộc chiến ý thức nổ ra gay gắt trên mạng xã hội.
Khi này tôi đã ở sân khấu, giả đò nhờ em đi ra ngoài mua nước để ngồi một mình, mặc tình cho nước mắt rơi khi ngắm nhìn sân khấu, và nghĩ đến anh.
Anh luôn xuất hiện hiền lành, không ồn ào. Lần đầu gặp anh, tôi biết hình ảnh khỏe mạnh vui nhộn của anh trên đĩa hình hải ngoại đã không còn. Như thể ở Việt Nam, thời gian không trôi qua trong khi anh, nửa vòng trái đất bên kia, đã bước vào tuổi già của người nghệ sĩ.
Anh chẳng chấp ai bao giờ, nhất là “lũ” nghệ sĩ thế hệ em cháu, và đặc biệt là khán giả.
Anh thích cười, và giỏi chiều khán giả, dù họ là mớ thương gia mới giàu còn nguyên cốt cách trịch thượng cò nhà mới phất, hay dăm ba ông chú bà thím bình dân hàm hồ,... qua anh, tôi mới thấy họ đáng quý như thế nào cho một người nghệ sĩ. Anh dạy tôi bằng cách đó.
Nếu trong cỗ áo quan kia, hay từ trên cao, anh nhìn thấy được, anh có tức giận không, ngay cả với những tay live streamer khiếm nhã nhất?
Tôi nghĩ anh sẽ vẫn cười, hạnh phúc và kiên nhẫn với khán giả của mình. Anh sẽ quý những ai đến với anh, nhớ từng bản tuồng của anh, anh sẽ khum người như anh hay làm, cười hề hề, cái kiểu cười quen thuộc. Anh sẽ gật gù, phỉ mãn cho một đời nghệ sĩ cái kết cũng xôm tụ như một suất diễn đông người coi.
Họ yêu anh theo những cách khác nhau.
Anh biết ơn họ, theo một kiểu thủy chung duy nhất.
Chẳng nghệ sĩ nào muốn quanh quan tài mình là cuộc cãi vã hung hăng bực dọc, hay những tranh luận hằn học về ý thức nọ kia.
Xã hội có nhiều người, nhiều cảnh giới ý thức khác nhau. Anh đã tới được với tất cả, và đã cho phép tất cả đến được với anh. Xã hội đông người lắm, và họ rất khác nhau, nên mới cần quy luật, nguyên tắc, để tất cả được chung sống đề huề trật tự.
Vậy thôi. Có chính quyền địa phương giúp gia quyến thì cùng lắm ta làm 2 vòng rào an ninh để khống chế cự li, đừng cho lại gần quá, chỗ nghệ sĩ khóc cười thật thà, xin ý nhị gìn giữ cùng.
Cũng đừng ai trách ai điều chi nữa. Nhắc nhau thôi, tập trung đến với anh, dẹp bực dọc mà nghĩ cho anh. Đây là lần cuối ta có thể nghĩ về anh nhiều nhất, sau này, sẽ chỉ còn là thi thoảng nhớ về anh.
Cả đời mang lại nụ cười, anh chỉ biết có niềm vui. Anh sẽ buồn lắm, nếu vì anh mà người ta mất nhã nhặn hòa lành với nhau.
Đêm qua, tôi lừa người bạn ra khỏi rạp, để tôi chỉ có một mình, vì anh đã ra đi một mình và cô đơn như vậy.
Tôi nhớ lại cuộc đi bộ hơn một tiếng đồng hồ của mình cách đó vài giờ. Sau này, tôi sẽ vẫn thèm ăn cơm, vẫn ngại công chúng nhìn mình khi đang ăn uống, sẽ vẫn đi bộ loanh quanh chờ người ta ăn xong đi hết. Nhưng tôi sẽ làm điều đó một cách vui vẻ và biết ơn.
Ngay cả sau khi mất, anh vẫn ôn tồn khéo léo dạy được điều đó cho tôi.
Tôi hỏi bạn mình: "Cũng là cái chết, mà có rất nhiều cái chết còn khốc liệt thương tâm hơn, những tại sao nếu đó là một nghệ sĩ, ta lại cứ thấy xót xa nặng lòng một cách đặc biệt như vầy?"
Bạn tôi nói: "Bởi vì nghệ sĩ là những người đi gieo thương nhớ!"
Thôi thì, như khi rạp hát mở tuồng: "Kính mong quý khán giả vui lòng giữ trật tự, không quay phim chụp ảnh và tắt điện thoại di động để một đời nghệ sĩ được thanh thản chính thức khép màn!"