Một ngày nào đó, bạn sẽ phải đau đầu với câu hỏi: "Liệu ta có nên tin tưởng người đó hay không?" Trong cuộc sống, có rất nhiều những quyết định xảy ra chỉ trong tích tắc như: Bạn tin tưởng người lái xe sẽ dừng lại trước đèn đỏ khi bạn băng qua đường; khi đặt bữa trưa, bạn tin tưởng nhà hàng có thể cung cấp đầy đủ những gì bạn yêu cầu.
Trong kinh doanh, bạn có thể nhận lời tham gia vào một tổ chức, doanh nghiệp bởi vì ai đó đã giới thiệu cho bạn và bạn tin tưởng vào sự đánh giá của người đó. Nếu lợi ích đúng như những gì người đó đã khẳng định, thì nó hoàn toàn xứng đáng với thời gian bạn bỏ ra, niềm tin của bạn đối với người đó cũng tăng lên. Nhưng nếu lợi ích không được như mong đợi, chính bạn sẽ phải chấp nhận tất cả những rủi ro xảy ra. Và rất có thể, sự tin tưởng của bạn về những đánh giá, nhận định của người đó cũng sẽ bị "bào mòn".
Lấy một ví dụ phổ biến hơn. Giả sử có ai đó đề nghị bạn một vị trí trong start-up của họ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải lựa chọn giữa sự thoải mái trong công việc hiện tại hay chấp nhận rủi ro lớn với một công việc mới nhưng có thể thúc đẩy bạn phát triển và có một bước tiến lớn. Đây là một lời đề nghị thực sự hấp dẫn với bạn, bạn tin tưởng người đó cũng như ý tưởng của bản thân. Bạn sẵn sàng cho thử thách tiếp theo của mình nhưng dù vậy, lại chưa sẵn sàng để chấp nhận thất nghiệp nếu công ty không hoạt động tốt. Do đó, đây chính là lúc để bạn đưa ra một quyết định lớn: Có nên đặt niềm tin vào họ hay không?
Nghiên cứu cho thấy rằng khi bạn chấp nhận rủi ro với những người làm việc giỏi, nghĩa là bạn sẵn sàng xây dựng lòng tin vào mối quan hệ với họ. Bạn sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro lớn trong tương lai với họ hơn là với một người bạn không biết. Nhưng nếu có bất cứ điều gì đó xảy ra và công ty không hoạt động, bạn sẽ trở nên thất vọng và mất niềm tin vào người đó. Bạn sẽ đắn đo trong việc có nên một lần nữa cho họ cơ hội hay không? Liệu họ có khiến bạn thất vọng nữa hay không? Và câu trả lời là họ chỉ có thể "tìm lại" niềm tin nơi bạn nếu họ phục hồi được mọi thứ lại như cũ và thậm chí phải tốt hơn nữa.
Vậy làm thế nào để bạn có thể đưa ra quyết định về việc có nên tin tưởng một ai đó? Hãy tự hỏi bản thân 8 câu hỏi này trước khi đặt niềm tin vào một người bởi nó có thể giúp bạn xác định mức độ tin tưởng vào người đó trong quá trình ra quyết định của bạn. Hãy luôn nghĩ trong đầu người bạn tin tưởng là ai, tình hình và mức độ rủi ro so với thành quả đạt được như thế nào, có xứng đáng để bạn đánh đổi hay không?
1. Người này có đáng tin cậy không? Hãy xem xét những cuộc gặp gỡ trong quá khứ của bạn với người đó để đánh giá mức độ đáng tin cậy của người đó, rồi mới quyết định có nên tin tưởng người đó hay không.
2. Người này có đủ trình độ không? Đo lường khả năng thực hiện của người này để xem họ có thể giải quyết các vấn đề khi phát sinh hay không.
3. Người này có thể đoán trước được không? Bạn có thể dự đoán trước được hành động của người đó không? Hãy đưa ra các dự đoán có sơ sở của bạn dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ về cách người đó sẽ hành động.
4. Người này có kiên định không? Xác định mức độ ổn định của người đó để xem liệu hành vi của họ có thất thường hay không.
5. Người này giao tiếp có rõ ràng không? Điều này sẽ quyết định mức độ tiếp nhận thông tin của bạn dựa trên những gì người đó chia sẻ với bạn.
6. Làm thế nào bạn biết người đó? Quyết định tầm hiểu biết sâu và rộng của bạn về người này.
7. Khả năng của bạn trong mối quan hệ với người này là gì? Xác định lực đòn bẩy, nếu bạn có với nhiều năng lực hơn, đòn bẩy sẽ cao hơn, và bạn có thể xác định mức độ tin tưởng vào mối quan hệ này hơn.
8. Liệu người này có thể ủng hộ bạn hay không? Xác định xem người này sẽ ở bên bạn và hỗ trợ khi bạn gặp khó khăn, thách thức trong sự nghiệp hay không. Nếu họ luôn đứng về phía bạn, đừng ngần ngại mà hãy trao niềm tin của bạn cho họ.