Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Loài hoa vươn về phía mặt trời

Đã 12h đêm, tôi vẫn cặm cụi hoàn thành một đề mục trong bài nghiên cứu khoa học của mình. Nhìn những ngón tay thoăn thoắt lướt trên bàn phím, mọi người không ai nghĩ xung quanh tôi là bóng tối.

Mắc Glôcôm bẩm sinh, sau 5 ca phẫu thuật kết hợp với việc dùng thuốc uống và tiêm trực tiếp vào mắt nhức buốt, tôi giữ được thị lực 1/10.

Năm tôi học lớp 8, biến cố xảy ra. Thị lực tôi đột nhiên suy giảm. Tôi bắt đầu phải dùng bút dạ thay thế bút bi để nhìn rõ nét chữ hơn. Tôi thường xuyên bị vấp ngã do không trông rõ đường đi thậm chí có những hôm còn ngã xuống cống phải nhờ bạn bè đưa dắt. Bố mẹ tôi cũng nhận thấy sự khác lạ nơi tôi nhưng cùng khoảng thời gian ấy bà nội tôi lại nằm liệt ở bệnh viện bởi căn bệnh ung thư quái ác nên bố mẹ đành phải cho tôi uống qua loa mấy loại thuốc bổ mắt.

Vài tuần sau, tình trạng thị lực của tôi càng diễn biến xấu, mắt phủ mờ khiến tôi không thể trông rõ chữ, ở trên lớp tôi hoàn toàn tiếp nhận kiến thức chỉ qua nghe giảng và việc đi lại tôi cũng không thể chủ động, hoàn toàn phải nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè. Chưa bao giờ tôi thấy đường tới trường xa đến vậy!

Mùa hè năm 2015, lo xong hậu sự cho bà nội, mẹ gạt nước mắt đưa tôi tới bệnh viện Mắt TW thăm khám. Bác sĩ kết luận tôi mắc bong võng mạc, một căn bệnh mà nền y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị tích cực. Bước qua cánh cổng bệnh viện, hy vọng của mẹ tôi vụt tắt như nắng chiều tàn sau cái lắc đầu của bác sĩ. Tôi sẽ chẳng thể nhìn được ánh sáng thêm một lần nữa.

Tuổi 15, tôi nhốt chặt mình trong căn phòng khép kín với ngổn ngang suy nghĩ tiêu cực. Tôi không tin là mình đã mất đi ánh sáng vĩnh viễn. Mọi sinh hoạt nhỏ nhất từ đi lại, gắp thức ăn đến nhìn gương mặt mẹ cha mỗi ngày trở nên thật khó khăn. Dường như mọi cánh cửa đều đóng sầm trước mắt. Dằn vặt mình với những trăn trở, quá mệt mỏi, tôi thả trôi suy nghĩ đến sự trống rỗng. Một ngày, một tuần hay một tháng với tôi ngày ấy cũng chỉ là một cách tính thời gian bởi đơn vị thời gian nào cũng đơn điệu và nhạt nhẽo.

Mùa hè lặng lẽ trôi qua, năm học mới đã bắt đầu được 2 tháng. Tôi ngồi trong nhà bất lực ngóng qua ô cửa sổ. nghe văng vẳng tiếng ríu rít của các bạn học sinh trên đường đến trường. Trong số đó có bạn từng cùng chung lớp, từng nhờ tôi chỉ bài. Một ý nghĩ vụt qua đầu tôi. Cái khoảnh khắc thật kỳ dịu ấy đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Bằng giá nào, tôi cũng phải trở lại mái trường.

Cơ hội luôn đến với người biết cách nắm bắt, được sự giới thiệu của một bác trưởng thôn, tôi biết đến Hội người mù thị xã Từ Sơn và quyết định tham gia lớp học chữ nổi (một loại chữ người khiếm thị có thể đọc bằng tay). Cứ thế, tôi 15 tuổi khăn gói đến một nơi cách nhà 50km để đi học dù chưa một lần xa nhà. Nhớ mẹ, nhớ gia đình, tôi bắt đầu tìm sự trải lòng ở con chữ. Tôi làm thơ, viết truyện. Những vần thơ vụng dại, chẳng vần vèo, những truyện ngắn lủng củng, lê thê ban đầu ấy đã giúp tôi khuây khỏa và có thêm nhiều động lực sống.

Một mình với một trang giấy, tôi viết câu truyện “Cuộc chạy trốn của gia đình đồ chơi”. Thầy giúp tôi đánh máy và chuyển vào hòm mail của chương trình Văn nghệ thiếu nhi phát sóng trên kênh VOV2. Truyện được lựa chọn phát sóng, nghe tiếng MC đọc những dòng văn của mình, tôi mừng đến phát khóc.

Tìm được ước mơ, tôi phấn đấu mỗi ngày. Tôi cộng tác thường xuyên với báo Giáo dục Thời đại, tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập. Tôi giành được một số giải thưởng như: Giải 3 cuộc thi thanh niên với Văn hóa giao thông do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc Gia tổ chức, giải khuyến khích cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do vụ Thư viện (bộ VH-TT-DL) phát động. Với những nỗ lực của mình, năm 2019 tôi được tuyển thẳng vào ngành Quan hệ Công chúng, học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Ngành quan hệ công chúng có 10 bạn. Giữa hàng nghìn học sinh, cái tên “Nguyễn Đức Nghị” vang lên. Tất cả như ùa về trong đầu tôi, chuỗi ngày thơ bé nơi bệnh viện, cánh cửa khép chặt và khát khao đi học cháy bỏng, bàn tay thô ráp của mẹ nắm chặt tay tôi bước qua bóng tối và mùi hương trổ đòng thoang thoảng một vùng quê.

Học đại học là một thử thách mới với tôi. Môi trường này đòi hỏi sự tự học thông qua việc tra cứu tài liệu. Hạn chế thị lực khiến tôi không thể đọc được tài liệu chữ in. Không có tài liệu, tôi nhờ bạn cùng lớp đọc và đánh máy vào Word. Không có giáo trình tôi nghe đi nghe lại bản ghi âm bài học dài cả mấy tiếng rồi chép lại những kiến thức cho là quan trọng. Cuối năm nhất tôi nhận được học bổng của trường vì thành tích học tập của mình.

Khoảng thời gian, lặng lẽ sống trong căn phòng khép kín dạy tôi cách trân trọng từng cơ hội, nâng niu ước mơ và yêu từng khoảnh khắc mình được cống hiến. Mỗi lần gặp khó khăn tôi lại nhớ đến bàn tay thô ráp vì nhọc nhằn của mẹ dắt tay tôi qua những căn phòng trắng toát, nhớ cái cảm giác nghẹn ứ của một đứa trẻ nhìn bè bạn cắp sách đến trường mà bất lực ngồi trong căn phòng kín. Khoảnh khắc đó mãi nhắc nhớ tôi về chuỗi ngày u ám, về khát khao đi học của một đứa trẻ 15 tuổi và sự vươn lên mạnh mẽ của một loài hoa, loài hoa luôn hướng về phía mặt trời.