Trước đó, tôi đã mắc chứng bệnh lý nhau thai, cứ ra máu liên tục, nhiều ngày rỉ rả không dứt khiến tôi vật vã, tâm lý hoang mang. Tôi được nhập viện Từ Dũ - Sài Gòn để theo dõi, dưỡng thai. Chỉ cần qua một ngày là em bé có thêm một ngày cứng cáp. Trường hợp con có ra đời sớm hơn dự kiến cũng dễ thích nghi với thế giới bên ngoài, có sức đề kháng tốt, dễ nuôi hơn.
Khi em bé đủ tháng, được tầm 1,8 kg thì bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Quyết định trên đây cũng là một đòn cân não của tôi và cả gia đình. Nếu trong quá trình ca mổ có gì bất trắc thì cần “cứu mẹ hay cứu con”? Câu hỏi khiến hai vợ chồng tôi chết lặng.
Cả gia đình nhà chồng tôi ai cũng khóc. Đứa cháu đích tôn này là nỗi mong đợi của mọi người. Vậy mà cháu lại ra đời trong thử thách oan nghiệt của tạo hóa. Mẹ chồng tôi liên tục “Nam mô A di đà phật”! Trong khi tôi trấn an mình bằng niềm hy vọng dù rất mong manh.
Trong phòng chờ sinh, chờ đợi cả ngày dài để được nghe bác sĩ gọi tên người nhà sản phụ, cả gia đình chồng tôi, ai nấy mồ hôi mồ kê, nước mắt giàn giụa. Bên trong phòng sinh, tôi bắt đầu ngấm thuốc mê, trước mắt tôi là một giấc ngủ dài, chỉ mong khi mở mắt ra, được nhìn thấy con mạnh khỏe. Cầu xin may mắn sẽ mỉm cười với tôi.
Thời gian dài đủ để cả nhà chờ đợi trong mỏi mệt, chồng tôi đứng ngồi không yên, ngồi, bò, chà lết xuống sàn, rồi ra ôm gốc cây đứng lặng.
Đúng vừa lúc chuông đồng hồ gõ 19 tiếng, cô y tá ra gọi tên người nhà: “Chúc mừng cả nhà, chị Dung đã qua cơn nguy kịch, chỉ cần chị ấy cố gắng về mặt tinh thần và cần người nhà chăm sóc cẩn thận vì chị ấy đã bị cắt bỏ hoàn toàn tử cung”. Chồng tôi thở phào nhẹ nhõm.
Tôi được chăm sóc tại phòng hậu sinh, con trai được đưa qua dưỡng nhi cho các cô chăm sóc, cho thở máy theo dõi 15 ngày vì em bé bị nhẹ cân, vàng da thêm viêm phổi, viêm ruột. Thật tội nghiệp cho đứa con bé bỏng của tôi. Quanh người tôi đầy dây nhợ, kim tiêm. Tôi nằm bất động, da dẻ tái xanh, mắt nhắm nghiền nhưng tôi vẫn cảm nhận bàn tay anh đang nắm chặt tay tôi, rồi anh hôn khẽ lên vầng trán. Nước mắt tôi rơi từng dòng, chảy dài trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Anh thì thầm vào tai tôi: “Em giỏi lắm, con mình bình an, được chăm sóc đặc biệt, em cứ yên tâm ngủ thêm giấc cho mau lại sức, em còn yếu mệt lắm, không nói nhiều được đâu!
Phải nói ca mổ thật kì diệu, đã đem lại thành tích cho khoa sản bệnh viện, ai cũng hân hoan chúc mừng gia đình tôi.
Rất may, ở dưỡng nhi con cũng chịu khó hợp tác tốt với các cô chăm sóc, con dần tự thở không dùng máy, con đã ăn được gần 30ml sữa dù bơm trực tiếp vào ống thông dạ dày, nhưng như vậy cũng là tiến triển tốt rồi. Rồi đây em bé sẽ dần thích nghi với thế giới bên ngoài, sẽ chóng khỏe như các bé bình thường khác.
Tôi hạnh phúc, sung sướng không sao kể xiết. Ngày con ra đời với tôi chính là khoảnh khắc đặc biệt không thể nào quên trong cuộc đời của hai mẹ con. Nhìn đôi mắt con lim dim, cái miệng nhem nhép, thân hình bé nhỏ mỏng manh thế kia, mẹ mới thấm thía, trân trọng từng phút giây bên con. Con là minh chứng cho tình yêu mà ba đã dành cho mẹ.
Gia đình chúng tôi chân thành cảm ơn sự tận tâm của các bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ đã cứu sống cả hai mẹ con tôi. Đã không đặt cả gia đình tôi trước một quyết định khủng khiếp: “Cứu mẹ hay cứu con”.
Tôi chỉ là một người bình thường, không tên tuổi, không địa vị trong xã hội, không có cả những từ ngữ hoa mỹ. Nhưng tôi vẫn muốn ghi lại để chia sẻ với mọi người rằng sự sống rất giá trị, hãy nâng niu, quý trọng mọi người xung quanh ta đến từng phút giây, dẫu cuộc đời có ngắn ngủi, ta cũng không tiếc gì!
Hỡi những bà mẹ! Vì con của chúng ta, hãy can đảm vượt qua thử thách, đừng nản chí, bỏ cuộc dù bất kỳ hoàn cảnh nào.