Chị là niềm tin của tôi

Nhuận Phẩm
Chị tôi là người đã đưa tôi đến bến bờ hạnh phúc. Tôi không bao giờ quên sự hy sinh lớn lao của chị. Chị đã chắc tay chèo để tôi được vào bến đỗ. Nhưng chị thì cứ mãi lênh đênh.

Nhà nghèo anh em đông, cuộc sống vô cùng vất vả, cho nên từ nhỏ chị tôi đã phải lăn lộn kiếm sống ngoài đời với đủ thứ nghề.

Mới đầu, chị theo các cô chú, anh chị họ hàng lênh đênh trên con thuyền len lỏi mọi ngỏ ngách của những dòng sông ở các tỉnh thành Nam bộ mua ve chai, đồng nát bán lại kiếm lãi phụ giúp gia đình. Một, hai tháng chị mới về nhà một lần. Mỗi lần về chị đều có bánh, kẹo cho các em. Tôi mừng rỡ vì món quà của chị, không biết được những đắng cay, nhọc nhằn chị đã trải qua.

Cuộc sống trên sông ngày một khó khăn. Chị lên bờ vào Sài Gòn buôn bán nhỏ. Tôi và chị lại xa nhau. Năm đó chị mới 15 tuổi, lứa tuổi tràn đầy khát vọng và ước mơ. Tôi kém chị 2 tuổi, ở nhà thay chị chăm sóc các em.

So với chị, tôi nhiều may mắn hơn, được sống với cha mẹ và được đến trường. Năm tôi học lớp 7, mẹ tôi bệnh nặng. Tôi phải nghỉ học để cùng chị lo cho gia đình.

Một hôm, chị về thăm nhà, hai chị em có dịp trút hết nỗi niềm tâm sự. Chị khuyên tôi nên trở lại trường. Chị bảo tôi hãy làm gương cho các em. Tôi mà nghỉ học mấy đứa nhỏ không có điểm tựa để phấn đấu. “Em đừng nghỉ học, hãy cố gắng vượt qua, chỉ có con đường học tập mới đưa em đến một tương lai rộng mở”. Chị nắm tay tôi nghẹn ngào nhắn nhủ tôi đừng đầu hàng số phận.

Chị đã cho tôi động lực để có niềm tin bước vào giảng đường đại học. Ngày nhập học, hành trang mang theo của tôi thắm đầy nghĩa tình của chị. Tôi không bao giờ quên được hình dáng của chị khi tiễn tôi qua đoạn đường làng lầy lội, rời quê lên thành phố.

Tôi tốt nghiệp ra trường, đi làm, chị luôn bên cạnh tôi khi vui cũng như buồn. Tôi lập gia đình, chị là người giúp tôi có nơi an cư lạc nghiệp. Chị bảo niềm vui của em cũng chính là niềm vui của chị nên em hãy sống thật hạnh phúc và thành công. Tôi chưa tìm được lý do gì để hờn trách chị dù là nhỏ nhất. Tình yêu thương của chị quá lớn vì cả cuộc đời chị chỉ biết đi làm giúp cho gia đình. Các em giờ đã lớn khôn, cuộc sống ổn định là lúc tuổi xuân của chị cũng biến mất. Tôi thương chị tảo tần khi còn trẻ quá, thương cho sự hy sinh không hề nghĩ đến bản thân, thương những năm tháng dài chị chịu khổ vì đàn em và cầu mong sao chị gặp được nhiều may mắn trong quảng đời còn lại.

Rồi một ngày... chuông điện thoại reo, tôi bàng hoàng nhận được tin chị bị bệnh tai biến bất ngờ. Bỏ công việc còn dỡ dang tôi vội vã chạy vào bệnh viện. Trước mắt tôi, chị nằm bất động, mắt khép chặt bờ mi. Tôi nghẹn ngào nắm bàn tay chị, bàn tay đã mất cảm giác nhưng tôi vẫn cảm nhận được dòng tình cảm đang truyền dẫn vào tôi. Bao năm vất vã ngược xuôi, bây giờ chị đã sức tàn lực kiệt. Tôi hy vọng chị sẽ khỏe lại. Tôi cố gắng chữa chạy cho chị với tất cả khả năng có được. Tôi rất sợ nếu như ngày nào đó chị không còn nữa, tôi sẽ mất đi điểm tựa của cuộc đời.

Tôi thẩn thờ trước cửa phòng cấp cứu, lòng suy nghĩ nhiều về người chị thân thương.

Cuối cùng bệnh của chị không cứu vãn được, chị rơi vào “đời sống thực vật”, lòng tôi nén chặt nỗi đau. Ngày đưa chị xuất viện về quê, xe cứu thương chở chị trên con đường làng năm cũ, nay nó không còn lầy lội mà rất đẹp nhưng sao chị lặng im không nói lời nào.

Bảy năm trôi qua, thời gian dài tôi và chị chỉ biết nhìn nhau. Tôi khao khát có một ngày nào đó, chị sẽ nghe được tôi gọi hai tiếng “Chị ơi!”.

Dương Thị Lan (TP.HCM)