khi tốt nghiệp phổ thông, học đại học và ra trường, bôn ba tìm kiếm việc làm, nhưng tất cả là con số không, em về quê, phụ giúp gia đình làm nông. Nhìn những kiến thức ở đại học vơi dần ttheo ngày tháng, ba mẹ em thương con mà chột dạ. “Tìm kế sinh nhai gì đây…”.
Vùng đầm phá bao mùa mưa lũ, từ ngày có bờ kè chắn sóng tới nay, bà con chủ động trong việc làm nông. Hợp tác xã cho đấu các ô dọc theo bờ kè, thế là cả nhà quyết định đấu ô nuôi trồng thủy hải sản.
Quy định hợp tác xã đấu ô trong vòng năm năm,số tiền không hề nhỏ cho gia đình em. Trong nhà không có gì giá trị ngoài cuốn sổ đỏ. Thế là chỉ còn cách dùng sổ đỏ vay ngân hàng. Tiền về, năm đó nhà em đấu trúng hai ô.
Ngày còn học phổ thông, tụi bạn gọi em là tay sát ngư, hễ không ra đồng thì thôi chứ ra đồng là bắt cá hơn người ta. Bởi gắn ruộng đồng sông nước, vào Đại học Nông Lâm em chọn ngành nuôi trồng thủy sản.
Vụ đầu tiên xuống cá giống, sau bao ngày cần mẫn cho hai ô, cả nhà vui khi ngày thu hoạch sắp tới. Thế mà ông trời không thương! Nắng nóng lâu ngày, cá trắng bụng phơi đầy mặt ô. Thôi trắng tay!
Đến kỳ trả nợ ngân hàng, các anh chị phòng kinh doanh ngân hàng về khảo sát, thấy thương quá, động viên thua keo này ta bày keo khác, cho khất nợ, viết tiếp giấy vay.
Lấy lại tinh thần và làm, em tự nghiên cứu qua kiến thức ở trường áp dụng vào thực tế. Lần này chủ động là có máy bơm nước vào mùa hạn. Với số vốn lần hai và kinh nghiệm từ lần đầu. Vụ thu hoạch lần này đem lại khoản tiền kha khá để em tự tin vào công việc.
Một vài năm sau, chương trình nuôi tôm trên cát phát triển mạnh. Nhiều hộ vay tiền ngân hàng làm ô nuôi tôm. Phải nói, nhờ chương trình này mà nhiều hộ gia đình thoát nghèo tiến lên có của ăn của để. Vì đặc thù nuôi loại tôm này trên cát, mà hai ô nhà em lại dọc phá nên không phù hợp mô hình.
Nhìn bà con dọc bờ biển nuôi tôm mà mơ ước. Tầm soát vốn liếng không nhiều so với chi phí tôm giống, thức ăn. Điểm tựa là vay ngân hàng. Các anh chị phòng kinh doanh ngân hàng vui vẻ động viên em viết tiếp ước mơ thoát nghèo.
Nói vậy chứ em rất dè chừng, một ô nuôi tôm, ô còn lại nuôi cá. Dù sao nuôi cá đã có kinh nghiệm thực tiễn rồi. Ô nuôi tôm lần đầu thất bại! Với hai lý do: phèn và độ mặn không duy trì tốt. Thế là xem như làm lại từ đầu!
Không nản chí, em làm quen các chủ hồ tôm dọc ven biển để học tập kinh nghiệm. Chỗ làm ăn cùng cảnh ngộ, bà con chỉ cho vài ba bí quyết làm nghề.
Con đường đến ngân hàng sao mà khó nói. Sau bao lần khảo sát, nhìn sự quyết tâm của em, các anh chị bên đó quyết định cho vay.
Lần này, giải quyết được hai yếu tố phèn và độ mặn, nhìn ô tôm bung búng nước, tôm lớn dần theo từng ngày, đến độ thu hoạch, tôm bán được giá, thu về nguồn lợi, không phụ người chăm…
Sau vụ đó, em đưa ô nuôi cá còn lại về nuôi tôm. Tôm nhiều được giá liên tiếp, không bao lâu sau em trả xong nợ ngân hàng. Các anh chị bên đó giờ nói thật: lúc cho em vay bên anh chị cũng lo lắm, nhưng nhìn em quyết tâm làm là nỗi lo tan biến và giờ niềm tin chiến thắng đã trở thành sự thật. Em vui cười: cám ơn Ngân hàng điểm tựa nuôi dưỡng ước mơ!
Cuốn theo câu chuyện của em, mà trời tối trăng lên lúc nào không hay! Đồng quê bên bờ phá, gió hoang hoải phía phá thổi vào, trăng sáng lên cao, lao xao mặt hồ, các ô tôm sóng sánh ánh trăng vàng. Vài con tôm ăn đêm, búng trên mặt nước, không gian yên bình thoáng đãng. Ước mơ thoát nghèo của em đã đạt, chúc em phát triển mô hình ngày một bền vững tròn trĩnh như đêm nay, vầng trăng mười sáu!