Khi rơi vào cảm giác quá tải với công việc, trong cuộc sống hay với mọi thứ xung quanh, chúng ta thường có những phản ứng không chỉ vô nghĩa mà thậm chí còn có thể khiến tình hình thêm tồi tệ. Có rất nhiều người không tự nhận thức được tình trạng này hoặc biết rõ nhưng mãi “vùng vẫy giữa vũng lầy”.
Dưới đây là 5 sai lầm mà mọi người thường mắc phải khi bị quá tải trong công việc cũng như trong cuộc sống cùng các giải pháp hữu hiệu giúp bạn làm chủ, xoay chuyển và giải quyết vấn đề:
Sai lầm 1: Bạn trì hoãn làm điều cần thiết vì quá bận rộn
Trong nhiều trường hợp, chúng ta thường biết rõ đâu là giải pháp sẽ giúp mình cảm thấy tốt hơn và kiểm soát hiệu quả vấn đề như tuyển thêm trợ lý, tìm người giúp việc nhà, chăm sóc bản thân, gặp bác sĩ trị liệu tâm lý, nghỉ phép dài ngày hay đơn giản là hẹn gặp người mình tin tưởng. Tuy nhiên, chúng ta thường trì hoãn thực hiện các hành động này vì nghĩ rằng mình đang quá bận rộn, lúc này chưa thích hợp hoặc muốn chờ thời cơ nào đó lý tưởng hơn.
Nhưng thay vì chờ đợi khoảnh khắc hoàn hảo, bạn hãy lựa chọn phương án tốt nhất mình có trong giây phút hiện tại. Có thể bạn chưa tìm được chuyên gia tâm lý đầu ngành nhưng hãy chọn một người đáp ứng được các tiêu chí mình cần như có chuyên môn, kinh nghiệm, thân thiện, được người quen giới thiệu. Sau đó, hãy tham gia một vài buổi trị liệu với họ và đưa ra quyết định cuối cùng.
Nếu biết rõ giải pháp nhưng mãi trì hoãn, bạn sẽ càng cảm thấy mình bất lực và kém cỏi. Đừng lãng phí thời gian và năng lượng lặp đi lặp lại suy nghĩ trong đầu về việc mình nên làm rồi tiếc nuối mà hãy bắt tay hành động ngay. Nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ tận dụng được hết cơ hội và khả năng vốn có của bản thân. Bằng cách hành động dứt khoát, bạn sẽ có thể “đánh bay” vấn đề, giải tỏa tâm lý “quá tải” cho mình sớm hơn.
Sai lầm 2: Bạn không tận dụng được khả năng tư duy vô thức
Sự tập trung hay suy nghĩ có ý thức không phải cách duy nhất để nghĩ ra được các ý tưởng. Chính tư duy vô thức của não bộ con người cũng có thể giải quyết vấn đề hiệu quả và sáng tạo không kém.
Theo nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud: “Vô thức là một kho tàng các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức.” Ví dụ như khi chúng ta đi dạo thư giãn, tâm trí của chúng ta lúc đó cũng sẽ “lang thang” mà không bị ý thức kiểm soát quá nhiều. Lúc này, những giải pháp cho vấn đề của bạn sẽ có thể xuất hiện một cách kỳ diệu. Tận dụng được sức mạnh của công cụ tư duy vô thức, bạn có thể tìm ra được giải pháp cho các vấn đề mà không cần quá nỗ lực hay bị căng thẳng khi phải tập trung cao độ.
Trong thực tế, những người đang ở trong trạng thái “quá tải” thường chọn “đánh lạc hướng” suy nghĩ bằng cách làm cho nó bận rộn với các hoạt động khác như nghe nhạc, lướt điện thoại hoặc xem phim. Nhưng những hình thức này cũng hạn chế tiềm năng tuyệt vời của tư duy vô thức, vốn đến từ sự thư thái của đầu óc. Thay vào đó, bạn hãy thực hiện những hoạt động có thể khiến tư duy của mình được “thả trôi” một cách tự nhiên và hữu ích như đi bộ, thư giãn bên vòi hoa sen hay nằm dài tắm nắng dưới ánh mặt trời.
Sai lầm 3: Bạn phê phán cảm giác quá tải như một điểm yếu đáng xấu hổ
Thông thường, chúng ta có thể cảm thấy nặng nề hay choáng ngợp khi được giao một nhiệm vụ hoàn toàn mới, có tính rủi ro cao hay khi có mong muốn phải hoàn thành mọi thứ thật xuất sắc. Nhưng thực tế, đây không phải vấn đề to tát vì mọi chuyện đều có giải pháp. Sau quá trình nỗ lực làm việc, bạn hoàn toàn có khả năng hoàn tất nhiệm vụ của mình mà không bị cảm xúc bối rối ban đầu chi phối.
Nhưng thay vào đó, chúng ta tại tự phê phán cảm nhận tự nhiên của mình như một điều đáng xấu hổ. Bạn cho rằng: “Sao mình lại sợ hãi nhiệm vụ này đến thế? Nó chẳng có gì khó cả mà. Phải chi mình có thể hoàn thành nó dễ dàng mà không cảm thấy căng thẳng.” Không những thế, người quá cầu toàn hay dễ tự ái còn phải đối mặt với cảm giác miễn cưỡng khi cần tìm tới lời khuyên hoặc sự giúp đỡ từ cấp trên hay đồng nghiệp. Tuy nhiên, càng cảm thấy xấu hổ về bản thân, bạn càng dễ lo lắng, bối rối hay thậm chí né tránh, trì hoãn hành động.
Thế nên, thay vì mãi phê phán chính mình, bạn hãy tự động viên bản thân bằng những suy nghĩ và lời nói tử tế, tích cực. Hãy tự hỏi rằng bạn cần gì nhất lúc này, đâu là những viễn cảnh có thể xảy ra trong công việc. Từ đó, bạn có thể lường trước các tình huống, điều chỉnh cảm xúc và quay lại trạng thái cân bằng.
Sai lầm 4: Bạn tiếp nhận mọi vấn đề một cách máy móc
Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, chúng ta thường trở nên cứng nhắc hơn bình thường. Vì khi đó, chúng ta có ít khoảng không về nhận thức và cảm xúc để cân nhắc những lựa chọn hợp lý khác. Thế là chúng ta trở nên kém linh hoạt trong việc thích ứng với các yêu cầu của tình huống mới và đi đến việc lựa chọn giải pháp an toàn, máy móc để xử lý mọi thứ.
Ai cũng có ưu điểm, giá trị riêng nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể vận dụng chúng hiệu quả để tạo nên lợi thế cho bản thân. Ví dụ, nếu cẩn trọng quá mức, bạn sẽ trở thành người suy nghĩ nhiều; có khả năng làm việc độc lập mạnh mẽ dễ biến bạn thành người “ôm đồm” nhiệm vụ; người sở hữu tiêu chuẩn cao dễ trở thành kẻ kén chọn, khó tính, cầu toàn.
Vì thế, khi khi công việc hay cuộc sống bắt đầu nhen nhóm cảm giác quá tải, hãy đảm bảo rằng bạn đánh giá đúng tình huống và vận dụng những kỹ năng phù hợp mình có để giải quyết chúng. Bạn có thể tự hỏi bản thân liệu nhiệm vụ lần này có cần đến khả năng làm việc độc lập, nhanh nhẹn hay đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của cả đội nhóm. Từ đó, bạn có thể đưa ra cách tiếp cận công việc khôn ngoan nhất để giảm thiểu cảm giác lo lắng, căng thẳng không cần thiết.
Sai lầm 5: Bạn từ chối sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ người khác
Nếu bạn thường xuyên cảm giác mệt mỏi, quá tải với công việc lẫn cuộc sống thì rất có thể bạn đang thiếu đi những nguồn hỗ trợ năng lượng cảm xúc cần thiết từ gia đình, bạn bè, người thân. Sự thiếu thốn này có khả năng ảnh hưởng trực tiếp và dẫn đến những thay đổi lớn trong hành vi và cảm nhận của bạn. Ví dụ trước đây, bạn thường dành cho con mình những cái ôm thật chặt mỗi tối nhưng bây giờ chỉ thực hiện nó một cách “chiếu lệ” khi trong đầu ngổn ngang nhiều suy nghĩ và lập tức quay trở lại công việc ngay sau đó.
Đây là phản ứng sai lầm khiến bạn bỏ qua cơ hội được nạp lại nguồn năng lượng sống tích cực cho bản thân. Hành động này cũng khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy mệt mỏi, cô đơn khi phải cố thu hút sự chú ý và có được tình cảm từ bạn. Vì thế, ngay cả khi bạn đang cảm thấy “tuột mood không phanh” thì cũng đừng ngắt hết mọi kết nối cảm xúc với mọi người, đặc biệt là những ai mang đến cho bạn sự bình yên, vui vẻ, hạnh phúc. Hãy dành thời gian để vẽ tranh cùng con mỗi tối sau giờ làm, hãy hẹn hò với bạn bè, gia đình mỗi tuần và biến những hoạt động này thành thói quen để duy trì năng lượng tích cực.