Kí ức là miền không gian lưu lại những khoảnh khắc ta đã đi qua, có khi nó phẳng lặng, êm đềm như dòng chảy của thời gian nhưng cũng có khi hằn lên những vết chạm khắc làm nên dấu ấn khó quên trong cuộc đời. Trong kí ức của tôi có dấu ấn như thế. Đó là câu chuyện về gia đình tôi, về những người thân yêu nhất mà tôi luôn trân trọng, biết ơn họ.
Theo lời bố tôi kể lại, khi tôi vừa tròn mười ba tháng tuổi, mẹ tôi đột ngột ra đi sau một buổi mẹ đi cắt cỏ bên bãi nổi sông Hồng. Con đò chở tám người và những bó cỏ đầy đến mức nước mấp mé cạp thuyền, sau hai lần chao đảo thì lặng lẽ chìm xuống lòng sông mùa lũ. Cả bến sông nhốn nháo, hoảng loạn... Tiếng kêu khóc, tiếng gọi nhau, tiếng sóng vỗ ào ạt càng khiến mọi người thêm hoảng loạn, bối rối trong cuộc kiếm tìm. Cuối cùng thì bảy người được cứu, trong đó có chị dâu tôi (Chị vừa về làm dâu nhà tôi được tròn hai tháng), chỉ mình mẹ tôi...
Những ngày sau đó, cả nhà thấm thía nỗi đau mất đi người thân yêu nhất, người vừa là trụ cột lao động, vừa là chỗ dựa tinh thần, là hơi ấm của một gia đình dù đông con nhưng luôn thuận hòa, hạnh phúc...Bố tôi gầy rộc người đi vì biến cố bất ngờ khiến ông tưởng chừng ngã quỵ, và hơn nữa vì bất lực trước những cơn khát sữa, nhớ mẹ của tôi, tôi gào khóc đòi vạch màn từng giường để tìm mẹ. Tôi quắt queo, èo uột như một con mèo hen.
Bác Thành hàng xóm ái ngại gia cảnh nhà tôi bảo với bố tôi: “Chú tìm người cho con bé Chinh cho người ta nuôi, cứ như này tôi sợ nó không còn được làm người”. Bố tôi nói với sáu anh chị của tôi: “Bây giờ bố phải cậy nhờ vào các con. Các con làm sao bảo nhau làm ăn và cố gắng nuôi em cùng với bố. Dù thế nào, bố cũng cố nuôi em nó...”. Chị dâu cả lúc ấy mới mười tám tuổi, vừa mới chân ướt chân ráo về làm dâu phải gồng gánh việc ruộng đồng, bảo ban các em làm ăn, học hành, lo cuộc sống cho gia đình tám nhân khẩu (Anh cả tôi khi ấy đang tại ngũ).
Để chăm cho tôi ăn, người thì bế, người thì quạt, người làm trò... Cả nhà cứ bấn loạn cả lên, ai cũng thấm cái cực nhọc, xót xa của cảnh mồ côi mẹ. Chị thứ ba thì bỏ học năm cuối trường cấp ba thanh niên để chăm em. Sau, chị còn kể mãi: “Chị ngồi bế mày ngủ, mệt quá, ngủ gật, giật mình một cái thì mày lại ré lên đon đót như con chọt sành (“chọt sành” một loài động vật giống như con muồm muỗm nhưng nhỏ hơn chút xíu, có tiếng kêu váng cả tai). Tôi sau đó suốt ngày bám chị, đi đâu chị cũng cho đi theo. Nhiều người bảo chị khéo ế chồng vì người ta cứ tưởng chị đã có con.
Chị bảo: “Bao giờ tôi mười tuổi chị mới lấy chồng”. Và đúng năm tôi mười tuổi, chị đã hai mươi sáu chị mới đi làm dâu. Nghe có người bảo: “Chị mày suýt ế vì mày”, lúc ấy tôi không hiểu gì. Sau này, mỗi lần nghĩ về chị tôi lại nghe bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài, phổ thơ Đoàn Thị Tảo, thấy thương chị nhiều hơn...Vậy là, tôi như mầm cây non dập dạp trước giông bão, khẽ cựa mình lớn lên theo những tháng ngày nhọc nhằn của bố và các anh, các chị tôi.
Bây giờ, mỗi lần ôn lại kỉ niệm trong những lần giỗ mẹ tôi, chị dâu tôi vẫn nói: “Không hiểu sao lúc ấy chị lại đủ sức dẻo dai để quần quật làm việc không biết mệt mỏi đến thế, chứ như bây giờ thì chịu”. Tôi nắm tay chị, tựa đầu vào vai chị mà có cảm giác như đang tựa vào mẹ mình và nói đùa với chị nhưng là nói thật lòng mình: “Vì chị là người chị dâu có tâm nhất vịnh Bắc Bộ”. Mấy chị em cùng cười mà mắt ai cũng ngấn nước".
Mất mẹ nên ngoài các chị của tôi, bố là người luôn bên tôi trong cuộc sống. Tôi còn nhớ lúc tôi đến tuổi đi học, làm gì tôi cũng dùng tay trái cầm dao, cầm kéo, chơi chuyền, chơi ô, viết chữ... tôi đều dùng tay trái. Tôi viết tay trái rất đẹp. Đến lớp, cô giáo kiên quyết bắt tôi viết bằng tay phải nhưng khi về nhà tôi lại viết bằng tay trái. Bố tôi mắng không biết bao nhiêu lần tôi đều cãi: “Con viết đẹp mà bố”. Bố mắng mãi không được mới bảo: “Đẹp nhưng trái với tự nhiên. Mà cái gì trái với tự nhiên đều là không tốt. Bố không muốn con sau này gặp bất cứ điều gì trái ngang”. Tôi không hiểu lời bố tôi lúc ấy nhưng nhìn gương mặt trầm tư và ánh mắt bố dành cho tôi, tôi tự sửa đổi (Rồi tôi làm mọi việc được bằng cả hai tay, riêng việc cầm dao đến bây giờ tay phải làm trông vẫn gượng gạo hơn tay trái).
Bố tôi làm thợ xây. Vì có đôi bàn tay khéo léo nên ông còn làm thêm việc đắp gấm (Những bức gấm làm bằng xi măng đắp thành tranh tứ bình Xuân, Hạ Thu, Đông, dùng để trang trí nơi ô thoáng của cửa sổ, cửa lớn hay tường bao quanh sân). Hết giờ làm thợ xây ở nhà người ta, bố tôi lại hì hụi ngồi đắp những bức gấm ấy. Tôi thích lò dò đi theo xem bố tôi làm, không ít lần lấy ngón tay chạm mạnh vào những cánh hoa còn ướt xi. Bố bảo: “Con nhìn xem, bông cúc thành bông “cục” mất rồi”. Tôi cười ngặt nghẽo, ngồi cả buổi trưa xem bố tôi sửa lại và quét phẩm màu cho mấy bức gấm. Sau này, nhiều người nhận xét tính tôi tỉ mỉ, cẩn thận, tôi nghĩ có lẽ là do ảnh hưởng từ bố.
Chuyện tôi nhớ nhất về bố có lẽ là ngày tôi nhận được cùng lúc giấy báo nhập học của hai trường sư phạm và trường nghiệp vụ kế toán Xuân Mai. Tôi đưa giấy báo cho bố, ông xem xong lập tức vào dắt xe đạp ra. Từ lúc tôi nhỏ đến giờ tôi chưa từng thấy bố tôi đi xe đạp. Tôi hỏi: “Bố đi đâu ạ?”. Ông không đáp, lên xe đi luôn. Hai đứa cháu tôi cũng chưa bao giờ thấy ông đi xe đạp nên tò mò chạy theo tới tận đầu cầu làng rồi chạy về, vừa thở hổn hển vừa kể: “Ông đi vào đường xuống nhà cụ vãi (Bà ngoại tôi ) cô ạ. Tôi thấy mắt mình cay xè. Bố tôi muốn nhanh chóng báo tin cho bà ngoại tôi...". Tôi đã đủ lớn để hiểu hết tâm tư và cử chỉ của bố lúc bấy giờ. Lúc về bố tôi kể với vẻ mặt vui mừng mà tôi chưa từng được thấy: “Bố vừa xuống nhà bà ngoại và nhà bác trưởng (anh trai của bố tôi) báo tin con đã thi đỗ cả ba trường”. Bà ngoại bảo: “Bà phải cố sống đến lúc bà được làm bà của cô giáo!”...
Lòng tôi như có muôn hoa đua nở và tôi đoán trong lòng bố còn hơn thế mà lúc ấy tôi chỉ có thể cảm nhận chứ không thể tả nổi. Rồi tôi nhập học trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây. Với người khác, niềm vui có lẽ không giống tôi. Tôi vui bằng cả niềm vui của bố tôi, của các anh chị tôi, của cả bà con chòm xóm, của thầy cô và bạn bè cộng lại. Vì thế buổi gia đình liên hoan cho tôi nhập học là một ngày trọng đại với tôi, hơn cả ngày tôi lên xe hoa về nhà chồng... Tôi đi học xa gần trăm cây số, lại say xe nên tới tận kì nghỉ Tết mới về nhà. Chị dâu tôi kể: “Mùa đông này là lần đầu tiên chị không thấy bố dậy đốt lửa ngồi sưởi một mình kể từ ngày mẹ mất...”. Tôi khóc nấc lên. Khóc tạm biệt mười bảy mùa đông bố cời lửa ngồi lặng lẽ, các con chỉ dám đứng nhìn mà không ai dám cất lời can ngăn.
Tôi ra trường chưa được bao lâu bố tôi đã lân la chuyện lập gia đình. Lại nói, hai chị gái trên tôi, bố tôi đều dứt khoát gả cho con trai những người từng là bạn của mẹ tôi. Ông động viên các chị rằng: “Các bà ấy là bạn của mẹ mày, rất tốt tính, phúc hậu, con sẽ không bao giờ phải khổ”. Vậy là sau ngần ấy năm, bố tôi vẫn luôn nghĩ bạn của mẹ ai cũng tốt, cũng nhân hậu, cũng đáng tin như mẹ. Tôi càng xót xa thương bố. Với tôi, ông bảo: “Bố không sợ con lấy vào nhà nghèo, chỉ sợ con lấy người thiếu tình thương".
Con lựa mà quyết định cho bố yên tâm. Tôi đem chuyện ấy nói với người yêu tôi (Là chồng tôi bây giờ). Anh thủ thỉ: “Cuộc đời em có cả một gánh tâm tư như thế, chắc anh không dám làm gì để em nặng tâm can. Anh sẽ như làn gió kia thổi bay hết mọi muộn phiền quanh em”. Tôi tạm tin vào câu nói “sến sẩm” ấy của anh và yên tâm lên xe hoa trong niềm vui của cả gia đình.
Cho đến giờ, mỗi lần chạm vào kí ức xưa, tôi vẫn luôn nghĩ mình là người may mắn, là người được nhận nhiều hơn những thứ mình đã cho đi. Và quãng thời gian tôi đã đi qua là khoảnh khắc đáng nhớ, đáng sống để tôi thêm trân quý cuộc đời này.