Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Chỉ mong “Đổi dời sẽ khác”…

Còn ba má tôi thì khác, họ cần tiền cho cơm áo. Cuộc sống hiện đại quá đỗi tất bật với những người không được học hành đến nơi đến chốn như ba má?

Sáng hôm nay, một buổi sáng tháng tám, trời lên nhẹ, ánh nắng ấm áp trên từng kẽ lá, trên gương mặt từng thành viên của gia đình tôi. Từ xa xa tôi đã nghe tiếng ầm ầm của chiếc xe bán tải đến nhà. Nhìn dòng chữ “dịch vụ vận chuyển”, tôi hiểu lại một cuộc đổi dời sắp diễn ra – lần thứ tám gia đình tôi chuyển nhà.

Đây là lần thứ 8 gia đình tôi chuyển nhà (Ảnh minh họa)

Má tất bật chuyển những đồ đạc cần thiết lên xe: cái nồi cơm điện, bộ vô tuyến đã không dùng mấy năm, rồi bàn ghế ép nhựa ba má dành dụm mua cho tôi ngồi học,... Với tôi, chừng đó đã là một thế giới đủ đầy rồi! Dẫu sao cái phòng vài chục mét vuông cũng đã gần gũi hàng năm trời với tôi. Ở tuổi mười bảy, tôi đã gắn bó với bao nhiêu cái "mấy chục mét vuông" rồi. Kể ra cũng trải lắm phong sương, gió bụi, cũng “giang hồ” như bao “vị” thi sĩ thế kỉ trước.

Oách thật! Từ thành phố Cần Thơ “gạo trắng nước trong” đến thế giới của “thanh long ngự trị”, đất Bình Thuận này, tôi nhận ra rằng: cái trọ nào cũng đều như nhau cả, cũng đều là “cái hộp” cho người ta “chui tọt” vào đó mà sống. Tôi đã vui, đã buồn, đã yêu thương, hờn giận trong không gian bó hẹp ấy. Nhưng hình như trong cuộc đổi dời của ba má, đây chỉ là trạm dừng chân thoáng chốc để mưu sinh. Rồi sẽ có nhiều chuyến đi khác, ba má tin chắc vậy!

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”

(Chế Lan Viên)

“Tình yêu nồng nàn với những miền đất xa lạ” là dòng kiến thức tôi tiếp thu từ cô Thuỵ - cô giáo dạy văn - với nhiệt huyết và sức truyền cảm hứng dạt dào như sóng vỗ. Tôi đã cố gắng để xem những vùng đất in dấu chân tôi trở thành quê hương. Và tôi yêu chúng thật! Ký ức trải dọc nhiều mảnh đất với bao khuôn mặt trắng, đen, nâu, vàng. Những cái tên, những hình hài cứ đi về trong tâm thức rõ mồn một trước khoảnh khắc đổi thay. Ánh mắt họ như lưu luyến, tiếc nuối tháng ngày đã xa, tiếc nuối một lầm lỗi của tôi mà họ đã trót giận,... Tôi đã yêu như những gì sách vở ghi. Tôi cứ ngỡ, tôi biết yêu thì ai cũng sẽ yêu như vậy. Tôi đã lầm!

Trong ý nghĩ của ba má, quê hương là nơi ở được, ăn được, sống được, là một nơi đất lành chim đậu. Và cả người “đậu” nữa chứ! Với họ, nơi quê cha đất tổ, cái huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang mới là quê hương thật sự. Nơi đó có ông bà nội ngoại, giờ đây người còn (bà nội, bà ngoại), người mất (ông nội, bà nội).

"Trong cùng trời cuối đất, sẽ có đất cho mình an cư lạc nghiệp phải không anh?"

Trong cuộc trưởng thành của “những con chim” tìm về đất lành đã vô tình để những người già ở lại cùng con nơi quê hương hẻo lánh! Người người, nhà nhà như “thác đổ” vào nền công nghiệp xứ Bình Dương. "Trong cùng trời cuối đất, sẽ có đất cho mình an cư lạc nghiệp phải không anh?", tôi từng thoáng nghe ba má tâm sự khi tôi chưa mê giấc hoàn toàn…

Ba má tôi vẫn hay tâm sự rằng ngày nào đó chúng tôi sẽ được an cư lạc nghiệp (Ảnh minh họa)

Tôi giờ đây đã đủ lớn, đủ nhận thức để hiểu nỗi niềm của ba má. Tôi thương ba má nhiều lắm, sau những cuộc thiên di xa xôi. Đúng thật là thiên di, khi trời trở rét hay cuộc sống quá đỗi nhọc nhằn, đàn chim lại bay về phương Nam tránh rét; gia đình tôi lại càng rời xa phương Nam mà mưu sinh. Hành trình xa xôi của hai con người “kém cỏi” tri thức, gồng gánh hai số phận đang sinh sôi. Má tôi là cô học sinh lớp một được mươi ngày. Ba lại khá hơn được học đến tận lớp năm. Ba kiếm đồng lương từ những ngày khuân vác trong xưởng thanh long. Má tôi tuy tính tình dễ nổi nóng, cọc cằn nhưng lại làm công việc cũng nghệ thuật vô cùng, đó là thợ hớt tóc. Những đồng tiền vật vã, những chuyến đổi thay nhọc nhằn đã duy trì mái ấm, “cầm cự” cả tương lai học hành phía trước của tôi.

Sau nhiều cuộc di dời tốn kém với niềm hy vọng nhỏ nhoi, lắm lúc ba má cãi nhau, vì tiền. Người ta coi tiền là thứ phù phiếm hay đại loại vậy. Phải chăng vì họ đã có quá nhiều tiền nên dõng dạc đến vậy? Còn ba má tôi thì khác, họ cần tiền cho cơm áo. Cuộc sống hiện đại quá đỗi tất bật với những người không được học hành đến nơi đến chốn như ba má? Ánh mắt lắng xuống, lòng đau quặn lại khi tôi chợt thấy ánh nhìn trầm lặng đầy thất vọng của má trong “chiếc hộp” vài chục mét vuông. Người phụ nữ mạnh mẽ yêu dấu của tôi cũng mủi lòng vì đời khó nhọc. Yếu lòng, tôi chỉ biết vịn vào học vấn mà hy vọng...

Tuổi mười bảy sau bao nhiêu “vật đổi sao dời”, tôi quyết chinh phục cánh cổng trường đại học phía trước. Tôi muốn đưa gia đình thoát khỏi những “chiếc hộp vuông” tù túng. Tôi muốn mang một cuộc sống không phải sang giàu mà chỉ cần “đủ” như trong tản văn “Biết sống” của cô Nguyễn Ngọc Tư mà tôi đã nằm lòng. Và lần chuyển nhà thứ tám này, má đã mướn được một căn nhà của người quen rộng tới gần trăm mét vuông. Đó là căn nhà đôi ba năm nữa sẽ vào quy hoạch nhà nước.

Nắng đã lên trưa, ba má kịp chuyển đồ đạc vào nhà mới. Gia đình tôi dùng cơm, bữa cơm má nấu vội chỉ cá kho quẹt, đĩa rau muống luộc. Những ánh mắt nhìn nhau và hy vọng... Cây chùm ruột trước nhà lá vẫn xanh xanh. Đường thiên lý phía trước, tôi cố gắng học hành tới nơi tới chốn. Chỉ mong “đổi dời sẽ khác”…