Tri ân Nhà giáo

USSH hợp tác với Action Aid & AFV hỗ trợ thanh thiếu niên Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Mục tiêu của hợp tác nhằm hỗ trợ gần 13.902 thanh thiếu niên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu, tham gia tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về biến đổi khí hậu và môi trường tại Việt Nam.
z3789884377335-f930ea8aa47cd56f6901b926c315d2e5-1665446134.jpg
Trưởng đại diện AAV Hoàng Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng USSH Phan Thanh Định và Chủ tịch Quỹ AFV Tạ Việt Anh ký thỏa thuận hợp tác 3 bên vì các mục tiêu phát triển bền vững cho sinh viên.

Ngày 29/9, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nguồn nhân lực ASEAN (Trường ĐHKHXH & NV - USSH, ĐHQG TPHCM) phối hợp với Tổ chức Quốc tế ActionAid Việt Nam với sự đồng hành của Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Thanh niên và các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19”.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe nhiều tham luận, kết quả nghiên cứu liên ngành và tham vấn chính sách về thực trạng thanh niên miền Nam Việt Nam tham gia công tác xã hội trong và sau đại dịch Covid-19, các rào cản người trẻ Việt Nam đang phải vượt qua để hội nhập. Có hơn 82% người trẻ ở miền Nam Việt Nam tự nguyện tham gia công tác xã hội trong và sau đại dịch Covid-19, nhưng hầu hết mới chỉ được đào tạo nhiều về lý thuyết và thiếu nhiều kỹ năng làm việc với các nhóm đối tượng yếu thế.

z3789884378762-ffeb31ab44dd67978f13589d2b9be28e-1665446122.jpg
Trưởng đại diện AAV Hoàng Phương Thảo tặng 14 hạng mục ấn phẩm cho PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân tại buổi tọa đàm quốc tế.

Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn học thuật, trao đổi kết quả nghiên cứu liên ngành, qua đó kết nối tri thức khoa học với các hoạt động thực tiễn cũng như tham vấn chính sách về thanh niên với công tác xã hội phục vụ cộng đồng gắn với bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng nhằm tạo không gian sinh hoạt khoa học cho sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên các chuyên ngành về Đô thị học, Xã hội học, Công tác xã hội, Đông Nam Á học, Nhân học ở các trường Đại học, Cao đẳng phía Nam.

Mục tiêu của buổi tọa đàm là góp phần tăng cường phối hợp với đối tác và các bên liên quan trong công tác triển khai Dự án “Xây dựng năng lực lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân toàn cầu”, cũng như tăng cường sự tham gia và đóng góp của người trẻ Việt Nam xây dựng tương lai của ngành công tác xã hội khu vực phía Nam.

z3789884380845-e9ba28d8bbbe8f38707101e73602c184-1665446462.jpg
TS. Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ tại Tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ngài Agustaviano Sofjan - Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM có bài chia sẻ Sự chuẩn bị của Indonesia – Chủ tịch ASEAN 2023 hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc với sự tham gia của thanh niên với toàn thể hội nghị. Các đại biểu, khách mời cũng có những chia sẻ trong phần tham luận của tọa đàm, với các chủ đề như: “Hội nhập quốc tế và những yêu cầu đặt ra đối với sinh viên Việt Nam”; “Thanh niên với hoạt động tình nguyện tại TP.HCM: thực trạng và giải pháp”; “Nâng cao năng lực thanh niên các tộc người thiểu số hướng tới các dự án phát triển cộng đồng”;… Tham luận sẽ góp phần đánh giá về những thế mạnh, hạn chế, cơ hội, thách thức đối với thanh niên trong quá trình hội nhập; đánh giá thực trạng hoạt động thanh niên hiện nay ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

z3789884384187-5dae8fce5da5bcac2e3549da0920b754-1665446124.jpg
Trưởng đại diện AAV Hoàng Phương Thảo chia sẻ những mục tiêu phát triển tại Việt Nam của tổ chức

PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM nhấn mạnh: “Tọa đàm là cơ hội tốt đối với sinh viên Việt Nam giao lưu với các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học về công tác xã hội và hội nhập thanh niên khu vực. Sau buổi toạ đàm này, các em không chỉ hiểu thêm về yếu tố cần và đủ để chuyển mình ra thế giới, mà còn góp phần vào tiến trình phát triển chung của khu vực trước cuộc khủng hoảng kinh tế và khí hậu đang có chiều hướng phức tạp hơn”.

Trong khi đó, Nhà báo Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ AFV cho biết “Quỹ AFV là một Quỹ xã hội của Việt Nam được Bộ Nội vụ cho phép thành lập vào tháng 4/2016. Quỹ có nhiều chương trình hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em, người thiệt thòi chống chịu tốt hơn với thiên tai và biến đổi khí hậu. Quỹ AFV hiện có các chương trình hỗ trợ tại hơn 10 tỉnh, thành trên cả nước và luôn ưu tiên những người trẻ có nhiệt huyết, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em nữ, người khuyết tật, dân tộc thiểu số. Lần hợp tác này sẽ mở ra cơ hội cho các em tự tin vươn cao và xa hơn nữa với xu thế hội nhập hiện nay”.

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm đã diễn ra lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG TPHCM với Tổ chức Quốc tế ActionAid Việt Nam (Action Aid) và  Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV)”. Theo thỏa thuận hợp tác, các bên xác định là đối tác tin cậy trong các hoạt động đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực; các hoạt động nghiên cứu và tổ chức hội thảo về: Thanh niên và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ công có chất lượng và nhạy cảm giới.

z3789884380311-010fa4d8030d9cbb70edf0ebfef6e6aa-1665446122.jpg
Đại diện thế hệ thanh niên trường USSH phát biểu tại Tọa đàm

Đặc biệt, thỏa thuận hợp tác nhằm khuyến khích thanh thiếu niên chủ động, sáng tạo hơn nữa trong các phong trào, sáng kiến sinh viên về phát triển bền vững, các bên thống nhất thành lập Quỹ “Giải thưởng Đại sứ Thanh niên vì phát triển bền vững” dành tặng các sáng kiến cá nhân hoặc tập thể sinh viên/thanh niên giải quyết các vấn đề cụ thể, như: Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là giải thưởng được tổ chức trên toàn quốc và bắt đầu tại Trường USSH thuộc ĐHQG TP  Chí Minh.

Sự kiện này được cho bước đệm giúp dự án “Xây dựng năng lực lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân toàn cầu” đến gần hơn với các bạn thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15 - 24 trên cả nước. Dự án do chương trình “Hướng tới châu Á” (Reach Out to Asia - ROTA) của Tổ chức Giáo dục trên tất cả (Education Above All - EAA), ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và AFV đồng tài trợ trong thời gian 2021 - 2024.

z3789884383405-1164eed08876577551f0fa5381e3bfa8-1665446124.jpg
Ban tổ chức, các đại biểu chụp hình lưu niệm tại sự kiện

Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn là thành viên của ĐHQG TP.HCM, được thành lập từ năm 1957. Tiền thân Trường USSH là Đại học Văn Khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), sau đó là Đại học Tổng hợp TP.HCM. Trường là trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất miền Nam. Hiện nay, trường đang hợp tác nghiên cứu, hợp tác đào tạo với nhiều địa phương, đối tác trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu, tư vấn chính sách, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, nhất là các tỉnh, thành phía Nam.

Tổ chức ActionAid là thành viên của Liên đoàn ActionAid Quốc tế, bắt đầu thực hiện các chương trình phát triển tại các khu vực ngheTo nhất và xa xôi của Việt Nam kể từ năm 1989.  ActionAid Việt Nam là thành viên Mạng lưới Công bằng Thuế và Tài chính châu Á (TAFJA) và Mạng lưới Năng lượng tái tạo châu Á (AREN) có chương trình dài hạn tìm giải pháp cho công bằng khí hậu, bên cạnh các dự án cộng đồng từ cấp địa phương đến trung ương. 

Năm 2022 là năm đánh dấu 30 năm ActionAid chính thức hoạt động tại Việt Nam, kiến tạo giá trị và giải pháp cho cộng đồng. Trong khoảng thời gian 30 năm, ActionAid đã hỗ trợ hơn 60 triệu lượt người trong cả nước, chủ yếu là phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em và các đối tác chủ động xây dựng sinh kế, giáo dục và tiếng nói của mình trong các chương trình, chính sách các cấp, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cộng đồng.