Trong đó, GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự Hội ung thư Việt Nam cho biết ung thư phổ biến ở Việt Nam tương đồng với thế giới. "Hầu hết loại ung thư đều có nguyên nhân liên quan đến thói quen sinh hoạt", GS Chấn Hùng nhấn mạnh.

Nam giới chịu ảnh hưởng nặng nhất từ ung thư gan, do virus viêm gan B, C mạn tính kết hợp thói quen hút thuốc, uống rượu và ăn thực phẩm độc hại. Các loại ung thư khác như phổi, đại trực tràng, dạ dày và ruột già cũng nằm trong nhóm hàng đầu.
Còn ở nữ giới loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú. Tuy nhiên, do cơ địa phụ nữ châu Á có kích thước ngực nhỏ hơn, giúp việc tự khám và siêu âm dễ dàng. Từ đó, việc tầm soát và phát hiện ung thư vú, điều trị đáp ứng tốt hơn. Ngoài ra, nữ giới cũng có thể mắc ung thư phổi, ung thư gan và ung thư tuyến giáp.

Cùng quan điểm với GS Nguyễn Chấn Hùng, bác sĩ chuyên khoa II Mai Thanh Cúc cho biết ung thư bắt nguồn từ 3 nhóm nguyên nhân chính. Gene di truyền chiếm khoảng 10%, còn lại là tuổi tác, lối sống, môi trường và chất lượng không khí. Bác sĩ Cúc nhấn mạnh ung thư đang trẻ hóa, đặc biệt là ung thư vú. Theo thống kê năm 2023, tỷ lệ ung thư vú ở phụ nữ dưới 40 tuổi tăng 5-10%.
Ca ung thư ngày càng tăng và trẻ hóa liên quan đến lối sống ít vận động, ăn thức ăn nhanh, môi trường ô nhiễm và yếu tố gene. Thói quen sống, ăn uống thiếu lành mạnh dẫn đến béo phì - "thủ phạm" liên quan mật thiết với ung thư.
Ở phụ nữ, cơ thể béo phì khiến estrogen tăng cao, tác động đến sự phân chia tế bào tuyến vú. Nếu estrogen tăng cao liên tục, làm tăng sinh tuyến vú, trong quá trình phân chia tế bào dễ xảy ra đột biến gene. Từ đó, người bệnh sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư.

Đối với nam giới béo phì, trong mỡ chứa nhiều insulin và chất tăng trưởng giống insulin. Nó tiết ra những chất tác động trực tiếp trong quá trình phát triển tế bào. Đồng thời, người béo phì có hệ sinh thái vi khuẩn ruột bị rối loạn, lúc bình thường nó đóng vai trò có lợi khi tiết ra chất giảm đau và kháng viêm. Một khi bị rối loạn chúng không thể bảo vệ cũng như có sức đề kháng trước vi khuẩn tấn công.
Từ đó vi khuẩn rối loạn nhiều sẽ tiết ra những chất độc tố cho quá trình phân chia tế bào, và hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này cũng làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Theo thống kê, năm 2015, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam là 15%, năm 2020 tăng lên 25%. Trong năm 2025, con số này được dự kiến tăng lên 28-30%.
Mối quan hệ giữa béo phì và ung thư
Hiện nay có nhiều cuộc nghiên cứu đang tập trung đưa ra các bằng chứng về mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, những dữ liệu từ các nghiên cứu này vẫn chưa thể xác định chắc chắn rằng béo phì là nguyên nhân gây ra ung thư.

Sở dĩ, những người bị béo phì hoặc thừa cân khác biệt với những người gầy không chỉ ở độ phân bố chất béo trong cơ thể mà còn một vài khía cạnh khác cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng lượng chất béo cao vượt mức trong cơ thể có liên quan ít nhiều đến các nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm:
Ung thư nội mạc tử cung: Nguy cơ tăng gấp 2-7 lần.
Ung thư biểu mô tuyến thực quản: Nguy cơ tăng gấp đôi.
Ung thư tâm vị dạ dày: Nguy cơ tăng gần gấp đôi.
Ung thư gan: Nguy cơ tăng gấp đôi, đặc biệt ở nam giới.
Ung thư thận: Nguy cơ tăng gần gấp đôi.
Đa u tủy: Nguy cơ tăng nhẹ 10-20%.
U màng não: Nguy cơ tăng 50% ở người béo phì, 20% ở người thừa cân.
Ung thư tuyến tụy: Nguy cơ tăng khoảng 1,5 lần.
Ung thư đại trực tràng: Nguy cơ tăng khoảng 30%.
Ung thư túi mật: Nguy cơ tăng 20% ở người thừa cân, 60% ở người béo phì.
Ung thư vú: Nguy cơ tăng ở phụ nữ sau mãn kinh và nam giới béo phì.
Ung thư buồng trứng: Nguy cơ tăng nhẹ.
Ung thư tuyến giáp: Nguy cơ tăng nhẹ.