Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách - người thầy, người bạn [35]:

Thầy Ba Quốc – Một con “át” trong ngành tình báo

Cuốn sách Người Thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể về một nhân vật mà khi người đọc gấp lại cuốn sách dày gần 500 trang này, họ sẽ thầm thốt lên trong tự hào: “Quá ngưỡng mộ Thầy Ba Quốc”.

Sách được ra đời bởi sự thôi thúc trong thâm tâm người học trò của ông “Ba Quốc”  là Nguyễn Chí Vịnh. Tướng Vịnh viết cuốn sách về Thầy của mình không chỉ để tri ân mà còn muốn cho người đọc được hiểu thêm và biết ơn những bộ não tình báo khủng khiếp của nước nhà đã âm thầm tận hiến tài năng cũng như sinh mệnh của mình để phục phục Cách mạng. Thầy “Ba Quốc” là một trong những người như thế.

“Ba Quốc” hay 3Q là bí danh của Thiếu tướng Đặng Trần Đức và ông chính là người thầy đã dìu dắt cậu học trò trẻ Nguyễn Chí Vịnh từ những ngày đầu bước vào Cách mạng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã gọi Thầy của mình là con “Át” trong ngành tình báo nước nhà .

nguoithay-1711581582.jpg
Bìa trích từ sách NGƯỜI THẦY

Có quá nhiều chi tiết về ông Ba Quốc xuyên suốt cuốn sách, tuy nhiên, nếu diễn giải nhanh để người đọc hiểu về tài năng cũng như vai trò của siêu tình báo Ba Quốc, thì tôi chỉ nói ngắn gọn về đặc thù nghề tình báo. Trong nghề tình báo có 3 vị trí khác nhau. Đầu tiên là một tình báo/ điệp viên - tức là một nhân viên mật chui vào lòng địch, làm việc cho địch để phục vụ cho ta. Thứ hai là người chỉ huy các tình báo viên, điệp viên và chỉ huy những cán bộ có nhiệm vụ điều khiển “lưới” điệp viên. Thứ ba, cao hơn nữa là người lãnh đạo hàng đầu của ngành tình báo, chỉ đạo cả bộ máy tình báo hoạt động nhịp nhàng. Ông Ba Quốc trải qua cả ba vị trí trên, tuy nhiên, điều “kinh” hơn nữa là ông Ba Quốc còn “thủ vai” ở một vị trí siêu hạng mà ít có lực lượng tình báo nào trên thế giới làm được, đó là điệp viên nhị trùng.

Điệp viên nhị trùng nói ngắn gọn là tình báo ta làm việc trong cơ quan… tình báo địch. Và khi ở tình báo địch thì lại phải chỉ huy, lãnh đạo tình báo địch nắm lại… tình báo ta. Như vậy, trong vai trò này, ông Ba Quốc “làm sếp” tình báo bên địch và đảm nhận, nhận diện mọi hoạt động “tình báo” của bên ta, báo cáo cho địch lên kế hoạch đối phó. Rõ ràng trong vai trò “nhị trùng” như thế, chỉ có bản lĩnh và cái đầu cực lạnh kiểu “3Q” thì mới kiểm soát được tình hình, mới “lừa” được địch, phục vụ Cách mạng mà bản thân không bị lộ.

Cuốn sách Người Thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khi đọc xong, ai cũng sẽ cảm nhận đây là những dòng cảm xúc mang tính hồi ký, truyền tải cho người đọc vô vàn cảm xúc như, tò mò, hồi hộp, rưng rưng, ngưỡng mộ... mà tướng Vịnh viết về cho người Thầy của mình. Và có lẽ cũng chỉ có “sách” mới đủ mang lại cô đơn cho người viết, để tướng Vịnh tập trung cao nhất mọi tình cảm của mình vào từng con chữ, nhờ thế mà qua từng trang sách, mọi thứ lại được bày biện ra thật sinh động, thật bất ngờ, thật giàu cảm xúc.

Từng trang trong cuốn sách Người Thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã cho tôi biết thêm về những con người hoạt động tình báo Cách mạng nói riêng, đầy tài năng nhưng cũng quá đỗi thiệt thòi khi họ phải chấp nhận những đặc thù nghề nghiệp. Với riêng ông Ba Quốc, đó là cuộc sống gia đình... Thầy tâm niệm: đã làm nghề tình báo thì cẩn trọng phải đặt lên hàng đầu, ngay cả gia đình riêng thì người tình báo cũng phải biết giữ khoảng cách, yêu thương đủ xa, để không chỉ bảo vệ mình mà trên hết là bảo vệ đồng đội, bảo vệ dòng chảy chiến thắng của Cách mạng.

sach-1711581617.jpg
Tác giả cùng cuốn sách giới thiệu

Cuốn sách Người Thầy không chỉ mang lại những cảm xúc “như phim” về những con người Cách mạng trong lực lượng  hoạt động tình báo, mà hơn thế nữa, sách còn mang đến cho người đọc những chi tiết vô cùng thú vị của lối sống người lính thời chiến ở mặt trận Campuchia qua ngòi bút nhẹ nhàng nhưng rất cuốn hút của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Đó là cách bộ đội tân binh “chữa sốt rét rừng” sai cách và được bà con bản xứ giúp sức. Đó là cách lính nhà ta được thưởng thức “bún mắm” kiểu Campuchia. Hay chuyện người dân xứ Chùa Tháp thuở ấy chỉ quen xài…vàng chứ không phải là tiền. Đó là cách thầy Ba Quốc chỉ dẫn mọi thứ cho lính của mình, từ ăn, uống, nói năng, đi lại, ngồi xe… thậm chí cả cách viết báo cáo cho đúng chất tình báo,...và còn nhiều lắm.

Qua tác phẩm Người Thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã phát huy rõ nhất tố chất yêu nước, tài năng, sự âm thầm hy sinh cống hiến tất cả cho Cách mạng và chẳng màng được nhiều người biết đến như Thầy “Ba Quốc” nói riêng cũng như rất nhiều điệp viên Cách mạng khác nói chung. Và chính từ Người Thầy, từ những trang sách, lòng tôi lại tự hào thêm dòng máu Việt chảy trong tim mình.

Tác giả: Tạ Tư Vũ

[vu.tatu@gmail.com]