Giai đoạn này không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới, làn sóng cắt giảm nhân sự đã và đang diễn ra trên toàn cầu, bạn nên chuẩn bị tâm thế nếu cảm thấy công việc bấp bênh, khó giữ việc làm.

Theo Intellizence và CNN, hơn 5.700 công ty trong năm 2024 và hơn 190 công ty khác đầu năm nay thông báo sa thải hàng loạt. Xu hướng sa thải và cắt giảm lao động vẫn tiếp diễn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, tài chính, sản xuất, bán lẻ và năng lượng.
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, ông lớn cũng lao đao. Đầu năm nay, ban lãnh đạo Meta tuyên bố sẽ sa thải 3.000 nhân viên, chiếm 5% tổng lực lượng lao động. Microsoft thông báo cắt giảm gần 1% nhân sự, đồng nghĩa với việc hàng nghìn người có thể mất việc. Các tập đoàn lớn như Amazon... cũng đang lần lượt cắt giảm nhân sự. Thị trường việc làm cho các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đang bước vào thời kỳ biến động mạnh mẽ.
Điều đặc biệt, độ tuổi thất nghiệp lại ngày càng trẻ hóa, điều chúng ta cần làm là đối mặt và tìm ra giải pháp phù hợp cho hoàn cảnh cá nhân. Dưới đây là 8 gợi ý để trả lời câu hỏi: "Rốt cuộc mình nên làm gì?" nếu chẳng may bị mất việc.
1. Hãy chuẩn bị sẵn sàng
Bị sa thải có thể gây ra hậu quả về mặt cảm xúc vô cùng sâu sắc. Việc chấm dứt hợp đồng buộc bạn phải giải quyết những mối quan tâm cấp bách, thường gây căng thẳng như tìm kiếm nguồn thu nhập mới và đảm bảo quyền được bảo hiểm y tế liên tục. Đồng thời, việc bị chấm dứt hợp đồng đột ngột có thể khiến chúng ta nghi ngờ năng lực thật sự của bản thân.
Thực tế, trải nghiệm bị sa thải khá phổ biến, không chỉ mình bạn gặp phải. Nếu bạn chưa bị sa thải nhưng cảm thấy thời hạn kết thúc hợp đồng đã gần kề, khó có cơ hội được gia hạn, hãy hành động ngay.
Nếu muốn giữ công việc, đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Tờ New York Times khuyên bạn nên đối mặt trực tiếp với nỗi lo lắng bằng cách hỏi sếp xem bạn có thể hoàn thành tốt hơn vai trò của mình trong tổ chức như thế nào. Sau đó đưa phản hồi vào hành động.
Nếu bạn muốn khám phá những cơ hội mới hoặc cảm thấy công việc hiện tại không thể cứu vãn, hãy chuẩn bị để nghỉ việc. Sao lưu tất cả các tệp bạn cần, sao chép thông tin liên lạc của những người bạn muốn giữ, xóa thông tin cá nhân khỏi máy tính và điện thoại làm việc. Đọc kỹ sổ tay nhân viên, tìm hiểu luật pháp liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng để biết mình được hưởng những gì và mong đợi điều gì.

Lên lịch các cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe và cố gắng hết sức để tiết kiệm một quỹ khẩn cấp đủ dùng trong 3-6 tháng, cho đến khi bạn tìm được việc mới.
2. Đặt câu hỏi rõ về lý do là gì
Ngay khi bạn bị sa thải, hãy hỏi lý do. Biết lý do chấm dứt hợp đồng sẽ giúp bạn học hỏi tốt hơn từ đó.
Nếu bạn muốn giữ công việc, có thể thử yêu cầu kháng cáo hoặc cơ hội thử việc khác để cải thiện hiệu suất. Nhưng nếu công ty của bạn nói không, hãy bỏ qua mà không cần tranh luận quá nhiều, tránh dẫn đến các xung đột cá nhân không đáng có.
Bạn cũng có thể xin từ chức thay vì bị sa thải. Điều này giúp bạn dễ dàng nói về lịch sử làm việc với những ông chủ khác trong tương lai. Nhưng đồng thời cũng nên nhớ, việc từ chức khiến bạn gần như không thể nhận được trợ cấp thất nghiệp; khó thắng kiện nếu bạn cho rằng công ty chấm dứt hợp đồng sai luật. Tuy nhiên, đây là trường hợp chấm dứt hợp đồng hiếm hoi đòi hỏi phải có hành động pháp lý. Vì vậy, bạn có thể không mất gì khi yêu cầu công ty đưa ra lý do trung lập hơn để chấm dứt hợp đồng. Nếu trợ cấp thất nghiệp là mối quan tâm chính, bạn có thể yêu cầu công ty không phản đối yêu cầu trợ cấp thất nghiệp của bạn.
3. Đàm phán về gói trợ cấp thôi việc
Nếu bị sa thải có lý do, bạn có thể không được cung cấp gói trợ cấp thôi việc. Nhưng trong một số trường hợp, công ty có thể sẵn sàng cung cấp cho bạn các phúc lợi để đổi lấy việc bạn ký thỏa thuận thôi việc.
Thỏa thuận thường nêu rõ những khoản trợ cấp thôi việc mà bạn sẽ nhận được, nếu có, và nêu rõ rằng bạn từ bỏ quyền kiện tụng hoặc các khoản trợ cấp thôi việc bổ sung. Đừng cảm thấy bị ép buộc phải ký ngay vào tài liệu này.
Forbes khuyên bạn không nên ký thỏa thuận vào thời điểm chấm dứt hợp đồng để có thời gian suy nghĩ kỹ, thương lượng và tìm kiếm luật sư.
4. Yêu cầu dịch vụ tìm kiếm việc làm mới nếu có
Về cơ bản, đây là sự hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp do một công ty cung cấp cho những nhân viên sắp nghỉ việc. Chất lượng của các chương trình chuyển đổi công việc rất khác nhau, nhưng một chương trình tốt thường bao gồm huấn luyện nghề nghiệp được cá nhân hóa, đánh giá sơ yếu lý lịch để cải thiện khả năng tiếp thị cá nhân của bạn trên thị trường việc làm và các công cụ quản lý nghề nghiệp khác.

Một huấn luyện viên nghề nghiệp giàu kinh nghiệm có thể giúp bạn thực hiện mọi bước được nêu trong bài viết này. Họ giúp bạn đưa ra câu trả lời thuyết phục cho những câu hỏi về lý do bị sa thải trong buổi phỏng vấn xin việc tiếp theo.
5. Để lại lời nhắn tích cực
Bị sa thải có thể là một đòn giáng mạnh vào bạn ngay lúc đó, nhưng không nhất thiết phải dẫn đến sự cay đắng kéo dài đối với công ty cũ. Trong và sau cuộc họp chấm dứt hợp đồng, hãy đảm bảo giữ thái độ chuyên nghiệp cả trực tiếp và trên phương tiện truyền thông xã hội. Hãy nhớ rằng những người chủ cũ của bạn có thể đóng vai trò là người giới thiệu công việc cho bạn trong tương lai, chính thức và qua lời truyền miệng.
Nếu được yêu cầu phỏng vấn thôi việc, hãy thử làm điều đó. Tất nhiên, nếu cảm thấy khó khăn, bạn nên đặt bản thân lên hàng đầu và từ chối một cách lịch sự.
Nếu bạn có đồng minh tại công ty, hãy liên hệ với họ, giữ họ làm bạn bè và là nguồn tham khảo quan trọng trong công việc. US News & World Report có một mẹo hữu ích cho tình huống này: "Một cách tốt để giảm bớt sự ngượng ngùng với những đồng nghiệp cũ: Hãy cho họ biết điều bạn thích khi làm việc với họ và lý do tại sao họ giỏi trong công việc. Mọi người sẽ ấn tượng với sự tao nhã của bạn".

6. Cân nhắc việc thuê một luật sư về việc làm
Nếu nghi ngờ mình bị chấm dứt hợp đồng lao động sai trái, bạn có thể muốn theo đuổi hành động pháp lý. Lý do chấm dứt hợp đồng lao động một cách sai trái bao gồm:
- Sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính, tôn giáo, tuổi tác hoặc các tiêu chí khác
- Vi phạm các lời hứa bằng văn bản trong hợp đồng lao động hoặc các tuyên bố khác
- Vi phạm thiện chí và giao dịch công bằng (ví dụ sa thải nhân viên để ngăn họ nhận hoa hồng bán hàng)
- Vi phạm chính sách công
- Sự trả thù vì đã làm người tố giác khi công ty vi phạm luật
- Sự trả thù vì từ chối thực hiện hành vi bất hợp pháp
Bạn có thể tìm hiểu thêm về luật từ bộ luật lao động, sau đó nộp đơn khiếu nại trực tiếp hoặc tham khảo ý kiến luật sư.
7. Nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp
Kiểm tra với trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương để xem bạn có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp không và nộp đơn xin trợ cấp càng sớm càng tốt.
8. Đưa ra quyết định về khoản tiết kiệm hưu trí
Tìm hiểu các lựa chọn cá nhân với sự trợ giúp của cố vấn tài chính, nếu cần và đưa ra quyết định tốt nhất cho tương lai của bạn.
Khi thực hiện các bước này, đừng coi trải nghiệm trên là dấu hiệu cho thấy bạn không đủ năng lực. Hillary Clinton, Oprah Winfrey và Steve Jobs cũng như nhiều người thành công khác đều đã bị đuổi việc. Bạn cũng có thể chấp nhận việc bị đuổi việc và coi đó là cơ hội để phát triển.