Sách – người thầy, người bạn [52]:

Tác phẩm để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất!

Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du được xem là một tuyệt tác của nền văn học dân tộc. Đọc và học rất nhiều tác phẩm nhưng có lẽ với riêng tôi, Truyện Kiều là tác phẩm để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Không chỉ là tác phẩm hay, đậm đà bản sắc, cốt cách của người Việt mà nó còn khơi gợi trong tôi tình cảm về con người, những số phận bất hạnh trong xã hội... Để rồi, lắng lòng mình, tôi biết tự chọn cho mình lối sống nhân văn, nhân ái hơn, nhất là biết sẻ chia, giúp đỡ và có hành động thiết thực nhất đối với những số phận kém may mắn quanh mình.

Người đọc bao thế hệ đều nhận thấy sự thành công của Nguyễn Du qua Truyện Kiều. Ông đúng là một bậc thầy của ngôn ngữ văn chương. Trong Truyện Kiều, chúng ta luôn tìm thấy được những đoạn trích tả cảnh ngụ tình một cách rất đặc sắc, kể cả cách miêu tả hình dáng bên ngoài của nhân vật cũng được thể hiện rất độc đáo thông qua ngôn ngữ thơ. Điều mà bản thân tôi cảm thấy thích và có ý nghĩa nhất khi đọc Truyện Kiều là vốn ngôn ngữ của Nguyễn Du: vừa bình dân gần gũi nhưng cũng vừa uyên bác. Ngôn từ thể hiện trong thơ giống như một cuốn từ điển giúp cho người đọc, người nghe có thêm nhiều cách lý giải mới mẻ, thú vị. Nhiều từ ngữ trong Truyện Kiều đã được mọi người ghi nhớ và áp dụng thường xuyên trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Thành công này có thể được kể đến khi người dân dễ dàng liên tưởng hoặc có những cơ sở so sánh tương đồng khi bắt gặp những hình ảnh, câu thơ quen thuộc, gần gũi và dễ hiểu: "Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”    

img-6302-1712364083.jpeg                                              

 “Ngó ý” (ngó sen) đúng như hình ảnh trong thực tế, dù ta có bẻ gãy ngó sen ấy ra, thì những sợi tơ bên trong của nó vẫn còn vướng và dính vào nhau, chứ những sợi tơ đó không bị đứt ngay liền. Với câu này, ý Kiều cũng là ý của nhà thơ Nguyễn Du muốn nói là dù cho bị chia lìa với Kim Trọng trên thực tế “lìa tơ chỉ” nhưng đối với chàng Kim Trọng, thì nàng Kiều vẫn thương nhớ không nguôi “vương tơ lòng”. Ở đây, tác giả đã sử dụng nghệ thuật chơi chữ một cách tế nhị bằng cách dùng “tơ chỉ” để đối lại với “tơ lòng”. Ông đã cố ý dùng chữ “tơ” hai lần với ý là  “Tơ chỉ” thì đứt hẳn, chứ “tơ lòng” thì còn vương. 

Khi đọc Truyện Kiều, chúng ta không chỉ xót xa, thương cảm cho cuộc đời của nàng Kiều, một người con gái hồng nhan bạc phận, mà còn rất trân trọng tấm lòng nhân đạo của nhà thơ Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình. Ông đồng cảm và chia sẻ với nỗi khổ của nhân vật, khi mà gia đình Kiều bị tai biến. Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Chính vì điều này mà Thúy Kiều đã phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, chịu nhiều đắng cay đau khổ.

Giá trị nhân đạo mà nhà thơ muốn gửi tới người đọc, người nghe chính là tấm lòng, sự chia sẻ, đồng cảm của nhà thơ với nhân vật của mình nói riêng và người phụ nữ xưa nói chung. Những oan khuất, đắng cay mà Thúy Kiều phải trải qua chính là lời tố cáo tội ác đanh thép nhất mà tác giả muốn lên án xã hội, chế độ phong kiến thối nát, coi nhân phẩm đức hạnh của người con gái như trò đùa, khi ấy thân phận người con gái tựa như cánh lục bình trôi trong nhờ đục chịu và bị vùi dập xuống tận bùn đen.

Truyện Kiều là một tác phẩm vô cùng đặc sắc của nền văn học nước nhà. Tác phẩm còn được dịch ra nhiều thứ tiếng, tạo nên giá trị, tên tuổi của Nguyễn Du, đưa ông lên tầm danh nhân văn hóa thế giới. Đây cũng chính là lý do vì sao tác phẩm Truyện Kiều và đại thi hào dân tộc Nguyễn Du thường được chọn để đưa vào các chương trình có ý nghĩa nhân văn. Nhất là ở các cuộc thi có quy mô lớn, nổi tiếng và có tầm quan trọng trong việc chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất như cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, được phát sóng trên kênh VTV3 đài truyền hình Việt Nam. Có lần chương trình đặt câu hỏi:

 “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?” (Nguyên tác chữ Hán:“Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”). Câu thơ này nằm trong bài thơ nào của Nguyễn Du?

Qua đó cũng có thể cho chúng ta thấy được rằng những tác phẩm văn học và các tác giả luôn được các cuộc thi chọn lựa để nhằm mục đích kiểm tra kiến thức, mức độ hiểu biết cũng như sự quan tâm, niềm đam mê, yêu thích đọc sách của các bạn trẻ về những tác phẩm văn học rất có giá trị và ý nghĩa đối với nền văn học nước nhà.

img-6307-1712364083.jpeg
Tác giả: Phạm Thành Thái

Khi nghe câu hỏi của chương trình thì tôi nhớ lại kỷ niệm một thời học sinh của anh em tôi. Hồi đó lúc đang học cấp 2, học đến Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Trong sách Giáo khoa thì chỉ học được có vài đoạn trích trong Truyện Kiều mà thôi. Lúc đó vì thích quá nên tôi đã đến thư viện trường mượn Truyện Kiều về nhà rồi hai anh em cố gắng chép lại hết vào mấy quyển tập để dành mà học. Tôi có nói vui với em gái tôi là anh đã dành cả thanh xuân để nghiên cứu và học Truyện Kiều...

Đáng mừng là sau này, tôi cũng có dịp đến thăm quê hương của nhà thơ Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trước chỉ được học, tìm hiểu về nhà thơ và tác phẩm thông qua sách vở, nhưng lần về thăm đó, tôi cảm thấy rất vui vì được đến trực tiếp quê hương của nhà thơ mà mình yêu quý, kính trọng. Tôi tin, tác phẩm của Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng luôn được bạn đọc ở nhiều thế hệ yêu thích và sẽ luôn sống mãi với thời gian. 

Tác giả: Phạm Thành Thái

[tthai912@gmail.com]