Phải biến nhóm quà tặng thành đặc sản mang thương hiệu Bình Thuận

Đó là chia sẻ của CEO Eden Farm Nguyễn Văn Đức tại Hội thảo “Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Chuyển đổi số – Động lực phát triển mới cho ba trụ cột kinh tế Bình Thuận” ngày 25/4 vừa qua.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đức đã có cơ hội chia sẻ hai đề xuất thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành du lịch và nông nghiệp tỉnh Bình Thuận.

fcdb1aae22d2908cc9c3-1745798463.jpg
Hội thảo “Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số: Động lực phát triển mới cho 3 trụ cột kinh tế Bình Thuận” do UBND tỉnh Bình Thuận và Đại học quốc gia (ĐHQG) Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Ảnh: Báo Bình Thuận

Đối với ngành du lịch: Biến nhóm quà tặng thành đặc sản mang thương hiệu Bình Thuận

Khi nói đến phát triển du lịch, bên cạnh cảnh đẹp và dịch vụ, yếu tố “quà tặng mang về” chính là một chỉ số thể hiện chiều sâu trải nghiệm của du khách. Ông Đức dẫn chứng câu chuyện thực tế mình trải nghiệm năm 2018.

Năm đó ông có dịp ghé thăm Biển Chết ở Israel. Chỉ riêng trong gian hàng lưu niệm tại đây, ông đã chi gần 1.000 USD cho các sản phẩm quà tặng – từ mặt nạ bùn khoáng, bộ mỹ phẩm chăm sóc da, đến các hộp chà là nổi tiếng. Điều đó cho thấy sức mạnh của việc khai thác tốt tài nguyên địa phương để tạo ra những sản phẩm quà tặng giá trị cao.

Nhìn lại Bình Thuận, chúng ta có đầy đủ tiềm năng để làm được điều đó – thậm chí còn tốt hơn. Từ Bùn khoáng Vĩnh Hảo là nguồn tài nguyên quý, từng được biết đến rộng rãi trên thế giới, hoàn toàn có thể phát triển thành các sản phẩm như mặt nạ bùn khoáng thiên nhiên, mỹ phẩm dưỡng da cao cấp; đến Thanh long Bình Thuận – nông sản hàng đầu – cũng có thể được chế biến sâu thành bột, mỹ phẩm, thực phẩm tiện lợi…

Tuy nhiên, để đi xa, bắt buộc phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào và quy trình sản xuất. Và giải pháp bắt buộc chính là ứng dụng truy xuất nguồn gốc – không chỉ để kiểm soát chất lượng mà còn để xây dựng niềm tin vững chắc nơi người tiêu dùng toàn cầu.

6a8fb1fb89873bd96296-1745798456.jpg
Ông Nguyễn Văn Đức, CEO Eden Farm chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Báo Bình Thuận

Đối với ngành nông nghiệp: Cần tư duy đúng về nền tảng số cho nông dân

Tại hội thảo, khi có nhiều ý kiến đề xuất nên làm App cho Bình Thuận. Ông Nguyễn Văn Đức thẳng thắn cho rằng, làm App thì dễ, vận hành App mới là bài toán khó. Thực tế, rất nhiều dự án App sau khi làm ra đã “chết yểu” vì thiếu kinh phí vận hành và thiếu động lực sử dụng từ chính người nông dân.

Còn khi đề cập việc ghi chép nhật ký sản xuất và truy xuất nguồn gốc từ trước tới nay thất bại vì nông dân không chịu ghi chép. Ông Đức cho rằng nguyên nhân sâu xa là tư duy thiết kế nền tảng ngay từ đầu đã sai.

Ông Đức viện dẫn, trong mô hình đúng, nông dân là người tạo ra dữ liệu (nhật ký sản xuất), thì họ phải nhận lại giá trị xứng đáng từ việc đó. Họ phải được hưởng lợi – cụ thể là bán nông sản với giá cao hơn – thay vì chỉ coi đó là “gánh nặng” ghi chép vô ích.

Từ thực tế tại Eden Farm đã chứng minh điều này: Khi tích hợp thêm dữ liệu minh bạch, giá bán dưa lưới xuất khẩu sang Nhật tăng hơn 30% so với thị trường trong nước. Và đặc biệt, người nông dân không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào cho việc truy xuất – điều mà phần lớn các App hiện tại đều đang thất bại vì thu phí dịch vụ.

“Do đó cần chọn một ứng dụng duy nhất để triển khai trên toàn tỉnh, tránh phân tán và rối loạn dữ liệu. Miễn phí hoàn toàn cho nông dân, tạo động lực tự nhiên cho họ tham gia. Tập trung, đồng bộ hóa dữ liệu, có thể thống kê tức thời diện tích canh tác, sản lượng dự kiến, hỗ trợ hoạch định chính sách nông nghiệp thông minh.’, ông Nguyễn Văn Đức cho biết.