Tri ân Nhà giáo

Nỗi niềm khắc khoải trong thơ Phạm Thu Yến

Thơ Phạm Thu Yến chan chứa những nỗi niềm trắc ẩn về mình, về người, về đời và nhân tình thế thái. Tiếng thơ ấy dễ làm lay động hồn người, bởi độc giả có sự đồng cảm sâu sắc với những điều mà Phạm Thu Yến gửi gắm vào thơ. Với Phạm Thu Yến, mỗi câu chữ đều mang một nỗi niềm khắc khoải, khắc khoải một bóng hình thiếu nữ, khắc khoải một mùa ký ức, khắc khoải một mùa yêu...

Thơ Phạm Thu Yến chan chứa những nỗi niềm trắc ẩn về mình, về người, về đời và nhân tình thế thái. Tiếng thơ ấy dễ làm lay động hồn người, bởi độc giả có sự đồng cảm sâu sắc với những điều mà Phạm Thu Yến gửi gắm vào thơ. Với Phạm Thu Yến, mỗi câu chữ đều mang một nỗi niềm khắc khoải, khắc khoải một bóng hình thiếu nữ, khắc khoải một mùa ký ức, khắc khoải một mùa yêu...

Qua thơ, chị đã thể hiện đời sống nội tâm phong phú, đi vào những miền sâu thẳm của ký ức, vô thức, tiềm thức... thấm đẫm tinh thần nhân văn nhân ái. Vì thế, cái buồn, cái cô đơn, day dứt với nhiều suy tư, trăn trở trong chiều sâu tâm hồn cũng là một nét đẹp đáng được trân trọng. Ở đó, hình ảnh người đàn bà giàu nghị lực, giàu đức tin, biết vượt qua những thách thức, những mất mát, đổ vỡ để sống, để cống hiến cho đời lại càng đáng nể phục. Lúc gánh nặng gia đình vơi bớt/ Tuổi bốn mươi ham làm việc hết mình/ Để khỏa lấp quãng vòng quá khứ/ Phía trước là nghiệt ngã thời gian. 
Vẫn chưa hết đam mê, nông nổi/ Bướng bỉnh hơn trước vấp ngã cuộc đời/ Dẫu mệt mỏi nhưng từ trong sâu thẳm/ Lại thương người hơn thế đấy, thế nhân ơi (Thơ tuổi bốn mươi).

Thơ chị bộc lộ rõ nét cái tôi trữ tình với nhiều nỗi niềm khắc khoải, hoài niệm, nhớ mong. Mối ân tình của chị được thể hiện qua những vần thơ chân thành, da diết, rất đời và rất nữ tính. Viết về điều gì, thơ Phạm Thu Yến vẫn nhất quán bằng giọng điệu tâm tình, thủ thỉ và cả những khắc khoải, nuối tiếc, bâng khuâng.

anh-chan-dung-nha-tho-pham-thu-yen-1631006421.jpg
Nhà thơ Phạm Thu Yến

Đọc thơ Phạm Thu Yến, người đọc nhận ra tiếng thơ của người đàn bà hồn hậu và đa cảm. Chị đã cất lên tiếng nói của tình yêu thương, lòng vị tha và cả những nỗi đa mang của kiếp người. Với anh là một bài thơ hay, đó là những cảm xúc rất thật, rất nữ tính mà “em” không ngại ngần để tâm tình với “anh”. Nói thật lòng mình, hồn mình, tình cảnh và trái tim đa cảm của mình với mong mỏi: “Anh đừng hờn ghen với trái tim em”. Em sẽ ra sao nếu chẳng là mình/ Quên lãng hết ước mơ thời thiếu nữ/ Nếu chỉ biết làm ăn, nuôi con, giặt giũ/ Chắc chẳng còn đáng được anh yêu.// Nếu cho em làm lại từ đầu/ Người em chọn vẫn chỉ là anh đấy/ Anh là cuộc đời em, giản đơn sâu sắc vậy/ Đừng ghen hờn với trái tim em.

Chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, với nhiều cung bậc cảm xúc khi nhà thơ nghĩ về quê hương, bạn bè, người thân được thể hiện qua những bài thơ đậm chất trữ tình: Đồng Mô, Hà Nội và tôi, Hội Phủ Giầy, Nhớ anh Lưu Quang Vũ, Thơ viết ở Đức, Nhớ, Sân ga, Nghe bạn hát chiều nay, Nói với bạn gái...

Phạm Thu Yến từng có thời gian học tập ở xa Tổ Quốc nên nỗi thương nhớ quê nhà càng da diết và sâu đậm hơn. Những nơi chị đến, những người chị gặp cũng điều để lại bao ấn tượng khó phai. Nói với bạn gái là bài thơ hay viết về tình bạn của Phạm Thu Yến. Đó là lời khuyên rất mực chân thành của nhà thơ dành cho người bạn gái có số kiếp đa đoan, cả hai lần đò là cả hai đều gặp giông gió. Khi tình yêu không viên mãn, đứt gánh giữa đường, nhà thơ đành ngậm ngùi, an ủi, trấn an bạn của mình rằng: Thôi về chăm mảnh vườn xưa/ Mái nhà ấm lửa, mộng mơ gửi trời.

Trái tim yêu thương, dễ rung động nên nhà thơ Phạm Thu Yến thường không kìm nén được nỗi niềm thương cảm trước những hoàn cảnh bất hạnh, những người kém may mắn hay bao thân phận nổi trôi. Dù bất cứ lý do gì, với chị, những người như vậy đều rất đáng thương cảm và cần sự sẻ chia của mọi người. Đi trên phố, nhà thơ gặp người ăn mày là phế nhân, hầu như người qua đường nhìn người ăn mày với cái nhìn đầy ái ngại. Bản thân chị cũng phóng xe vèo qua với lý do là trong túi không còn tiền lẻ để cho. Nhưng rồi cái thiện lương trong con người chị đã “lên tiếng”, đã không cho phép chị ngoảnh mặt làm thinh trước kẻ khốn cùng. Bao dằn vặt cùng những suy nghĩ trỗi dậy và “tôi” đã quyết định dứt khoát: quay trở lại đặt một đồng tiền chẵn. Bởi chị cho rằng lần sau nữa dễ gì gặp họ để giúp. Và biết đâu trong cuộc sống ồn ã, bất thường này đến một ngày kia mình có còn để giúp họ hay không?
Người ăn mày chân tay cụt hết/ Kéo lê con trên xác tải nát nhàu/ Những ánh mắt qua đường ái ngại/ Nhưng túi tôi còn đồng lẻ nào đâu// Phóng xe đi giữa ban mai ảm đạm/ Tôi băn khoăn tự cật vấn chính mình/ Hỡi lòng tốt - ngôn từ phù phiếm/ Khi người khốn cùng, ta ngoảnh mặt làm thinh// Lần sau nữa dễ gì gặp lại/ Giữa dòng đời ồn ã bất thường/ Tôi quay lại đặt một đồng tiền chẵn/ Thoáng nghe lời lí nhí cảm ơn// Hình như ban mai chim hót bên đường (Người ăn mày). 

Thơ Phạm Thu Yến thường có những hình ảnh đối lập, chính những hình ảnh này có tác dụng làm nổi bật ý nghĩa mà nhà thơ muốn đề cập, muốn nhấn mạnh. Từ đó nâng cao cảm xúc, nhận thức của con người trong nhiều mối quan hệ phức hợp của đời sống. Lời cậu bé con thảng thốt gọi mẹ khi bị lũ hung đồ trấn lột làm cho người đọc cảm thấy nhói đau. Phải chăng những thang bậc giá trị đạo đức đang bị chao đảo, tình người trở nên lạnh nhạt?
Mẹ ơi!/ Khi con bị lũ hung đồ trấn lột/ Con kêu lên trong hoảng hốt bất ngờ/ Nhưng chính lúc mọi người quay đi im lặng/ Một nỗi sợ ghê người bóp nghẹt trái tim con.

Nhà thơ cũng dành tình cảm đặc biệt nhất để nói về cha, về mẹ và về đứa con gái yêu của mình. Hình ảnh người mẹ với những lời dạy dỗ, chỉ bảo chị phải sống thẳng ngay; người cha hiền lành, giản dị, bao dung và có cách nhìn nhận cuộc đời rất sâu sắc. Mẹ tôi dạy sự trung thực ở đời/ Khi ném bẩn áo người, tay mình bẩn trước/ Cha tôi khuyên: hình thức là phù du chìm nổi/ Chỉ niềm vui tâm hồn là mãi mãi cùng ta. Để rồi chính những lời chỉ dạy, bảo ban đầy ân tình như vậy càng làm cho nhà thơ ghi nhớ và mang ơn cha mẹ nhiều hơn. Tôi lớn lên/ Không muốn nhìn thấy nếp nhăn trên trán cha/ Ước được thấy niềm vui trong mắt mẹ/ Tâm hồn tôi khát khao và nồng nàn như bể/ Yêu ghét hồn nhiên như cây cỏ trong vườn (Thao thức). Phạm Thu Yến luôn mang trong trái tim mình ký ức đẹp về mẹ cha. Như thước phim quay chậm, ngược về quá khứ của những năm chị vừa tròn mười tám, đôi mươi. Tuổi mười tám, hai mươi hy vọng mong chờ/ Giao thừa đến bao giờ con cũng khóc/ Cha mẹ mắng nhưng hiểu lòng con nhất/ Sinh con ra, cha mẹ đã sinh lòng. Và khi đã có tuổi chị càng thêm yêu kính và thầm cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mình. Suốt cuộc đời chăm chút yêu thương/ Cha mẹ gieo hồn con nét nhạc/ Dẫu cuộc sống không chỉ là tiếng hát/ Vẫn thấy lòng mình những khoảng mát xanh (Bản nhạc trong phố nhỏ).

Tuổi thanh xuân với nhiều ký ức đẹp đã đi vào thơ Phạm Thu Yến như sự trải lòng: Tuổi thiếu nữ của tôi thấm đẫm những câu thơ/ Ê-xê-nhin đã dịu dàng/ gieo trên cánh đồng kiều mạch/ Lũ chúng tôi vẫn thường ao ước/ Giá một lần được hát với bạch dương// Tôi đã gặp ở nước Nga sợi tóc bạc đầu tiên/ Khi lặn lội thân cò nơi tuyết trắng/ Nghĩa vụ thì dày, vai tôi thì mỏng/ Bài ca bạch dương ngủ quên dưới đáy những lô hàng// Khi tôi trở về xứ sở của mình/ Những ước vọng đã thành hiện thực/ Chỉ bài hát bạch dương đôi khi thầm khóc/ Khi tôi ngồi nhớ tuyết... Giá như tôi... (Giá như tôi).

Trong cuộc đời, nhất là trong tình yêu, bất đắc dĩ con người ta mới phải miễn cưỡng bước vào những ngã rẽ. Người đàn bà trong thơ Phạm Thu Yến cũng mong cho mình có con đường đi dịu êm, bằng phẳng nhưng điều đó cũng không được như ý muốn. Và rồi, đành phải chấp nhận “thương đau”. Lẽ thường, khi tình yêu tan vỡ, người phụ nữ sẽ thù hận, oán trách, khóc than. Nhưng với sự bao dung, rộng lượng của trái tim người đàn bà trong thơ Phạm Thu Yến vẫn dành cho “anh”, cầu mong “anh” hạnh phúc ở chặng đường phía trước khi “em” đã không còn chung bước với “anh”. Một giấc mơ có thật/ Đã đi qua cuộc đời/ Cầu mong anh hạnh phúc/ Khi tình em xa rồi// Mười lăm năm gắn bó/ Nhớ mãi ánh trăng đầu/ Tình yêu không ảo ảnh/ Bởi niềm tin trong nhau (Chắp lời tản mạn).

Khi niềm tin đã không còn thì tất cả mọi điều khác sẽ không có giá trị, còn đâu là chỗ dựa trong nhau? Còn đâu ấm cửa vui nhà? Mất tất cả! Cái còn lại chỉ là kỉ niệm, những kỉ niệm dùng dằng không chịu ngủ yên bởi sự cả nghĩ, sự lo lắng dù khi đã không còn thuộc về nhau. Điều mãi còn/ Là kỉ niệm xưa/ Em hát bài ca/ Anh đi qua ngõ/ Cơn mưa tháng tư/ Dùng dằng thiếu nữ/ Bao âu lo, dự cảm không lời// Thôi người về/ Phía ấy xa xôi/ Dẫu bất hạnh/ Em làm sao chia được/ Còn một chút cho nhau/ Là kỉ niệm/ Để dòng sông/ Bên lở nhớ bên bồi (Kỉ niệm). 

Nhà thơ Phạm Thu Yến cảm nhận khoảng cách tình yêu trong sự chia cắt bởi không gian: “phía ấy xa xôi”, “dòng sông bên lở bên bồi” làm cho sự chia xa ấy thêm chắt lắng, thêm đau đáu, thêm day dứt và xót xa hơn.

Dường như, đằng sau sự điềm tĩnh, tự tin, bản lĩnh của một người đàn bà là một tâm hồn mong manh, yếu mềm, dễ xúc động trước những điều bất trắc. Anh khuấy động trái tim em bình yên/ Rung lên tiếng chuông hối thúc/ Đưa em vào giấc mơ tâm thức/ Một giọng trầm buồn xa xăm/ Em chạy theo tiếng gọi của anh/ Như một kẻ lạc hồn/ Rời bỏ mái nhà yêu/ Nước mắt con trai bé bỏng/ Chạy qua dòng sông, phố phường, đồng ruộng/ Hoa cúc ngơ ngác buồn,/ Cuống rạ nhói bàn chân (Xin đừng).

Đọc bài thơ U hoài người đọc không khỏi rưng rưng, xúc động. Ở đó nhân vật trữ tình “em” làm cuộc chất vấn chính mình với hàng loạt tiếc nuối, những nỗi đau dồn nén, những khao khát bất thành và có lẽ anh chẳng biết và cũng không thể biết vì giờ đây anh đã trở thành người thiên cổ. Nỗi đau này chỉ riêng mình em mang! Em là cô gái u hoài/ Lưu luyến hào quang quá khứ/ Dĩ vãng như cuốn phim/ Dịu dàng huyền ảo quá/ Lần lượt chiếu soi niềm vui sướng cuộc đời// Bỗng vụt lên ánh sáng ban ngày/ Phim vụt tắt, những ảnh hình tan biến/ Còn lăn lóc những ghê ngồi im lặng/ Và cô đơn, ngơ ngác mình em/ Với những đời thường quanh quẩn như em// Anh chẳng biết đâu em lê bước cuối xe tang/ Tim đau thắt, tim bật trào tiếng khóc/ Hà Nội bàng hoàng, phố phường ngơ ngác/ Oan nghiệt, phũ phàng đến thế, hóa công ơi.// Ai đã từng dự cảm với cuộc đời/ “Như tia nắng chúng mình không sống mãi/ Như câu thơ chắc gì đọc lại”/ Nhưng khoảng trống này lớn quá người ơi.// Và chính anh là “nguồn sáng trong đời”/ “Khoảnh khắc” đấy và “vô tận” đấy/ Hỡi hương hồn thi nhân ơi hãy dậy/ Nén hương này em thắp giữa tim đau.

Thời gian vẫn cứ trôi mải miết trong những vòng xoáy khôn cùng. Dòng đời cứ thế cũng trôi đi vội vã, Phạm Thu Yến cũng đã “định vị” lại chính mình để ngẫm ngợi, trăn trở và thao thức. Rồi năm tháng đi qua những kỉ niệm buồn vui/ Tình yêu ấy và mùa Thu thuở ấy/ Chỉ còn lại cùng ta giữa dòng đời trôi chảy/ Là bức tranh màu người ấy vẽ mà thôi// Thời gian trôi, kỉ niệm có dần trôi/ Đời có trả cho ta những gì đã mất/ “Ôi hạnh phúc... lướt dần xa... hạnh phúc”/ Lời bài hát nào đau nhói trái tim ta.// Chỉ còn lại cùng ta sắc nắng hiền hòa/ Không gian rộng ba chiều khoáng đạt/ Tâm sự cùng ta những gì mất mát/ Những buồn vui không thể nói nên lời.// Ta cầu mong người ấy vẫn yêu đời/ Như cái thuở pha màu hòa sắc/ Dẫu xa cách hỡi mùa Thu xanh thẳm/ Hãy trở về trong hạnh phúc bình yên (Nói chuyện với bức tranh).

Đi qua những năm tháng vui buồn, những thăng trầm của cuộc đời và thời cuộc nên Phạm Thu Yến sâu sắc nhận ra nhiều điều. Giờ đây, nhà thơ đã bình tâm hơn, vững tin hơn vì đã thấm thía sự đời, thừa thải những nỗi buồn đau, tan vỡ nhưng trong tâm khảm chị vẫn luôn có “ước muốn”: Làm sao ngăn được/ Cho hoa đừng tàn/ Làm sao buộc được/ Gió đừng lang thang/ Làm sao bảo được/ Tim thôi rộn ràng/ Làm sao cháy lại/ Lời yêu nguội tàn. Nhưng rồi Phạm Thu Yến nhận ra quy luật muôn đời của tạo hóa, sự nghiệt ngã của từng bước đi thời gian và cả những cái hiện hữu quanh mình. Người thi sĩ ấy tự an ủi, vỗ về chính mình trong cái nhìn đầy biện chứng: Buồn làm chi mãi/ Sắc màu thời gian/ Ta là khoảnh khắc/ Cuộc đời mênh mang/ Rồi ta cũng héo/ Rồi người cũng tàn/ Oán thù quên hết/ Mến thương ngập tràn (Cảm tác). Cái nhìn và sự chiêm nghiệm mang tính nhân bản, đó chính là thước đo giá trị sống, giá trị người. Để đạt được ngưỡng ấy, sự thức ngộ đúng đắn như vậy không phải ai cũng làm được như người đàn bà trong thơ Phạm Thu Yến.

Trái tim dịu dàng, chân thật của một người đàn bà làm sao giấu nổi lòng mình trước những bão giông: Em có quyền gì/ Mà bước vào ngôi nhà/ Không phải để cho em/ Thể xác rã rời, tâm hồn mệt mỏi/ Khi đã vắt trái tim mình cùng kiệt/ Gặp được điều gì ở cuối những thờ ơ/ Ước vọng công danh biến lời anh/ thành thứ trò đùa/ Em tay trắng ngã ba đường hoang vắng/ Cánh cửa nhà em đã đóng/ Con đường trước em xao xác lá vàng (Xin đừng).

Thơ Phạm Thu Yến đã ký thác được nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau trong hành trình sống và trải nghiệm của bản thân mình. Hành trình đó không chỉ có ý nghĩa với bản thân chị mà nó còn là sự soi chiếu, gắn kết và mở ra nhiều chiều kích trong các mối quan hệ của cuộc sống hiện đại vốn đa diện, đa chiều như hôm nay.