Sách – người thầy, người bạn [46]:

Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm

Tôi thuộc thế hệ của Gen Y, sống hòa trong bầu không khí đa nhiệm của Gen Z và tôi biết xê dịch là một phần không thể thiếu. Tôi tin, sẽ không ít những chiếc ba lô có sách đồng hành trong mỗi chuyến đi. Có bao giờ, bạn đã từng tự hỏi rằng sách là gì đối với mình: Là bạn? Là thầy?... Sách có thể tự tin trả lời rằng: Tôi mang tất cả các dáng vẻ của các câu hỏi trên.

Trong một buổi chiều bên ly cà phê phin nhỏ giọt giữa cái lạnh, tôi có một “người bạn” mang tên Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm. Người bạn này giúp tôi phát triển những chiều sâu cho tâm thức.

Tập thơ Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm của tác giả Lâm Long Hồ có một bài đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ Haiku Việt – Nhật lần thứ 7:

Cà phê ngày Tình nhân

hai màn hình điện thoại

chiếu sáng hai mặt người

Nói về thơ Haiku tôi chỉ biết đây là một thể thơ cực ngắn, tối đa 17 âm tiết, gói gọn trong ba câu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những tác giả tài hoa chỉ làm  một câu thơ vài âm tiết đã đủ truyền tải hết cái tĩnh, khoảnh khắc, thần sắc của đất trời.

anh-bia-sach-1712019086.jpg
Bìa cuốn sách thơ Haiku

Tôi có tiếp xúc với tác giả vài lần, thấy cũng bình thường, nhưng khi đọc xong tập thơ Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm, tôi bắt gặp một cái Tôi thứ hai của tác giả rất đáng trân trọng:

“Chim ở

trong lòng

mở”

“Trong chậu thủy tinh

cá vàng không thấy

bức tường đang nhốt mình”

“Máy

học làm người

người hóa máy”

Tôi tự hỏi, có phải tôi đang sống theo kiểu trườn từ không gian nhà ở rồi trườn sang không gian làm việc một cách đều đặn, lặp lại, vô thức, cho đến khi sức khỏe tinh thần báo động. Có phải, tôi đang kiếm tiền rồi dùng chính đồng tiền đó mua thuốc cho mình. Sách thiền từng dạy tôi: Khi đứng ngoài núi ta mới thấy núi, đứng ngoài sông ta mới thấy sông và đứng ở ngoài nỗi sợ ta sẽ không còn sợ. Nhưng, bằng cách nào, tác giả nhắn nhủ rất nhẹ nhàng:

“Đèn sáng

bằng lửa

đốt tim đèn”

“Ve hát

bên

xác mình”

“Đom đóm

tự sáng

làm đèn”

Khi không thay đổi được môi trường sống thì có lẽ chúng ta phải tập thích nghi theo cách phù hợp nhất có thể. Bởi không có công việc nào ổn định cả, chỉ có năng lực giải quyết công việc và các mối quan hệ xung quanh ổn thôi. Cách tác giả băn khoăn như cách các bạn Gen Z hay đùa rằng: Nếu đã có một vết sẹo thay vì buồn thì tự vẽ lên đó một chiếc nơ cho thật đẹp. Ve hát bên xác mình, đom đóm tự sáng có thể như hoa vậy, biết nở sẽ tàn nhưng vẫn cứ nở, cứ rực rỡ trong khí tiết của đất trời. An nhiên, tường minh, lành vỡ là những trạng thái lặp đi lặp lại trong những bài thơ của tác giả.

Khi tiếp nhận nửa tập sau của Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm, tôi có cảm giác thơ bắt đầu cô đặc, nén và trang sách trên tay tôi lần giở qua trái ngày một chậm hơn. Lâm Long Hồ suy tư trước thực trạng của những đứa trẻ đầy mỏng manh, bất trắc. Với một đứa trẻ nếu được hỏi như thế nào là dũng cảm thì rất dễ để nhận được câu trả lời: Là chịu đau, là không khóc, là sẵn sàng đáp trả sự đối nghịch, là không biết sợ... Sự mỏng manh qua câu trả lời làm cho tác giả thương yêu những đứa trẻ cũng như con của mình trong từng khắc khoải:

“Cúi đầu

Cha quỳ gối

Hôn lên giấc mơ con”

Thế giới mà chúng ta đang sống nói rất nhiều về đại đồng, về nhân đạo, về nhân quyền, về bình đẳng nhưng khi xung đột lợi ích xảy ra thì bom đạn vô tình cũng bình đẳng giết đi những người hiền nhất là phụ nữ và trẻ em:

“Búp bê

nằm

bên hố bom”

Có những bức ảnh được chụp tại vùng chiến sự giây phút hai anh em ôm nhau ngủ trước các bức tường đổ nát, mất đi cả cha lẫn mẹ do bom gây ra không thôi làm người lớn phải xót xa:

“Em bé

khóc

sau mặt nạ anh hùng”

Tôi nghĩ tác giả Lâm Long Hồ, tôi và nhiều người lớn khác vô cùng may mắn khi còn cơ hội lo sợ cho con mình. Chí ít, thứ chúng ta đang đối mặt trong một xã hội hiện đại là những mặt trái của tiện ích:

“Con

nhớ máy đưa nôi

thương lời ru điện thoại”

anh-tac-gia-1712019087.jpg
Tác giả: Phan Văn Công

Hay, tác giả như đang suy tư về ký ức không gian nuôi dưỡng thuần lành, chân mộc của mình dần bị đánh mất khi những đứa trẻ bắt đầu lớn.

“Đứa trẻ học hè

ngồi sau xe

nhìn bạn chơi chong chóng”

Khép lại tập thơ Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm, tôi thấy mình như một lữ khách, thấy đời “nhẹ như mây khói”, thấy thơ ca không chỉ dừng lại ở việc nói cười cho khuây khỏa trong một thực trạng đầy hỗn tạp của nhân sinh:

“Bầy lăng quăng sinh ra

trong chén nước cúng

Phật A Di Đà”

Tôi trân quý tập thơ của Lâm Long Hồ. Qua đó, tôi muốn chia sẻ và giới đến độc giả - những ai yêu thích sẽ cùng tìm đọc.

Tác giả: Phan Văn Công

[phancong12nv@gmail.com]

Ngân Trần

Ngân Trần

21:25 12/04/2024

Mình có biết tác giả Lâm Long Hồ, người An Giang. Cám ơn tác giả đã chia sẻ.

Như Quỳnh

Như Quỳnh

21:21 12/04/2024

Mình có biết tác giả Lâm Long Hồ , người An Giang . Cám ơn tác giải đã chia sẻ .

Kỳ Đồng

Kỳ Đồng

10:58 12/04/2024

Bài viết rất hay, mang tâm trạng của người cùng hiểu và chia sẻ. Thế giới bao la, nhưng thế giới nội tâm mới rộng lớn nhất!