Lần đầu tiên trong đời, có một tác phẩm khiến tôi cẩn trọng lật từng trang, ngắm nghía và tò mò đến vậy, cảm giác tinh khôi, man mác và hồn nhiên xuất hiện. Cuốn sách được một người thầy cũ của tôi trao tặng cùng bức thư tay đích thân thầy đã viết trong lần gặp cuối cùng, thầy là một trong những người hiểu chúng tôi nhất, và đây là tác phẩm chính tay thầy chọn để chúng tôi có thể bắt gặp chính mình ở tuổi mười lăm sau mỗi lần lật lại.
Tác giả Cao Huy Thuần đã viết ở bìa: “Chuyện kể cho tuổi mười lăm và phụ huynh”, nhưng hơn thế nữa, tôi cho rằng đây là cánh cửa chào đón các tâm hồn ở mọi lứa tuổi để nghiền ngẫm những câu chuyện dí dỏm, vui tươi từ góc nhìn vô cùng hồn nhiên của tuổi trăng rằm. Những vấn đề xoay quanh việc “vừa học vừa chơi” tưởng chừng đơn giản nhưng đã cuốn ta vào những câu chuyện thực tế, gửi vào thâm tâm ta những bài học nhẹ nhàng mà đắt giá.
Dành một khoảng thời gian nhỏ trong ngày để đến với các đề tài Thương yêu sự sống, Tranh luận và tranh cãi, Nói lời hoà ái, Cãi và im lặng, Cho, Nói xấu, Tiếng đồn, Trả thù… Bạn sẽ thấy góc thuần khiết và thanh tịnh trong tâm hồn được mở rộng ra, những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật hay nghị luận luân lý từ văn chương sẽ trở thành giọt nước vun tưới mảnh đất trái tim, gieo vào đó hạt giống cốt cách làm người.
Chẳng rõ tác giả Cao Huy Thuần hiểu rõ về tâm lý tuổi mười lăm đến thế nào, mà chỉ bằng một buổi sinh hoạt cuối tuần với những đề tài quen thuộc, ông đã đưa ta đến với thế giới những câu chuyện đầy màu sắc qua góc nhìn của Sen Xanh, Sen Trắng, Sen Hồng… Những thông điệp ẩn về Phật giáo được lồng ghép một cách khéo léo như: “Những chuyện ấy chị lấy từ kinh sách của chùa, nhưng chị kể theo cách của riêng chị, nhẹ nhàng giản dị, hợp với mọi trẻ, ai nghe cũng được miễn có tâm hồn rung cảm trước cái tốt, cái đẹp”. Đến với đề tài Tranh cãi, Sen Hồng trình bày quan điểm rất hay của riêng mình: “Khi thảo luận mình nghe ý kiến của người khác. Mình nghe với thiện chí muốn học hỏi. Nếu bạn nói đúng mình nhận là đúng”. Không chỉ có những vấn đề đạo đức ứng xử, các nhân vật còn có những cung bậc cảm xúc, suy tư riêng, như Sen Búp đã bình về chuyện cổ tích “Cây cho”: “Em cảm động và em thấy buồn”, “Có phải khi thành người lớn người ta sẽ bớt trong sáng? Không còn biết vui đùa?”. Những đề tài đôi khi lại đến từ những câu hỏi vô tư mà hóc búa từ các nhân vật. Chẳng hạn câu: “người ta nói “một tâm hồn cao thượng”, có ai nói “một tâm hồn rộng lượng” đâu? Vậy thì thế nào là một tâm hồn cao thượng?” đã khiến nhiều người ngẫm nghĩ, suy tư…
Hành trình đi tìm những câu trả lời cho bản thân của tuổi mười lăm ấy vậy mà lại khiến nhiều người tìm thấy cả chính mình.
Khép trang sách cuối cùng của Nhật ký sen trắng, tôi nhận ra văn học và triết học có thể giúp con người khai sáng bản thân, thức tỉnh trí tuệ, nhận ra có những vấn đề quen thuộc trong cuộc sống mà bản thân cần học hỏi, xử sự khôn khéo hơn. Và sau cùng, giúp tôi biết rung động trước những câu chuyện hay, trước cái đẹp; bởi một con người không biết đến những cung bậc cảm xúc phong phú sẽ không thể tận hưởng hết cái đẹp của cuộc đời. Đến với Nhật ký sen trắng những tâm tư của tuổi mười lăm nồng nhiệt ấy sẽ dạy ta cách “làm người”.
Tác giả: Hoàng Thuỷ Vy Thảo
[quocdan.070367@gmail.com]