Muôn vàn câu chuyện "cười ra nước mắt" của người chọn nghề làm đẹp cho thiên hạ

Cả nhà cô dâu ngồi đợi make-up miễn phí, chưa trang điểm xong đã bị mọi người xúm lại chê bai… là một vài trong số rất nhiều nỗi niềm trong nghề được một thợ trang điểm chia sẻ.

"Dở khóc dở cười" chuyện nghề "làm dâu trăm họ".

Nghề make-up (trang điểm) có những góc khuất, nỗi niềm riêng không phải ai cũng biết. Nếu thợ trang điểm cho nghệ sỹ, người nổi tiếng phải theo đoàn đi khắp nơi, từ sáng đến tối mịt mới về đến nhà, bị nhiều người gièm pha, chịu sự cạnh tranh khốc liệt… thì những người làm nghề trang điểm cô dâu cũng nếm trải không ít tình huống "dở khóc dở cười".

Chị Nguyễn Thị Hải, 28 tuổi, quê ở Hải Dương, người có hơn 3 năm theo đuổi nghề make-up tự do mới đây đã chia sẻ lên mạng một vài câu chuyện éo le xoay quanh công việc của mình.

Theo chị Hải, dẫu biết kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng, nghề nào cũng có vất vả, nhưng chị vẫn muốn giãi bày tâm sự để mọi người có thể thông cảm hơn cho thợ make-up.

"Đâu đó khi các thợ make-up đọc bài sẽ thấy mình trong đó, kiểu gì cũng vỗ đùi đen đét bảo sao bạn này nói đúng thế.

Đây chỉ là một vài trong số vô vàn chuyện làm nghề mình gặp, mong mọi người thấu hiểu hơn về nghề làm đẹp cho thiên hạ này."

Muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt của người chọn nghề làm đẹp cho thiên hạ - Ảnh 1.

Bài viết của chị Hải nhận được hàng trăm lượt thích và chia sẻ, đa phần những người làm nghề trang điểm đều bày tỏ sự đồng cảm sau khi đọc bài viết.

Chị Nguyễn Thị Hải kể một cách hóm hỉnh: "Không nói quá khi bảo nghề trang điểm cô dâu cũng như "làm dâu trăm họ". Cái nghề mà bao cô gái yêu thích và mơ ước, cơ mà chưa bắt tay vào làm thì còn ước mơ chứ vập vào rồi mới vỡ mộng!

Ngày mà tất cả mọi người được nghỉ làm để đi chơi, du lịch, mặc quần áo đẹp đi ăn cỗ là ngày mình lao đi làm sấp mặt ra. Mọi người còn say giấc ngủ thì từ 3-4 giờ sáng đã phải thức dậy, vác cái cốp nặng hơn 10kg cộng thêm túi đồ làm tóc to vật vã để đi làm.

Bất kể sớm tối, mưa gió bão bùng...nhiệm vụ tưởng chừng như là đi giải cứu thế giới luôn, lại không được đến muộn giờ vì "Trăm năm chỉ có 1 ngày mà 1 ngày chỉ có 1 giờ..."

Có khi đi làm cô dâu xa cả 60km, đi gần 2 tiếng mới đến nơi, hỏi tìm nhà trên dưới 10 lần mới mò tới cổng, còn hơn tiếng nữa nhà trai mới qua rước dâu mà cô dâu gọi điện thoại giục như cháy nhà. Nên thường phi với tốc độ "bàn thờ", tóc tai mặt mũi bụi bẩn, bước vào cổng nhà cô dâu lúc nào cũng cố gắng nở nụ cười rạng rỡ như hoa hậu đăng quang.

Thế mà có khi đến hơi muộn chút, cô dâu nhìn thấy mình cũng không thèm chào, thậm chí còn lườm nguýt, cộng thêm quan viên hai họ vây quanh xỉa xói: "Giờ này mới thèm tới, nhà trai sang đến nơi rồi...". Nghe qua cứ tưởng không phải mình đến làm đẹp mà có mặt để phá đám cưới nhà họ không bằng.

Chưa kể khi vào làm thì phòng tối, ánh sáng không đủ, cộng thêm một đám bạn cô dâu vây quanh như kiểu thời học sinh bị kiểm tra bài tập.

Cô dâu vừa làm vừa soi gương, nói chuyện với bạn, nghe điện thoại, khiến một đứa trang điểm như mình có cảm giác như kiểu đang hát theo bản nhạc rất hay mà bị tắt phụt loa đi ấy.

Muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt của người chọn nghề làm đẹp cho thiên hạ - Ảnh 2.

Trong môi trường làm việc với điều kiện không mấy tốt thì chị Hải (bên trái) vẫn phải cố gắng trang điểm cho cô dâu thật xinh đẹp, trẻ trung nhất có thể.

Có hôm đang làm, chưa cả đánh má hồng, chưa đánh son, chỉ đang làm màu mắt mà hết bạn lại đến cô, dì, thím, mợ... của cô dâu bảo: "Sao trang điểm trông nhợt nhạt thế, sao trông kinh thế?"

Lúc làm tóc cũng thế, vừa cầm cái máy quấn được vài lọn tóc xoăn, bạn cô dâu bảo: "Lại lại làm xoăn hả chị, không có kiểu nào khác hả?".

Tức không chịu được, đã biết mình quấn xoăn tóc trước để tạo kiểu gì mà phát biểu thế không biết. Các bà, các mẹ thấy quấn tóc xoăn tít vào lọn thì bảo: "Kiểu này đẹp này, ui đẹp thế!", trong khi cháu mới quấn xoăn, chứ đây không phải làm kiểu tóc.

Đám bạn "vinasoi" của cô dâu khi nhà trai chuẩn bị tới là quay sang ngọt ngào: "Chị ơi, em mượn cái máy dập, em mượn cái máy là, thỏi son... Tí chị cạo hộ em cái lông mày, kẻ hộ em cái mắt nước nhớ!"

Còn người nhà cô dâu thì... ngồi xung quanh đợi đến lượt trang điểm (miễn phí). Mình đến để làm đẹp cho một người duy nhất là cô dâu thôi mà, có phải đi làm từ thiện đâu.

Cô dâu đã biết vậy nhưng cũng không được câu bảo với mẹ, với các bác là tự make-up đi, thợ không làm, cứ ngồi im, chắc cũng nuôi hy vọng là mình sẽ trang điểm hết cho cả họ. Trong khi trước đó khi tư vấn đặt lịch, mình đã giải thích rõ là trong gói chỉ có make-up cô dâu thôi.

Nhưng mình không nói gì thì nịnh nọt mượn đồ với ngồi bắt chuyện để tí mình trang điểm cho, chứ nếu bảo không làm kịp thì ngay lập tức thay đổi thái độ, như kiểu mình làm gì có lỗi vậy.

Có hôm mình đến một nhà trang điểm, lúc làm xong cô dâu, bạn bè khen đẹp trẻ xinh lung linh, cô dâu cười tít cả mắt, bỗng có bà bá đi qua bảo: "Sao đánh nhạt nhoà thế, cho thêm tí má hồng vào, cho môi đỏ lên..." thế là cô dâu mặt xị ra, quay sang bảo sửa thêm.

Nhưng mình có lập trường, gu riêng, chứ "chín người mười ý", không thể ai chỉ đâu sửa đó lên mặt cô dâu được."

Buồn vui của người chọn nghề làm đẹp... cho thiên hạ

Chị Nguyễn Thị Hải cho biết, theo nghề make-up xuất phát từ đam mê, nhưng lắm khi nỗi vất vả cùng những tình huống éo le đến từ khách hàng khiến chị chỉ biết "cười ra nước mắt".

Muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt của người chọn nghề làm đẹp cho thiên hạ - Ảnh 3.

Cô gái đến từ Hải Dương có sở thích make-up từ nhỏ và quyết định gắn bó lâu dài với nghề dẫu còn lắm vất vả

"Ttrước mình thích lắm nhưng chỉ makeup cho bạn bè, người thân bằng đồ cá nhân chứ gia đình không có điều kiện cho theo học trang điểm chuyên nghiệp.

Sau này ra trường, mình mới gom tiền đi học và chính thức theo nghề. Hơn 3 năm qua là bao nhiêu nỗi niềm mà bài viết trên chỉ nói được một phần nhỏ.

Nhớ có lần khách nhà xa, khó tìm, mình phải dậy từ 2-3 giờ sáng lọ mọ đội mưa phùn gió bấc tìm nhà, trời lúc đó đang mùa đông, lạnh cóng. Đến nơi tay chân tê cứng, phải ủ tay vào bụng cho ấm để lát làm cho cô dâu, mặt mày thì tím tái hết cả, do dậy sớm đi vội chỉ kịp rửa mặt qua chứ không trang điểm gì.

Thế mà không ai hỏi thăm được câu, người nhà cô dâu nhìn bằng ánh mắt soi mói, kêu là thợ trang điểm gì mà mặt mày tím tái nhợt nhạt thế kia.

Có nhà thì làm từ tờ mờ sáng đến 9-10 giờ, cả nhà ăn uống cũng không mời được một câu, lúc đó bụng đói, tay chân bủn rủn chỉ ước ai cho nắm xôi ăn để còn đi làm tiếp 2-3 đám sau.

Một kỷ niệm khó quên nữa, năm ngoái đợt rét kỷ lục, mình với chị họ sáng sớm đi xe máy tới nhà cô dâu, đường trơn mưa ướt, cả người cả xe lăn xuống bùn. Nhưng mặc kệ người, chỉ cần bảo vệ cốp đồ nghề là được.

Đến nơi vội cởi áo ấm, rửa tay chân qua là lao vào làm cho kịp giờ. Lúc về hai chị em đi chân đất, mặc đồ phong phanh phóng xe giữa đường, ai cũng nhìn như người ngoài hành tinh.

Chưa kể những chuyện vụn vặt như cô dâu sợ thợ cao su giờ nên 14 giờ nhà trai mới sang mà hẹn mình 11 giờ sang, lúc đó mặt mà cô dâu mặt tỉnh bơ, đi ăn uống, gội đầu bắt mình đợi 2 tiếng. Rồi làm xong còn trả giá, cò kè bớt một thêm hai dù đã thỏa thuận trước."

Muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt của người chọn nghề làm đẹp cho thiên hạ - Ảnh 4.

Tâm sự của chị Hải cũng là nỗi niềm mà nhiều thợ trang điểm khác từng trải qua. (Ảnh: Internet)

Chuyên gia trang điểm Nhật Trang, đến từ Hà Nội, có hơn 10 năm trong lĩnh vực hóa trang, từng có duyên trang điểm cho những người nổi tiếng, cũng chia sẻ chị phải chịu nhiều áp lực trong nghề.

"Nhiều khi mình phải thức đêm hôm hoặc theo đoàn văn công đi biểu diễn văn nghệ ở khắp mọi nơi. Không những thế, vì đi quá nhiều mà chồng giận ra mặt, con nhỏ phải nhờ cậy hết vào bà nội. Có những hôm đi làm cả tuần không nhìn thấy mặt chồng, con quên cả mẹ, cuộc sống vợ chồng có lúc cũng cơm không lành, canh không ngọt.

Nhưng không biết phải làm thế nào, trót theo nghiệp rồi chỉ mong chồng con hiểu và thông cảm cho" - Nhật Trang trải lòng mình.

Cũng như Nhật Trang, chị Nguyễn Thị Hải cho hay, chị em nào may mắn có chồng, bạn trai thông cảm mới dám theo nghề này. Tuy nhiên, phía sau góc khuất, vẫn có những niềm vui nho nhỏ khi gắn bó với nghề:

"Bài viết của mình là chia sẻ vui về những chuyện éo le đã từng trải qua, chỉ mong mọi người thông cảm hơn, chứ cũng không có ý chê bai ai hay than vãn gì.

Mình biết "nghề nào nghiệp nấy", với cả khách hàng khó tính chỉ là số ít. Đa phần đi làm vẫn được đối xử tốt, gia đình cô dâu thấy thân gái lặn lội vất vả thường giữ lại bắt ăn uống tử tế mới cho đi, đôi khi thấy mình đi xa còn cho thêm ít tiền xe cộ, thấy được động viên nhiều lắm."

Dẫu còn nhiều vất vả cùng nhiều nỗi niềm khó nói, nhưng bằng tình yêu nghề, những người thợ trang điểm như chị Hải đã, đang và sẽ gắn bó lâu dài với công việc làm đẹp cho mọi người.