Lòng vị tha sẽ mang đến sự bình an, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn!

Có một ai đó đã từng nói, hành thiện không những cần trái tim mà phải song hành với lý trí. Nếu ta luôn tự cho rằng, hành thiện chỉ là bỏ ra, cho đi, thứ chúng ta nhận lại chỉ là sự bố thí, càng về sau là sự ích kỷ cá nhân...
songkhoeplus-1622427992.jpg

Dân gian có câu: 'Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại'. 'Truy cùng diệt tận' không phải là đạo lý của người Việt, 'mở lòng hiếu sinh' mới là phẩm chất của dân tộc ta. Vị tha chính là kết tinh truyền thống lâu đời, một nét đặc thù của văn hóa Việt.

Học lịch sử, chúng ta biết Lý Thường Kiệt qua bản tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà…”. Nhưng ít ai biết, năm 1077, sau khi đánh tan quân Tống trên phòng tuyến sông Cầu, ông đã đứng ra chủ động điều đình, mở lối thoát cho địch ra về trong danh dự.

Năm 1289, sau chiến thắng Bạch Đằng, dù biết rõ mười mươi tội phản nghịch của các vị tướng lĩnh, quan lại tôn thất nhà Trần, nhưng Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông cũng đã tha thứ cho cho họ, giả như không biết (“Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên ghi chép và bình luận). Quả nhiên, sau đó, đã có người lập công lớn hòng chuộc tội.

Tương tự, sau khi đánh đại bại giặc Minh năm 1427, Lê Lợi không những chấp nhận cho Vương Thông “giảng hòa”, ông còn “mở lượng hiếu sinh”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”, cấp thuyền, ngựa, lương thảo và vật dụng cho giặc Minh rút tàn quân về nước. Điều này chắc chắn là người Việt, ai cũng biết.  

Đến năm 1428, đất nước ta sạch bóng quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi thay lời nhà vua để viết nên "Bình Ngô đại cáo". Điều làm nên giá trị của tác phẩm chính là tư tưởng nhân nghĩa truyền thống đã được Nguyễn Trãi đúc kết như một chân lí ngay trong hai câu mở đầu: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

Không chỉ có trong lịch sử xa xưa, lòng nhân ái, vị tha của người Việt còn được tiếp nối cho đến sau này trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng sáng ngời. Người dạy: “Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”.

photo-0-1495104332644-1622428797.jpg
Làm từ thiện ngoài trái tim cần có lý trí. Ảnh: T.L

Sự độ lượng vị tha với những trường hợp “lầm đường lạc lối” biết ra tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra… còn được thể hiện qua chính sách khoan hồng của luật pháp nước ta.  

Thời gian gần đây, khi mà dịch bệnh đang từng ngày rình rập, đe dọa; khi con người luôn phải sống trong sự bất an vây bủa; khi không biết đến khi nào, giờ nào thì bản thân, gia đình, hàng xóm mình bị gọi tên đi tập trung cách ly; không biết kết quả xét nghiệm của mình là âm hay dương tính; không biết khi nào thì cuộc sống trở lại bình thường... Và khi những điều đó đang làm cho cuộc sống của chúng ta thật sự buồn bã, lo lắng, ngột ngạt, bức bối, thậm chí nhiều người vì thế mà áp lực đến độ trầm cảm, thì oái oăm thay, “một cổ hai tròng”, chúng ta đang cùng lúc phải hít thở một bầu không khí ô nhiễm cùng cực khác do chính chúng ta tự tạo ra.

Đó là những âm thanh từ tiếng quát nạt, la hét, chửi rủa, đó là những gương mặt giận dữ, sắc lạnh, với ánh nhìn long lên hằn học như muốn ăn tươi nuốt sống một ai đó. Khắp các trang mạng thì sùng sục khí thế sôi nổi những cuộc tranh luận gay gắt, ẩu đả như những trận đấu võ mồm, ngập tràn những ngôn ngữ xấu xí, tục tĩu.

Trong đó nổi lên vụ việc một nghệ sĩ với số tiền cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt đã bị ông giữ quá lâu mà không trao đi một cách kịp thời. Mặc dù ông đã công khai nói rõ nguyên nhân và hứa qua đợt dịch này sẽ ra miền Trung trao tận tay và xin lỗi đồng bào. Nhưng xem ra những lời nói đó của ông vẫn bị coi là bất cập và không làm dư luận thỏa mãn. Người ta muốn ông phải “đền tội”. Tất nhiên những hành vi sai trái của ông sẽ được luật pháp công minh xét xử theo quy định. Nhưng trong khi chờ đợi đều đó xảy ra, dân tình vẫn không thôi phẫn nộ. Những lời lẽ thóa mạ, chì chiết, lên án vẫn không ngớt réo tên ông mà trút vào.

vi-tha-ko-ich-ky-0936-1622428830.jpg

Đã mấy ngày qua, trong khi không ít người chờ đợi cơn thịnh nộ đi qua, hy vọng sau khi nguôi cơn, chúng ta sẽ trở về với bản chất vốn có của người Việt: “Mở lượng hiếu sinh”, “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”, thì mới đây trên mạng xã hội xuất hiện bức tâm thư của ông Đoàn Ngọc Hải viết về sự việc của nghệ sĩ này với một góc nhìn khác.

Ông mở đầu bức tâm thư của mình: “Phật tổ đã dạy - Từ bi hỷ xả. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời có nói: Chỉ có người chết và người mới sinh ra là không có lỗi lầm”.

Mong rằng rồi mọi việc sẽ qua đi, sự tha thứ sẽ giúp cho mọi người bình tĩnh trở lại, để không đánh mất đi một phẩm chất cao quý của người Việt mình. Cũng mong rằng, người nghệ sĩ này sẽ nhận ra bản lĩnh sống của con người chính là biết nhận ra lỗi lầm, biết nhận ra và trọng ơn lòng vị tha của mọi người dành cho mình.  

Qua đây, mọi người nhận ra rằng, tất cả những gì diễn ra trên “cõi mạng” không chỉ có người lớn mà trẻ con cũng nghe thấy, cũng đọc được. Có thể chúng ta tự trấn an mình rằng: Chúng ta đang dạy cho con cái biết căm ghét và đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Điều này nghe ra thật chí lý. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng đừng quên dạy cho con bài học về lòng nhân ái vị tha. “Truy cùng diệt tận” không phải là đạo lý của người Việt. 

Bởi hơn ai hết, ở mỗi người đều có tính thiện. Một triết gia Trung Quốc từng nhận định: "Nhân chi sợ, tính bản thiện". Theo triết gia này, lương thiện vốn dĩ là bản tính của con người, chính vì sự lương thiện mà thế giới mới ngập tràn sự ấm áp, yêu thương và hy vọng. Mỗi khi gặp biến cố, hoạn nạn, con người lại tìm được hằng số chung, cùng nhịp đập. 

Nhưng thiện lương chưa đủ, hành thiện cũng cần tới trí tuệ, lý tính. Đó chính là tâm thế: "Bi - Trí - Dũng" nhà Phật...