Banh Trung Thu Windsor

Lòng nhân ái phải được tôn vinh

Ai cũng biết lòng nhân ái của con người là phẩm chất được tôn vinh ở tầm nhân loại chứ không chỉ riêng một đất nước nào.

Cách nay chưa lâu, cả xã hội cảm phục chuyện ít khi có: Anh Nguyễn Ngọc Mạnh nhanh như chớp đỡ đứa bé rơi từ tầng 12 ở một chung cư tại Hà Nội. Sau đó một thời gian, ở Tourin, Ý cũng có một nhân viên ngân hàng trên đường cùng người yêu đi mua bánh mì đã nhanh tay đỡ một bé gái rơi từ tầng 5.

Cái thiện hiện hữu như một nét văn hóa ở tầm mức cao. Nhưng cái ác cũng ngự trị khắp nơi. Chiến tranh, đua nhau tìm cách giết người vẫn diễn ra ngày càng dữ dội.

Hiện nay, lòng nhân ái của người Việt phải “giành giật” với cái ác, cái tiêu cực, như tham nhũng “tầm khủng” lan tràn cũng dữ dội không kém chiến tranh.

Hằng ngày đọc báo thấy sự “giành giật” này đủ cỡ to nhỏ. Mới nhất là một người lao đến chiếc xe gặp nạn, đập vỡ kính, vừa kéo được anh lái xe thì lửa bùng lên. Chỉ chậm chút xíu thôi, không chỉ anh lái xe bị kẹt mà cả mấy người nhảy lên cứu cũng mất mạng. Bên cạnh đó lại có tin và cả video thấy cảnh đau lòng: Lỡ va quẹt trên đường mà có kẻ dùng xương bò đập vỡ kính xe “đối phương”, lại bắt anh ta quỳ lạy giữa đường. Thật là tàn ác và bẩn thỉu.

large-image-0a368dac13-1725285385.png
Lan tỏa lòng thiện đó tới xung quanh, để nâng đỡ đời sống của người khác được tốt đẹp hơn

Chuyện nhân ái kể ra không hết. Nhân ái không chỉ bộc lộ qua những chuyện lớn lao mà nó ở trong cuộc sống hằng ngày. Hằng ngày rất cần lòng nhân ái “bền bỉ”, như việc chăm sóc cha mẹ già, nuôi nấng con cái nên người…

Có thể biến lòng nhân ái thành “đặc sản” được không? Philippines đã biến đặc tính dân tộc thành… “hàng hóa xuất khẩu”. Đó là do việc chăm sóc con người được giáo dục từ nhỏ đã giúp họ trở thành quốc gia xuất khẩu y tá, điều dưỡng viên. Lòng nhân ái, tình thương con người cùng với học vấn về y khoa trở thành kỹ năng, trở hành “chất lượng sản phẩm” nơi con người.

Đa số dân Philippines biết tiếng Anh nên họ dễ tiếp cận “giấc mơ Mỹ”. Mỗi năm họ “xuất khẩu “ tới 18.500 y tá, điều dưỡng viên, số lớn sang Mỹ.

Không chỉ có lợi thế tiếng Anh, người Philippines được cho là thân thiện nhất thế giới, lại có quan hệ gia đình rất gắn bó. Năm 2023, theo số liệu của Bộ Lao động Philippines, Philippines có tới 2,33 triệu lao động làm việc ở các nước.

Đặc tính thân thiện của người Philippines đã trở thành “kỹ năng nghề nghiệp” giúp họ kiếm sống bằng cách chăm sóc con người.

Ở TP.HCM có khu Thảo Điền - nơi sinh sống của nhiều chuyên gia nước ngoài - họ thường thuê người Philippines với lương cao để chăm sóc trẻ em, giúp việc nhà là vì vậy.

Lòng nhân ái của người Philippines dẫn tới suy nghĩ: Vì sao nước ta tràn đầy lòng nhân ái nhưng ngưởi nghèo hễ đau yếu đều rất lo lắng bởi chất lượng của ngành y tế.

Chuyện khó khăn về nguồn nhân lực và thiếu thốn cơ sở vật chất của ngành y tế ai cũng biết, nhưng câu nhận xét của một nhà báo khiến ta giật mình: Ở Việt Nam, nơi tấp nập nhất là bệnh viện”. Nhà có một người nằm viện là nơi hành lang, gầm giường bệnh, góc vườn, gốc cây đầy người thăm nuôi. Các nhà hảo tâm muốn phát cơm luôn tìm tới đó vì có “nguồn nhân lực dồi dào” đang chờ được phát chẩn

Thế nên một vị đại biểu Quốc hội nói trên nghị trường: “Nhà có người bệnh nặng thì trở thành hộ nghèo”. Khả năng chăm sóc người ốm lẽ ra là việc của ngành y tế, nhưng họ “tất nhiên không có lỗi” vì quá tải từ giường bệnh đến nhân sự. Quá tải với ngành y tế ai cũng biết, nên y tá, điều dưỡng viên giờ cũng là “nhà chuyên môn chữa bệnh”, chứ chăm sóc thì không đủ sức.

Thế là, cả nước cảm động trước lòng nhân ái cứu người của một ai đó, vì nó hy hữu. Còn việc đau lòng, nhiều chuyện đáng thương rất cần giúp đỡ nhưng vì là chuyện thường ngày, nên hãy ráng chịu. Coi như bó tay.

Trong khi đó, người Việt vẫn thất nghiệp đầy ra, tìm đường xuất khẩu lao động bằng đủ thứ nghề, đi hợp pháp không được thì tìm cách trốn, kể cả chết trong container đông lạnh vẫn cứ đi.

Đất nước nhiều lòng nhân ái nhưng không cách gì biến nó thành hiện thực trong đời sống, biến nó thành “nghề kiếm sống” như cách của Philippines. Sinh viên ra trường mơ ước nhiều thứ, trừ nghề phục vụ, chăm sóc con người, bởi bị coi là thấp kém.

Có đủ lý do để biện minh cho những điều trên. Và thực tế cuộc sống thì “chưa đủ sức” để ngăn chặn cái xấu, cái ác, để phát huy sức mạnh của lòng nhân ái…

(Nguồn: Quảng Yên/DNSG)