Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Làm từ thiện cần cái tâm trong sáng và cái đầu “lạnh”!

Người quê có câu “của cho không bằng cách cho”, tôi mừng vì ngày càng có rất nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân… cùng nhau làm từ thiện. Nhưng chuyện từ thiện theo “phong trào”, từ thiện để đánh bóng thương hiệu, thậm chí lợi dụng từ thiện trục lợi thời nay không hiếm.

Tôi sinh ra và lớn lên bên tả ngạn dòng Ngàn Sâu, một nhánh của con sông La huyền thoại. Nơi mà những “khúc hát sông quê”, “câu đợi câu chờ”… làm nức lòng người xa xứ.

Nhưng tạo hóa vốn trêu ngươi, đất văn vật ấy cũng lại là vùng rốn lũ Vũ Quang (Hà Tĩnh) nghèo nàn,thiếu thốn. Mỗi năm, người quê tôi oằn lưng gánh không biết bao nhiêu trận mưa, lũ. Lũ về, làng xóm tan hoang, ruộng đồng bạc trắng.

Người quê nghèo nhưng có tình. Cái nghĩa tình trong lúc khốn khó ví chẳng gì quý hơn. Một đợt lũ càn qua, tôi lại thấp thỏm ngóng về đất mẹ. Tôi biết, rất nhiều tấm lòng cùng dành tình cảm cho khúc ruột miền Trung yêu thương. Ở đó có Vũ Quang, quê tôi.

Biết bao đoàn từ thiện, biết bao mạnh thường quân, biết bao tấm lòng nhân ái không tiếc tiền của, bất chấp hiểm nguy tìm về tương trợ. Có những người vì lòng thiện nguyện đã mãi nằm lại trên chuyến hành trình.

Người xưa dạy “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cái đạo nghĩa “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời cha ông để lại thật đáng tự hào.

Hôm nay đọc báo, chợt nghe tin “quan thôn gom tiền cứu trợ của dân” mà lòng bối rối. Tôi là người “rốn lũ” hơn ai hết hiểu rất rõ chuyện này. Ngày tôi ở quê đã tận mắt chứng kiến mấy vị “quan thôn” thân bại danh liệt chỉ vì ăn tiền cứu trợ của dân.

Thú thật, ở làng tôi, việc đi nhận hàng cứu trợ chộn rộn chẳng khác nào đi trẩy hội. Chuyện chia chác, phân hộ nặng, nhẹ, đông nhân khẩu, ít nhân khẩu… ngẫm mà cười ra nước mắt.

Chẳng phải ngẫu nhiên người đời có câu “dân gian, quan tham”. Bà con cứ nghĩ tiền cứu trợ từ trên trời rơi xuống nên làm sao vơ được về nhà càng nhiều càng tốt. Làm cán bộ thôn để giải quyết thỏa đáng việc phân chia quả không dễ. Tất nhiên, cũng có nhiều vị quan chỉ biết mãi vơ vào rồi thành tội nhân thiên cổ.

Để biến việc nhận tiền, quà cứu trợ thành trò “đấu tố” lỗi trước thuộc về quản lý. Lỗi sau do dân thấy lợi quên nghĩa, vì vài bộ quần áo, vài gói mì mất tình xóm giềng. Cái việc “quan thôn lấy lại tiền cứu hộ từ dân sau khi đoàn từ thiện đi” nghe qua tưởng là chuyện lỗi đạo, nhưng thực ẩn tình trong đó hoàn toàn có thể cảm thông.

Có một điều chắc chắn, đoàn từ thiện khi về quê chẳng biết được nhà nào thiệt hại hơn nhà nào. Thượng sách nhất là đoàn đó phải thông qua chính quyền để cùng bàn bạc phân chia gói cứu trợ hợp lý.

Ngặt nỗi, nhiều trường hợp đoàn từ thiện đi theo cảm tính. Có nhà tới 4-5 đoàn vào, lại có nhà dài cổ trông ngóng. Chưa kể, có khi thôn, xã này hết đoàn này lại đoàn khác đến, trong khi đó có thôn, xã đầy khó khăn, dân dài cổ ngóng đợi mà không có đoàn cứu trợ nào vào. Cái sự tạm gọi là “không công bằng ấy” hẳn cần lưu tâm.

Như chuyện xảy ra ở Quảng Bình, dân nhiều xã đang “lu loa” vì bị cán bộ đến thu tiền nhà hảo tâm tài trợ tận tay. Thu như thế cán bộ rõ sai. Nhưng tại sao chẳng ai chịu nhìn nhận mục đích, động cơ những việc làm của họ. Biết đâu cũng như câu chuyện của tôi ở trên vì muốn có “công bằng”...

Người quê có câu “của cho không bằng cách cho”, tôi mừng vì ngày càng có rất nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân… cùng nhau làm từ thiện. Nhưng chuyện từ thiện theo “phong trào”, từ thiện để đánh bóng thương hiệu, thậm chí lợi dụng từ thiện trục lợi thời nay không hiếm.

Câu chuyện từ thiện không đúng cách dường như tôi thấy tất cả đều có cái sai. Từ dân, đến quan, đến nhà từ thiện, đến truyền thông. Thế mới thấy, làm từ thiện không chỉ cần có một cái tâm trong sáng mà cần phải có thêm một cái đầu “lạnh” nữa. Bởi sứ mệnh của người làm từ thiện ngoài việc hướng đến đồng bào hoạn nạn còn có trách nhiệm với chính những tấm lòng đã tin tưởng mình.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả