Sách – người thầy, người bạn [20]:

Liều thuốc quý từ trang sách

Từng trang, từng chương, từng câu chữ trong Niềm tin chiến thắng đã đưa người đọc từ chỗ thương hại rồi đồng cảm, sau hết là kính phục và trân trọng chính tác giả.

Cuộc đời tôi đã đi qua rất nhiều thăng trầm và biến cố. Có những cơn sóng nhỏ nhưng cũng có những đợt sóng ngầm tưởng như đôi lúc đã nhấn chìm cả con thuyền “số phận”. Năm 2008 nỗi buồn mất đi người chị gái sau 13 năm chống chọi với căn bệnh ung thư vú chưa nguôi thì đến 2010 vợ tôi cũng bị mắc bệnh nan y. Nỗi đau trước chưa nguôi thì nỗi buồn sau đã ập tới cũng kinh hoàng không kém. Ngoài cách tích cực đưa bà xã đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, tôi còn tìm những liệu pháp tinh thần mong để xoa dịu nỗi đau cho vợ và những người thân trong gia đình.

Còn nhớ, tôi thường mượn mấy đĩa CD ca nhạc về mở như một cách điều chỉnh tinh thần khi người bệnh đang sắp gục ngã và muốn đầu hàng cho số phận. Vốn là giáo viên nên nhà tôi không thiếu các loại sách báo. Thư viện gia đình tuy nhỏ nhưng có đến vài trăm đầu sách, chủ yếu là sách để phục vụ cho công việc giảng dạy và giải trí. Đó cũng là thời điểm các cuốn sách Hạt giống tâm hồn được đọc nhiều, với hy vọng làm xoa đi nỗi bi lụy để hướng về những điều tích cực nhất có thể.

355469878-190319540336809-7783131506984813545-n-1710931385.jpg
Tác giả Phan Ngọc Quang

Còn nhớ, thế hệ thanh thiếu niên chúng tôi trước đây đã vượt qua được nhiều thử thách là nhờ bàn tay dìu dắt của cha mẹ, thầy cô. Bên cạnh đó, còn có sự nâng đỡ của các tác phẩm văn học, giúp nuôi dưỡng ý chí và nghị lực. Chẳng hạn, cuốn tự truyện Tôi đi học của Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ của Quang Huy.  Không ít tác phẩm như: Thép đã tôi thế đấy của N.A. Ostrovsky (Nga), Cuộc sống không giới hạn của Nicsk Vujicic (Úc)... cũng là sách gối đầu giường. Những cuốn sách này thực sự đã truyền lửa, tiếp thêm niềm tin, làm bừng tỉnh cho thế hệ trẻ chúng tôi nhiều điều.  

Như một cơ duyên, trong một lần đưa vợ đi tái khám ở Bệnh viện Ung bướu, sau khi khám xong cho vợ, tôi đi dạo đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1; thật tình cờ tôi đã bắt gặp cuốn Niềm tin chiến thắng và tôi đã mua ngay. Về nhà ngấu nghiến đọc trong 2 ngày liền và nhận ra có nhiều điều thú vị.

Niềm tin chiến thắng gây ấn tượng với người xem bởi tác giả là người mang trong mình 2 căn bệnh ung thư. Cuốn sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2016, dày hơn 230 trang - là một cuốn tự truyện của tác giả Nguyễn Thị Kim Thư. Có thể ít người để ý, vì Kim Thư không phải là cây bút chuyên nghiệp, cũng không phải nổi tiếng trên văn đàn; đề tài cũng không có gì mới lạ nhưng chính những câu chuyện kể trong thời gian đấu tranh chống lại căn bệnh quái ác lại đem đến cho người đọc những cảm xúc đặc biệt. Vì là người viết không chuyên nên ngôn ngữ không được trau chuốt, bố cục đơn giản, nghĩ sao viết vậy. Nhưng chính điều này lại gây sự chú ý đến bạn đọc.

Ở phần đầu tưởng như người đọc cũng cảm nhận được nỗi đau thể xác và nhất là nỗi đau tinh thần của người bệnh vì đôi khi đã muốn buông tay để đầu hàng với số phận. Đó là chuyện đã có thực ở ngoài đời khi con người mất hết niềm tin vào cuộc sống phía trước. Thế nhưng càng đọc, chúng ta càng thấy được từ trong ngõ cụt đó chị đã dần dần vượt qua tất cả mọi cửa ải để trước hết chiến thắng được chính bản thân mình. Phải biết nuôi dưỡng niềm tin dù chỉ là một đốm sáng nhỏ nhoi để kiên trì điều trị, dù tàn hơi kiệt sức...  Nghĩ thì đơn giản nhưng để vượt qua điều đó không hề dễ chút nào. Từng trang, từng chương, từng câu chữ trong  Niềm tin chiến thắng đã đưa người đọc từ chỗ thương hại rồi đồng cảm, sau hết là kính phục và trân trọng chính tác giả.

Vậy đâu là liều thuốc để Kim Thư vượt qua tất cả? Ngoài sự cứu chữa tận tình của tập thể y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, sự quan tâm, động viên từ những người thân trong gia đình. Bản thân Kim Thư cũng đã thật sự nỗ lực vượt lên chính mình bằng niềm tin và sự lạc quan... Câu chuyện xúc động khi người cha ghi âm lời căn dặn của mình trước khi mất vì ung thư đã giúp chị mò mẫm tìm con đường tự tháo gỡ. Ngay ở chương đầu, mục Thư ơi đừng tuyệt vọng, tác giả đã biết chân giá trị của những sản phẩm văn hóa nghệ thuật như hạt giống đẹp gieo xuống mảnh vườn tâm hồn mà bài hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một lời ru vỗ về, an ủi.

anh-1710931388.png
Bìa cuốn sách Niềm tin chiến thắng

Có thể nói, cuốn sách Niềm tin chiến thắng đẹp như chiếc cầu vồng rực rỡ sau mưa mà 7 chương là 7 màu hy vọng. Mỗi chương còn mở ra cánh cửa cho các bài học về đối nhân xử thế, về tình người lúc hoạn nạn, về sự chia sẻ của cả cộng đồng, về cách truyền năng lượng cho người đồng cảnh ngộ. Và cũng từ những bài báo, chương trình thời sự, phim tài liệu của các Đài truyền hình về cuộc đời chị và những mảnh đời bất hạnh khác đã trở thành niềm tin để cho nhân vật vịn vào đứng dậy vững vàng hơn.

Vợ tôi đã đọc hết cuốn sách đó, và cũng dần tự tin, lạc quan hơn trước bệnh tình của chính mình.

Cách đây 2 năm tôi đi khám bất ngờ có kết quả chỉ số bạch cầu tăng bất thường, điều đó có nghĩa lưỡi hái thần chết cũng đang đợi sẵn trước mặt. Nhưng mỗi lần nhớ tới cuốn Niềm tin chiến thắng, tôi lại không ngã quỵ và tự hứa mình hãy đi theo con đường mà chị Kim Thư đã gian khó vượt qua.

Với bản thân tôi, mỗi cuốn sách giống như người thầy, người bạn để mỗi người học hỏi, hành động cho đúng, cho hay, cho phải đạo. Vì thế, phải yêu thương, nâng niu, trò chuyện cùng với những cuốn sách hay như chúng ta yêu chính bản thân mình!

Tác giả: Phan Ngọc Quang

[phanngocquang457@gmail.com]