Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách – người thầy, người bạn [47]:

Lắng lòng với ‘Bình yên từ phía quê nhà’

Bình yên từ phía quê nhà là tập sách mới nhất của nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa. Tôi đọc một cách say mê, bởi tôi tìm thấy trong từng câu chữ là tình cảm, là tấm lòng, là những gì sâu thẳm nhất đối với con người thời hiện đại. Đọc tập sách, tôi có dịp lắng lòng mình để cảm nhận và đối sánh với những xô bồ của cuộc sống hiện tại.

Bình yên từ phía quê nhà với 16 bài, bài nào cũng để lại cho tôi những ấn tượng. Bởi ở đó, bạn đọc sẽ nhận ra nhiều bức thông điệp, những hình ảnh, ký ức đẹp về một miền quê thanh bình. Nơi đó thân thương, nghĩa tình, ấm áp của tình thân, tình người. Nơi đó với bao nét văn hóa đời thường, những việc diễn ra thường nhật... nhưng qua cách anh phản ánh tất cả đều hiện lên sống động, có hồn.  Đó còn là lời nhắc nhớ phải luôn hướng về những giá trị tốt đẹp mang tính lâu bền, vĩnh cửu. Nhớ về cái khổ nghèo đã qua, trân trọng với những gì xưa cũ đó chính là cách để mỗi chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn mình và sống nhân văn hơn, có ý nghĩa hơn trước bao biến động của thời cuộc.

2-1712019580.jpg
Bìa sách "Bình yên từ phía quê nhà"

Ngay bài mở đầu Ngôi nhà gỗ và những ban mai bình yên, tác giả đưa người đọc về một không gian sống bình yên, thâm trầm và đáng yêu đến lạ kỳ. Có lẽ, đây là không gian lý tưởng cho những ai đã mỏi mệt ở chốn thị thành, chỉ cần đọc qua, sẽ hiển hiện đầy đủ những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, ấm áp thuở nào. Một miền quê nghèo nhưng nhìn đâu cũng có những điều hay, hình ảnh nào cũng gợi nhớ một thời gian truân khó nhọc đã qua. Để rồi, cho đến hôm nay, những đứa con xa quê khi đọc được những trang văn của anh, chắc chắc họ sẽ trào dâng lên những nỗi rưng rưng thương nhớ.

Đọc Những phong thư cũ, bạn đọc chắc sẽ sống lại và hình dung ra một thời đáng nhớ, lúc ấy những bức thư viết gửi cho nhau quý đến nhường nào. Cảm giác đợi chờ khi nhận những phong thư gửi cho nhau, niềm vui vỡ òa khi đọc được những thông tin mà người thân gửi... Tất cả giờ chỉ còn trong ký ức.

Những món ăn, nhất là món cháo nhái được má nấu, những mẻ bánh tráng má làm,  món bánh in được ba chuẩn bị từ những ngày sau Rằm tháng Chạp; hay hình ảnh người cha, người ông và con cháu phơi sách vào những ngày cuối năm; cha tỉ mẩn gieo hạt, chăm bón để hoa vạn thọ kịp Tết... cũng được Nguyễn Văn Hòa nhắc đến bằng sự kính yêu lẫn sự trân trọng. Ở đó, hiện lên một gia đình thuần nông, ở một vùng quê nghèo khó nhưng sống tình cảm, đầy sự chắt chiu, luôn quan tâm và sống có trách nhiệm với các thế hệ con cháu.

Đọc Bên hiên nhà thơm hương giấy hẩm càng thêm ấn tượng và trân quý truyền thống gia đình. Ở thời buổi này mà còn có gia đình biết quý trọng sách, yêu sách; giáo dục các thế hệ con cháu trong nhà biết yêu quý, nâng niu từng trang sách, phơi sách vào dịp cuối năm để bảo quản sách... thì có lẽ rất hiếm; đó là một gia đình có truyền thống văn hóa, giáo dục con cháu rất rất đặc biệt, cần phải được nhân rộng và tôn vinh. Cách giáo dục con cháu đọc sách ngay từ nhỏ, cộng với những lời chỉ dạy chân tình từ ông, cha được Nguyễn Văn Hòa chia sẻ trong bài thật cảm động.

“... Ngày nội còn sống, ông căn dặn con cháu phải biết đọc sách, quý sách. Ông bảo muốn nên người thì phải học và đọc sách. Sách là kho tàng kiến thức quý báu của nhân loại. Đời ông, vì hoàn cảnh gia đình và chiến tranh loạn lạc nên ông không được học hành bài bản, do vậy sách chính là người thầy đã khai sáng cho ông. Nội dạy chúng tôi nhiều điều hay lẽ phải từ sách, ông rèn cho anh em chúng tôi đọc sách từ nhỏ và trở thành thói quen từ thời tiểu học... Cuối năm, dù có bận việc gì đi chăng nữa cũng đều phải đem sách ra hong lại. Việc làm này đã trở thành truyền thống của gia đình bởi đó là cách để bảo quản những cuốn sách sau một thời gian dài bị bụi, ẩm mốc. Hong sách để thể hiện sự trân trọng với các bậc tiền nhân, hong sách là cách để giáo dục con cháu phải biết quý trọng, biết tích lũy kiến thức, biết gìn giữ và phát huy nét văn hóa đẹp của cha ông - văn hóa đọc. Bởi ngày nay, với công nghệ hiện đại chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể có nhiều thứ nhưng vẫn không thể nào thay thế cho việc đọc sách”.

4-1712019626.jpg
Tác giả: Trần Anh Thư

Nguyễn Văn Hòa vốn là một thầy giáo tâm huyết và có trách nhiệm với nghề. Với hơn 20 năm đứng lớp đã để lại cho anh những buồn vui, trăn trở với nghề. Đọc hết bài: Văn hóa “quà cáp” ngày càng mất đi vẻ đẹp và sự thiêng liêng của nghề dạy học, chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn từ góc nhìn và tiếng nói của người trong cuộc về tình hình giáo dục nước nhà trong bối cảnh hiện nay...

Bình yên từ phía quê nhà của nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa là tập tản văn đáng để đọc. Tập sách nhỏ nhưng lại mang nhiều thông điệp, khơi gợi và nhắc nhớ mỗi chúng ta về những điều tưởng chừng như đơn giản, xưa cũ, bình thường... nhưng chính những điều đó mới là cái cốt lõi để hướng con người ta sống có nghĩa tình hơn, nhân văn, nhân ái hơn...

Tác giả: Trần Anh Thư

[thuminyoongibts@gmail.com]

Lê Minh Giang

Lê Minh Giang

22:22 04/04/2024

Tôi đã đọc quyển tản văn này và cảm thấy một lòng quê tha thiết từ tác giả, một điều đáng trân quý vô cùng !

MThuy

MThuy

18:19 03/04/2024

Bài viết thật khiến mình cảm thấy trái tim mình như được lắng lại, cảm ơn tác giả

Lê Nguyễn Tường Vi

Lê Nguyễn Tường Vi

18:19 03/04/2024

Sau khi đọc bài viết này cảm thấy quê hương, con người và cả tác giả rất tuyệt vời và sâu sắc khiến tôi thấy yêu quê hương mình hơn. Cảm ơn tác giả đã cho tôi những cảm xúc hạnh phúc này.