Hầu hết mọi người đều đã nghe nói về người Celt - những dân tộc cổ xưa sống ở Anh, Ireland, Scotland và Pháp ngày nay. Người Celt coi thế giới như biểu tượng của một thời đại đã qua, một thế giới bị hủy diệt bởi tham vọng của đế chế và sự truyền bá của Cơ đốc giáo khắp Tây Âu. Bất chấp ảnh hưởng văn hóa và văn học lan rộng của người Celt, điều đáng kinh ngạc là rất ít người biết đến lối sống và tín ngưỡng của họ, bởi vì có rất ít ghi chép. Trong cuốn sách này, lần đầu tiên Philip Freeman tập hợp những câu chuyện hay nhất về thần thoại Celtic. Trong những câu chuyện này, một thế giới bí ẩn và vô hình của các vị thần và linh hồn tồn tại bên cạnh và đôi khi xâm nhập vào thế giới con người của chúng ta, các nữ chiến binh chiến đấu với các vị vua và anh hùng.
Tôi chưa bao giờ đọc về Thần thoại Celtic trước đây, đa phần chỉ đọc về Thần thoại Hy Lạp. Tuy vậy, khi đọc Thần thoại Celt, tôi dường như nhận ra mình đã bỏ sót đi một kho truyện thần thoại đồ sộ của nhân loại. Đây là một bộ sưu tập thần thoại được trình bày tốt, bao trùm nhiều giai đoạn và bối cảnh kỳ ảo khác nhau. Tác giả đã đóng khung những câu chuyện rất tốt khi đưa ra một số bối cảnh lịch sử. Những câu chuyện thần thoại của người Celt cổ đại rất đa dạng, tràn ngập tình yêu, cái đẹp và mang những chủ đề sâu sắc nên vẫn còn phù hợp với thời đại của chúng ta ngày nay. Một số câu chuyện trong số này cũng mang tính chất xa lạ, một số thì mang tính phổ thông và được biết đến rộng rãi hơn.
Nghệ thuật, âm nhạc và những câu chuyện Celtic dường như đều mang đến những bản hòa ca về một thực tế ở thế giới khác, những sôi sục về trải nghiệm và tham gia vào nền văn hóa Celtic. Cuốn sách sẽ được đánh giá cao hơn nếu tác giả đầu tư nhiều hơn vào nghệ thuật kể chuyện vì ngôn ngữ trong quyển sách đang theo phong cách truyền tải những điểm chính của cốt truyện. Nếu những câu chuyện được kể bằng thơ thì sẽ còn lãng mạn và kỳ vĩ hơn nữa bởi tầm vóc của cốt truyện rất lớn, rất vĩ đại. Điều này giống như tham gia một lớp học thần thoại với những lãng mạn của cái tôi trữ tình vậy. Tuy vậy, nội dung của quyển sách cũng giúp chúng ta đủ đắm chìm có thể nhìn thấy những huyền thoại.
Thần thoại Celt là loại sách bạn có thể đọc cho bọn trẻ khi chuẩn bị vào giấc ngủ hoặc muốn khơi dậy sự hào hứng của trẻ nhỏ với thần thoại hoặc lịch sử.
Khép quyển sách lại, tôi có cảm giác như mình sẽ thỉnh thoảng mở quyển sách ra để đọc lại một hoặc hai câu chuyện để tái hiện cuộc hành trình say đắm vào tín ngưỡng cổ xưa của người Celtic. Thật vui khi được đọc một tuyển tập những huyền thoại hiếm gặp, khác với các loại thần thoại mà bản thân đã được đọc trước đó. Rõ ràng, tác giả Freeman đã hết sức cẩn thận trong việc trình bày tác phẩm của mình một cách trung thực nhất có thể, không bị hoen ố bởi sự phiến diện hay cảm xúc của một cá nhân ở thời hiện đại. Nếu bạn đang tìm những câu chuyện hấp dẫn trước khi đi ngủ giống như Thần thoại Bắc Âu của Neil Gaiman thì quyển sách này cũng sẽ là một thay thế tuyệt hảo, dù nội dung thần thoại có sự khác biệt rõ rệt.
Sau khi đọc cuốn sách này, tôi nhớ đến những cuốn sách lịch sử khác mà tôi đã đọc và tôi nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống đã tàn khốc như thế nào đối với một số người. Những câu chuyện thần thoại cho thấy những con người phải đối diện với những khốc liệt trong trận chiến, với một số nghi thức xã hội phức tạp. Bạn sẽ cần phát triển một chút trí tưởng tượng để kết nối câu chuyện với cảm xúc của riêng bạn. Mỗi câu chuyện trong Thần thoại Celt có thể dễ dàng tạo thành cả một bộ tiểu thuyết dài với đủ thứ tình cảm nông sâu khác lạ. Freeman đã đưa vào nhiều câu chuyện với các tính chất hài hước, nhẹ nhàng đến những câu chuyện có bối cảnh đầy đen tối, ám ảnh. Chính điều này đã đem đến một bộ sưu tập đa dạng màu sắc, đa dạng cảm xúc và khác biệt. Tôi thật sự thích quyển sách này vì đã giúp tôi có thêm niềm cảm hứng về việc tìm hiểu sử thi, thần thoại của các quốc gia trên thế giới. Đâu đó, tôi cảm giác như mình lại trở về thời thơ ấu, được sống trong những khung cảnh mơ mộng, đầy phép màu của những vị thần quyền lực hoặc những chiến binh oai hùng, uy dũng.
Tác giả: Trần Nguyễn Phước Thông
[trannguyenphuocthong@gmail.com]