Một trong những suy nghĩ cảm quan ở đa phần đa chúng ta là việc tâm niệm rằng thước đo hạnh phúc sẽ giảm dần từ sau giai đoạn tuổi trẻ, chạm đáy và bế tắc khi đến ngưỡng 40, rồi tăng trở lại khi đạt mốc 50.
Suy nghĩ đó không sai, nhưng mấy ai tự vắt tay lên trán để ngẫm xem tại sao việc có được hạnh phúc lại trở nên khó khăn hơn với U40? Sự bất ổn này đến từ đâu và quan trọng nhất là bao giờ nó sẽ chấm dứt?
Cuốn sách Đường cong hạnh phúc của Jonathan Rauch lý giải cho điều này. Tuy nhiên, vượt xa khỏi khuôn khổ lứa tuổi trung niên, sách của ông còn phù hợp với người đọc từ độ tuổi chập chững bước vào đời đến những người đã “xế bóng về chiều”.
Sách Đường cong hạnh phúc. Ảnh: Huế Trần. |
Tổng quan về hành trình cuộc sống
Cuốn sách được viết sau khi tác giả hoàn thành chuỗi phỏng vấn đến nhiều người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, từ có địa vị danh giá đến không, ở các ngành nghề khác nhau. Những chia sẻ về hành trình cuộc sống của họ góp phần làm nên diện mạo “đồ thị” đường cong hạnh phúc.
Mỗi chương của cuốn sách như một bài luận nhỏ tương đối độc lập, nhưng cùng hướng về một đích là trục tọa độ mang tên hạnh phúc.
Jonathan Rauch bắt đầu từ việc phân tích bộ tranh minh họa The Voyage of Life được vẽ năm 1842 của người họa sĩ nổi tiếng đi theo chủ nghĩa lãng mạn Thomas Cole. Dễ dàng nhận ra sự tinh tế trong việc đưa bộ tranh vào cuốn sách này. Bốn bức họa của Thomas đại diện cho bốn giai đoạn trong cuộc đời của con người: Thời thơ ấu, thanh xuân, trung niên và tuổi già. Đó cũng chính là những cột mốc thời gian mà tác giả sẽ đề cập xuyên suốt 10 chương.
Từ sự khác biệt trong các bức họa, Jonathan Rauch dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu về thế giới của mình, của những người bạn, hay đơn giản là câu chuyện của những nhân vật anh từng phỏng vấn, để từ đó cùng chiêm nghiệm một quy luật cuộc sống: Đồ thị thể hiện hạnh phúc của con người thay đổi theo tuổi tác.
Tuy nhiên, chiêm nghiệm đó không chỉ mang tính phỏng đoán, càng không mang tính ỷ vào số đông, tác giả đưa ra những con số biết nói, những câu chuyện sâu sắc chạm tới đáy lòng người đọc, để rồi sau đó vẽ nên chuyển động quỹ đạo cuộc sống.
Tác giả Jonathan Rauch. Ảnh: FBNV. |
Tìm lại hạnh phúc ở tuổi trung niên
Nếu như ngưỡng tứ tuần là dấu mốc được đa số đánh giá chung bằng cụm từ “bất ổn” và “rối loạn”, từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu kì cựu của Viện Brookings, Washington, D.C, Jonathan Rauch lại nhận định ở giai đoạn này chúng ta sẽ nhận được những giá trị mới, thậm chí có thể lập trình lại bộ não của mình để hồi sinh thêm lần nữa.
Bằng lý lẽ và lập luận sắc bén, một mặt ông phủ nhận sự khủng hoảng tuổi trung niên, mặt khác tiết lộ rằng sự tăm tối ở độ tuổi U40 là một giai đoạn hết sức tự nhiên và thiết yếu của cuộc đời.
Tương tự việc từ 20 tuổi đến trước 40, hạnh phúc đi theo quỹ đạo đường cong hình chữ U, suy giảm từ lạc quan của tuổi trẻ thành những trì trệ ở tuổi trung niên.
Cuốn sách giúp độc giả thay đổi cuộc đời mình nhờ vào những lời tư vấn của tác giả. Theo ông, thay vì dành ưu tiên cho những cạnh tranh trong công việc hay xô bồ trong cuộc sống, thì chúng ta hãy hướng bản thân tới lòng trắc ẩn và biết ơn, để có thể sở hữu những năm tháng hạnh phúc sau này một cách đầy tích cực.
Nếu như ví ngưỡng cửa tuổi trung niên là rừng cây tăm tối, lớp lang xen kẽ, thì cuốn sách Đường cong hạnh phúc chính là hướng dẫn viên giúp chúng ta tìm thấy con đường xuyên qua những tán lá cây.