Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Sách – người thầy, người bạn [28]:

Học cách chấp nhận - khó hay dễ?

“Nhà mình là nghèo vui vẻ. Với lại có phải gần đây mới nghèo đâu. Cứ tự tin lên. Nhà mình nghèo truyền kiếp rồi.” - trích trong Người bà tài giỏi vùng Saga của Yoshichi Shimada

“Chấp nhận” là hai từ mà vài năm gần đây tôi được nghe khá nhiều. Đâu đâu cũng nói chúng ta cần học cách chấp nhận sự thật, chấp nhận khó khăn, chấp nhận nỗi đau, chấp nhận hiện tại… mới có thể vượt qua nó. Thế nhưng làm sao để chấp nhận, mất bao lâu để chấp nhận lại phụ thuộc vào hành trình giác ngộ của mỗi người. Vậy “giác ngộ” có thực sự cao siêu đến thế? Qua cuốn sách Người bà tài giỏi vùng Saga, Yoshichi Shimada nhẹ nhàng gửi tới độc giả bài học về sự “giác ngộ" qua những câu chuyện đời thường, giản dị của hai bà cháu.

anh-cuon-sach-1711331228.jpg
Bìa  sách "Người bà tài giỏi vùng Saga"

Phật giảng giác ngộ có được nhờ sự chiêm nghiệm cá nhân. Chúng ta chỉ đạt trạng thái giác ngộ khi đã hiểu rõ ràng, đúng đắn bản ngã và thế giới xung quanh, đã nhận thức được tận cùng bản thể của vạn vật. Do đó khi không còn chấp thủ, hoài nghi, ta mới đạt đến sự giác ngộ. Vậy bản chất của giác ngộ chẳng phải là sự chấp nhận mọi thứ như vốn dĩ của nó hay sao?

Từ nhỏ, tôi được sống trong đủ đầy nhờ sự lao động vất vả của cha mẹ. Thế nhưng, tôi lại luôn cảm thấy tự ti vì nhà mình nghèo hơn các bạn, mẹ chỉ là tạp vụ ở trường, bố mất một bàn tay. Sau khi tan học, các bạn được về nhà chơi còn tôi phải ở lại trường phụ mẹ quét dọn. Mấy tháng hè, các bạn được đi biển nghỉ mát còn tôi phải ra đồng gặt lúa, phải ở nhà phơi thóc. Hai chị tôi phải nấu cám cho heo ăn, phải lấy phân đi bón ruộng. Dù rất thương mẹ nhưng cảm giác tự ti cứ bám chặt lấy tôi và biến thành khát khao sau này phải thật giàu có.

Chính bởi tôi luôn sống bằng khao khát ấy nên đã không nhận ra mình quá may mắn mà biết ơn hiện tại. Đọc câu chuyện tuổi thơ những năm Yoshichi Shimada sống một mình cùng bà ngoại ở vùng Saga hẻo lánh, tôi đã liên tục mỉm cười. Không phải cười vì đó là những câu chuyện hài mà cười vì tôi thấy mình cũng hạnh phúc. Người bà ấy không giàu, phải nói là vô cùng nghèo khó. Người bà ấy không giỏi, bà chỉ làm lao công ở trường học. Hoàn cảnh của Yoshichi Shimada khi ấy vô cùng đáng thương: bố mất khi tác giả còn trong bụng mẹ, 6 tuổi bị mẹ “đẩy" lên chuyến tàu về quê sống với người bà chưa từng gặp. Có những ngày đông rét buốt, nhà không còn gì để ăn, Yoshichi Shimada không ngủ được vì đói. Bà bình thản đáp: “do cháu tưởng tượng thôi.” Cuộc sống thiếu thốn là vậy, thế nhưng, xuyên suốt cuốn sách, tác giả khiến người đọc không cảm thấy những gì xảy ra với mình là bi kịch. Bởi ông được lớn lên bên cạnh một người bà đã hoàn toàn “giác ngộ”.

Có lẽ, vì bà đã trải qua những ngày tháng khổ đến cùng cực (chồng chết, một mình nuôi bảy người con) nên bà quen với cái nghèo đến nỗi hiển nhiên chấp nhận nó. Bất cứ biến cố nào xuất hiện, bà cũng đối diện một cách bình thản đến lạnh lùng chưa một lần than thở. Ngày đầu tiên cháu trai phải vượt một chặng đường dài về quê, bỡ ngỡ, buồn rầu, nhớ mẹ. Bà chẳng hề an ủi dù chỉ một chút mà vội dạy cháu cách nhóm lửa thổi cơm. Bởi bà biết rằng nếu không dạy ngay bây giờ, sáng mai cháu bà ở nhà sẽ không có gì ăn.

anh-tac-gia-chup-cung-sach-1711331229.jpg
Tác giả bên cuốn sách "Người bà tài giỏi vùng Saga"

Tuần trước, tôi nhận được điện thoại của chị gái thông báo kết quả khám bệnh của bố. Vì có khối u trong phổi nên bác sĩ yêu cầu bố phải nhập viện để kiểm tra chi tiết nhằm có hướng điều trị phù hợp. Từ phương xa nhận được tin xấu, trong khoảnh khắc ấy nước mắt tôi cứ ào ào tuôn ra, dù tôi đã cố nén lại trong lồng ngực. Rồi tôi nhớ tới lời của người bà vùng Saga: “Dự đám tang chớ nên buồn. Hãy coi như khi đúng thời điểm, chuyện gì tới sẽ tới”.  Tôi biết mình khó lòng bình thản đến thế nếu có chuyện không may xảy ra nhưng khi nghĩ bản thân là bà, tôi đã thấy tâm mình thông suốt và nhận ra việc bố bị căn bệnh này, vào thời điểm này chưa hẳn đã là điều tồi tệ nhất. Dù gì bố cũng ở vào tuổi 70,  phát hiện bệnh tình sớm và bố vẫn còn đi lại tốt... Tôi chợt thấy gia đình mình vẫn còn may mắn vì bệnh tình của bố ở giai đoạn đầu. Nhờ thế sẽ có phương pháp và cách thức điều trị để kéo dài sự sống. Ngoài chấp nhận hiện tại để đối diện với nó thì chúng tôi có thể làm gì nữa? Tôi tự nói với chính mình và gia đình như vậy. Thay vì lo lắng những gì chưa tới thì chúng ta nên trân trọng hiện tại, dành thật nhiều thời gian bên nhau và bên bố.      

Bản thân tôi vô cùng biết ơn người bà vùng Saga. Hình ảnh bà hiện lên sinh động qua những con chữ khiến tôi cảm giác như được sống cùng bà và được bà dạy cách chấp nhận, bình tĩnh khi đối diện với khó khăn. Bởi khó khăn ai mà chẳng có, khác chăng là tâm thế của ta khi đối mặt?

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngọc

[ngoc90ueb@gmail.com]

Chang hoang mang

Chang hoang mang

19:30 26/03/2024

Sẽ tìm mua quyển này đọc. Cám ơn tác giả.

Dang Nhung

Dang Nhung

19:20 26/03/2024

Mình sẽ mua sách này về đọc. Cảm ơn vì lời giới thiệu ý nghĩa của tác giả.

Trang

Trang

19:00 26/03/2024

Nhờ bài viết này mới biết đến quyển sách Người bà tài giỏi vùng Saga. câu chuyện tưởng buồn nhưng thật sự không buồn nếu ta nhìn trực diện và chấp nhận nó vốn là.