Hiểu đúng về ung thư để tránh hoang mang

Chúng ta từng nghe về ung thư qua tin tức, qua lời kể của người thân, bạn bè hay thậm chí đang đối mặt với nó. Sách "Lịch sử ung thư" mang tới hiểu biết về căn bệnh này.
hieu dung ve ung thu anh 1

Sách Lịch sử ung thư của Sidhartha Mukherjee. Ảnh: Dương Nguyễn.

Ung thư là căn bệnh khủng khiếp nhất, đã, đang và sẽ bóp nghẹt nhiều cuộc đời, kiềm tỏa bệnh nhân và gia đình trong hố đen mịt mù không phương hướng. Chúng ta hẳn đều từng nghe qua về căn bệnh này qua tin tức, qua lời kể của người thân, bạn bè hay thậm chí đang đối mặt với nó.

Chúng ta đều muốn tìm hiểu sâu hơn để nắm trong tay bản dạng của con quái vật, nhưng hành trình đó đều bị ngăn trở bởi một quả núi, bồi đắp bởi thật nhiều kiến thức chuyên ngành và thật nhiều phác đồ điều trị, bởi thật nhiều tranh cãi về căn nguyên và cũng thật nhiều lời khuyên để phòng tránh.

Những điều đó khiến quả núi ngày một cao hơn, khiến chiếc mạng nhện ngày càng đan cài rối rắm. Không chỉ thể chất mà tinh thần của người bệnh cũng suy sụp trong mớ bòng bong nghèn nghẹt ấy.

Cuốn sách y học đạt giải Pulitzer năm 2011 - Lịch sử ung thư - chính là con đường lên núi được dọn sẵn. Tại sao một cuốn sách nặng kiến thức chuyên ngành lại cuốn hút gần 97.000 độc giả đại chúng bàn luận và đánh giá, nhận được số điểm rất cao 4.32/5 trên Goodreads.

Tôi xin dùng chút sức để gửi gắm câu chuyện của thầy Mukherjee tới đông đảo các bạn, hay chính xác hơn là câu chuyện chính xác nhất về hoàng đế của bách bệnh, câu chuyện về ung thư.

Câu chuyện dài về ung thư

Tác giả đã đi một câu chuyện dài. Từ thời của những pharaoh, những quý tộc và những nô lệ, từ thời của những đơn thuốc điều trị, đã viện tới thần linh hay của những loài độc thú độc thảo kì lạ đã lạc dấu theo dòng thời gian. Bằng cách dẫn dắt sinh động, ung thư được khai quật lại, lớp bụi mờ thời gian được thổi bay bằng lời văn mượt mà, căn bệnh nặng tính chuyên môn được kể lại đậm chất văn học mà ai cũng có thể tiếp cận.

Nó nổi lên từ lịch sử, như một tai họa "không thể chữa", một bản án từ tử thần, một sự giày vò cho tới chết khiến các thầy thuốc hàng đầu đương thời chỉ còn biết đứng sang bên mà thương cảm.

Những điều bí ẩn thường lôi cuốn những kẻ lữ hành ngông cuồng. Hàng nghìn năm nay, rất nhiều người đã cố gắng theo dấu căn bệnh ấy. Vì không biết tên, họ gọi nó là ghê tởm, là điềm báo xấu, tồi tệ và gớm ghiếc theo nghĩa nguyên bản của từ này, là tai họa từ trời giáng xuống, là kẻ vươn tới cuộc gặp với cái chết, cuối cùng là Sự chết, thứ hơn cả bản thân cái chết.

Trong cuộn papyrus có niên đại 2500 năm TCN, đại tể tướng Imhotep, người thông thái và tiến bộ đã viết:

"Một khối phồng ở vú... Mát lạnh, cứng dày đặc như một loại trái dâu...".

Và với trường hợp đặc biệt này, ông kết luận:

"Vô phương cứu chữa".

Không như các đại dịch nổi tiếng khác, ung thư tồn tại trong im lặng qua các khe hở của lịch sử, chỉ để lại một vài dấu chân bí ẩn trong các truyền thuyết và các tài liệu cổ, chỉ để nhắc nhở chúng ta về sự bất lực của mình.

Tiếp đó, các bác sĩ đã thử rất nhiều cách cực đoan. Một phác đồ điều trị tương tự một buổi hành hình. Bệnh nhân bất chấp độ tuổi đối mặt với sự tùng xẻo và cắt gọt.

Khi thuốc tê chưa được tìm ra, khi các phương pháp gây mê còn thô sơ và hoang dã, từng nhát dao khía vào da thịt, như một cách để trục xuất con quái vật, cũng trục xuất chính linh hồn của người bệnh. Sự đau đớn kinh khiếp được phủ mờ dưới tấm kính tê liệt, phòng mổ giống lò mổ, với máu đầy giường, dụng cụ nhiễm khuẩn, chiếc dao mổ rơi xuống đất nhặt lên thổi bụi rồi lại dùng để gột rửa cho những kẻ bị trời phạt.

Tuy vậy, nhiều bệnh nhân vẫn xếp hàng mong cầu được cứu chữa, cửa ra cuối đường hầm dù nhỏ bé nhưng vẫn còn hơn thả mình cho căn bệnh. "Bác sĩ sẽ từ chối nếu tôi không thể khá hơn chứ?" một câu hỏi thật đau thương.

Bước qua giai đoạn cắt xẻo tới gốc, mọi thứ dần đi lên, các bác sĩ đã bắt đầu sử dụng thuốc điều trị ung thư. Trong thế chiến II, hàng tấn khí độc Mustard rải khắp cảng Bari, Italy đã không chỉ đầu độc ý chí và cơ thể chiến sĩ, vì sâu bên trong, nó cũng tiêu diệt các tế bào bạch cầu bình thường.

Liệu pháp hóa trị điều trị ung thư bạch cầu đã trồi lên từ máu lửa chiến tranh một cách đầy châm biếm như vậy. Đôi khi, hoàn cảnh bất thường lại tạo ra cơ hội, chúng ta cần nhạy bén và luôn đi theo tín điều của mình. Các phác đồ mới được xây dựng. Thật nhiều thuốc độc hơn nữa được truyền vào bệnh nhân, có những thành công nhỏ, nhưng chiến trường thì la liệt xác người.

Cần phải có một sự kiên trì phi thường, một tinh thần thép để các bác sĩ giữ được đức tin trên con đường chữa bệnh, cần phải có một sự dũng cảm lớn để các bệnh nhân, dù già hay trẻ, ngã xuống như một anh hùng và đứng lên như một biểu tượng, kích thích bộ máy chính trị hoạt động, kêu gọi sự chú ý từ các tổ chức, đồng lòng ở cả niềm tin và vật lực để giúp cho bệnh nhân có thể tiếp cận y tế tốt hơn, theo đó con quái vật sẽ dần lộ diện.

Thấu suốt 4 chương đầu là một bầu không khí tuyệt vọng. Những nỗi đau trải qua vô ích, tế bào ung thư hiện diện như một sự bất tử. Sau những phác đồ cắt, xẻo và thuốc độc, có những bệnh nhân được nếm mùi vị tự do trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, khi vết thương còn chưa khép miệng, tế bào ung thư trở lại hiên ngang và tiếp tục công cuộc trừng phạt của mình.

Thậm chí, cay đắng thay khi viễn cảnh chính cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể lại tiếp tay để bảo vệ con quái vật, bảo vệ an toàn cho những tế bào phản bội khỏi liều thuốc độc tàn phá khắp nơi. Hành trình điều trị gian nan vậy đấy, ung thư nhìn từ xa và cười khẩy.

Tôi đã rùng mình khi đọc đến đoạn nhắc đến nghiên cứu của tác giả, tế bào ung thư vẫn sống, tăng sinh liên tục ngay cả khi chủ thể nạn nhân của nó đã bị tiêu diệt từ 30 năm trước. Chợt trong khoảnh khắc, tôi mông lung nghĩ về một tai họa bất thường, có yếu tố của cái ác và quỷ dữ hiện hữu. Khi tầm nhìn duy vật trở lại, càng đau đớn hơn khi nhận ra, mọi thứ đều từ chính sự di truyền bất thường, qua hàng nghìn năm, một góc nhìn khác về tội tổ tông.

Ung thư dưới ánh sáng khoa học

Hầu hết trong chúng ta, không ai muốn bản thân và gia đình dính dáng chút nào đến căn bệnh này. Tác giả dành ra hẳn một chương để bàn về những yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Chương áp cuối, sau những đòn tấn công từ bên ngoài, giờ ta cố gắng tìm kẽ hở của căn bệnh từ bên trong. Tác giả vẽ lại tiến trình nghiên cứu và cho ra được định nghĩa tỏ tường về gen, về quá trình sinh tế bào. Tại sao có những người phải chịu sự khốn khổ vì ung thư. Họ có điều gì khác những người khác? Dưới ánh nhìn khoa học, ung thư dần rời xa những quan niệm về sự trừng phạt của thần linh, tiến gần hơn tới tư duy về đột biến ăn sâu trong từng mã di truyền của loài người.

Mình rất thích những hình ảnh tác giả đưa ra như chiếc mạng nhện, cỗ quan tài đen, ánh đèn và chìa khóa, bản đồ và chiếc dù, phiên bản lỗi của chính chúng ta... Chúng đều độc đáo, có sức gợi tốt, độc giả đại chúng sẽ dễ đứng vào vị trí của bác sĩ, đồng thời hiểu cảm giác của bệnh nhân khi đối mặt với ung thư hơn.

Cuối cùng, công trình vĩ đại này là một sự tri ân rất lớn của tác giả tới tất cả thầy thuốc đã dành cả đời để nghiên cứu, cống hiến thật nhiều thời gian và sức khỏe, thậm chí cả tính mạng vì sự nghiệp chữa trị ung thư.

Mình đã thổn thức khi nghĩ tới những bác sĩ như Barry Marshall, người đã nuốt dịch vi khuẩn HP với mong muốn lấy thân mình làm vật tế để gọi tên con vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, tiền căn của ung thư dạ dày.

Đồng thời cuốn sách cũng là lời cảm ơn sâu sắc tới những bệnh nhân đã hiến dâng mọi tế bào cơ thể để làm nấc thang giúp chúng ta có thể tiếp cận sâu hơn con quái vật này. Một kỷ nguyên ung thư đã qua. Lĩnh vực này đã rời xa khỏi thời niên thiếu nổi loạn của nó rồi, đã không còn cần phải dùng tới những phương pháp phổ quát, các phương pháp chữa trị tận gốc hay phải vật lộn với những câu hỏi cơ bản về ung thư.

Có lẽ chúng ta đang đi đúng hướng, sẽ có những bệnh nhân được chữa khỏi, sẽ không còn tin nào được báo từ bác sĩ khi tái khám nữa. Bởi với ung thư, không có tin mới chính là tin tốt nhất.