Tôi thích quan sát, học hỏi và lắng nghe từ những chia sẻ của các bậc tiền bối thành công.
Người thành công – không nhất thiết phải là người kiếm thật nhiều tiền, sở hữu ở một chức vị cao. Với tôi, sự thành công mà họ đạt được đó chính là khi họ thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, ở những điều họ đạt được. Họ thành công ở mức là chính họ chứ không phải đến từ bất cứ sự đánh giá nào của xã hội.
Một khi con người ta ở cái mức mà không cần gì hơn nữa, họ sẽ thấy được một điều dường như họ chưa có gì. Vì thế, họ cho đi không nhất thiết phải là từ những thứ quý giá mà họ cho đi như thế họ không cần giữ lại cho riêng mình bất kể điều gì.
Tôi yêu tất cả mọi thứ đến từ sự chân thành
Trong chính câu hỏi mà ai cũng luôn thắc mắc rằng: Bài học của sự cho đi đáng giá đến mức nào? Đáng giá ở chỗ, sự cho đi luôn gắn liền với sự chân thành. Khi bạn làm điều gì đó cho người khác, cho người thân, bạn bè mà không đòi hỏi sự đền ơn đáp nghĩa mà chỉ đơn giản là bạn muốn thế thì đó chính là sự cho đi.
Là người luôn tin vào sự công bằng, rằng ông trời sẽ không bao giờ bất công với ai, Mẹ tôi luôn khuyên răn, khi ai đó giúp tôi một chuyện, ắt hẳn họ sẽ muốn điều gì khác ở tôi vì trên đời không có bữa cơm nào là “miễn phí”.
Có điều, họ muốn tính phí bằng cách nào mà thôi. Bởi vì tôi từng nhận được những bữa cơm có tính phí bằng chính sự chân thành đáp trả của mình – là khi được ăn một bữa cơm tự nhiên, được đóng góp nhận xét về bữa cơm ngon canh ngọt, là kèm theo đó những lời cảm ơn và cái ôm từ sau đấy.
Công bằng mà nói muốn nhận thì phải cho đi, có vay thì có trả cả vật chất lẫn tình cảm. Đơn giản vì ai cũng có cuộc sống và nỗi lo của riêng mình và ai cũng mong muốn được phát triển và hạnh phúc, nếu cứ cho đi mãi mà không nhận lại sẽ dễ bị kiệt quệ, thất vọng, mọi người hay gia đình và xã hội đều ngột ngạt vì mâu thuẫn, tranh giành.
Là một sự mua bán “không đong đếm”
Khi ai đó muốn nhận lại điều gì, tôi đều đáp trả xứng đáng theo ý họ, như một cuộc trao đổi mua bán, có vay ắt sẽ phải trả. Đơn giản là vậy.
Nhưng “sự mua bán không đong đếm” là khi tôi giúp cô bán xôi gần nhà từ việc nhỏ nhất, và nhận lại được điều lớn hơn. Đó là những khi cô bán cho tôi gói xôi 8 nghìn đồng nhưng không đóng đếm được bằng những gì mà cô cho tôi. Mỗi buổi sáng đi học, cũng với gói xôi đó, nhưng luôn được ưu tiên nhiều hơn so với người khác, mặc dù đó cũng là một sự giao dịch, mua bán.
Dấu chấm lửng cho để dành cho những gì mà con tim bạn muốn viết …
Chắc hẳn đã có khi bạn nhìn thấy những đôi mắt trong veo của những đứa trẻ ngây ngô, và ước rằng sẽ mình được quay trở lại như ngày đó. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận được sự chân thành, nó đáng giá đến mức nào.
Hãy cứ cho đi mà không nghĩ ngợi, sẽ nhận lại gấp trăm lần yêu thương. Trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, cái được nhận sẽ còn lớn gấp bội lần.
Gieo nhân nào gặp quả ấy đó chính là quy luật nhân quả. Trao yêu thương hom nay thì ngày mai chúng ta cũng sẽ nhận lại yêu thương. Đừng quá “đo ni đóng giày” bất kể điều gì, cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn khi con người ta luôn có chữ “tâm” trong mọi hành động.