Sách – người thầy, người bạn [21]:

Góc nhìn rộng mở qua từng trang sách

Ngang vào nhà sách, trên chiếc kệ trống, quyển sách Bức xúc không làm ta vô can thu hút tôi... Chính cuốn sách này đã mở ra cho tôi “cánh cửa”, kéo khỏi góc nhìn bó hẹp đang vì nỗi đau mất người thân.

Cuối năm 2020, tâm trí tôi rối bời vì nỗi đau mất ba rồi đến mất ngoại chỉ vỏn vẹn trong vài tháng. Trong đầu tôi luôn hiện diện câu hỏi: “Tại sao lại là gia đình chúng tôi?”. Hôm ấy, chồng chở tôi cùng các con đi dạo cho khuây khỏa. Ngang vào nhà sách, trên chiếc kệ trống, quyển sách Bức xúc không làm ta vô can thu hút tôi. Có lẽ vì bìa sách in hình khuôn mặt màu đỏ mếu máo giống với tâm trạng tôi khi đó. Sau một cái chạm tay vào sách mang đến cảm giác bình an, tôi ngồi lặng yên đọc từng trang sách một. May mắn thay, chính cuốn sách này đã mở ra cho tôi “cánh cửa”, kéo khỏi góc nhìn bó hẹp đang vì nỗi đau mất người thân.

quyen-sach-duoc-doc-khi-tac-gia-nghi-trua-1710931898.JPG
Từng trang sách là từng góc rộng mở ra thế giới

Kích hoạt tư duy phản biện

Bức xúc không làm ta vô can của Đặng Hoàng Giang được xuất bản năm 2015. Có lẽ cũng là một cơ duyên khi tôi vẫn có thể chạm vào sách sau 5 năm xuất bản. Sách chính luận là một thể loại hoàn toàn mới với bản thân tôi. Vậy mà tôi lại có thể ngồi đọc một mạch mấy chương sách, kiểu như bị cuốn vào mạch tranh luận cùng tác giả. Từng trang sách mở ra cho tôi chân trời mới thông qua cách lý luận sắc bén, tính thời sự rõ ràng, thông tin trích dẫn vừa vặn, con số dẫn chứng minh bạch. Từng chương mục trôi qua càng kích thích tư duy phản biện của tôi hoạt động mạnh mẽ hơn.

Nhà báo Đinh Hoàng Thức ví von các bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang như “con dao mổ sắc cạnh” của tri thức. Tôi tâm đắc với tên gọi tượng hình đó. Ông mổ xẻ những vấn đề nhức nhối của xã hội. Có vấn đề ông mổ xẻ và xử lý gọn gàng, rồi ông khép miệng vết thương. Thông qua đó tôi cảm thấy bình an khi nhìn thấu đáo được vấn đề. Có vấn đề chưa thể giải quyết, tôi dường như cũng thấy mình đồng cảm nhìn ông đau đáu suy tư, rồi bất lực khi chưa tìm được cách chữ trị đúng đắn. Nhưng không né tránh, ông để mở vấn đề và đợi chờ xem sự thay đổi chung của quy luật xã hội sẽ chữa lành vết nứt như thế nào.

Khơi gợi những giá trị nhân văn

Tôi cũng nhìn thấy một góc cạnh nhân văn khác của ông với lối tư duy ngược sâu xa ở bài “Người nghèo không có lỗi”. Ông trào phúng sự hình dung lãng mạn của “chúng ta” về người nghèo: “Những bà mẹ tần tảo chợ búa, những người cha gầy gò kéo xe”. Ông dẫn chứng để cho ta thấy: “Không phải lối sống của họ dẫn họ tới nghèo đói, mà nghèo đói đã tạo ra cho họ lối sống như vậy.” Ông nêu sự trào phúng vào việc “bức xúc” của xã hội và của những người “làm từ thiện hoài rồi nản” về độ chây ì thiếu ý chí vươn lên của người nghèo.

Quyển sách làm tôi phải nghiền ngẫm để vỡ lẽ ra nhiều điều trước khi Việt Nam chúng ta bước vào giai đoạn hai của hành trình phòng chống Covid: “đông cứng khóa chặt” vài tháng sau đó. Nhờ những tư duy phản biện trong sách, tôi mở lòng mình ra, nhìn thấy đau khổ của người người nhà nhà trong trận dịch kinh hoàng. Từ đó, tôi bình an chấp nhận mất mát của gia đình. Tôi chấp nhận rằng hợp tan là lẽ thường của cuộc sống. Dầu cho ba và ngoại đau bệnh và lần lượt rời bỏ gia đình chúng tôi ra đi là một sự mất mát lớn nhưng ít nhất, họ được ra đi thanh thản trong vòng tay yêu thương của người thân. Con cháu còn có cơ hội gặp mặt họ lần cuối và chu toàn lễ nghĩa tiễn đưa.

buc-anh-tac-gia-cung-quyen-sach-yeu-thich-1710931861.JPG
Tác giả bên cuốn sách yêu thích

Thúc đẩy khả năng tranh luận

Tôi đọc đi đọc lại quyển sách đến vài lần để tranh luận cùng tác giả. Tôi học cách lựa chọn góc nhìn tổng quan, thấu đáo, học cách lật lại vấn đề để đủ bình tĩnh, không bị cuốn vào trong cơn khủng hoảng thời Covid. Trong dòng chảy của đám đông đang phán xét, hoài nghi, tiêu cực lan truyền trên mạng xã hội, tôi nhớ đến câu: “Nếu người ta có quyền lợi trong xã hội, người ta sẽ bảo vệ xã hội, nhưng nếu không, họ sẽ vô thức muốn phá hủy nó.”. Và tôi chọn cách chủ động đóng góp, không ngồi yên đòi quyền lợi. Quyển sách đã tiếp thêm động lực to lớn cho tôi lúc ấy, để tôi có đủ dũng cảm bước chân ra đường, phụ giúp nấu cháo miễn phí gửi các bạn nhỏ ở bệnh viện dã chiến. Tôi biết rằng chuyện đau thương của gia đình nhỏ của mình là có, nhưng nhìn rộng ra thì mình vẫn còn quá nhiều may mắn để san sẻ với cộng đồng.

Tuy là sách chính luận nhưng Bức xúc không làm ta vô can đã chữa lành tâm hồn tôi từng chút một. Khi tôi nhận ra sự thiếu hụt của bản thân về kiến thức xã hội và tư duy phản biện, tôi trân trọng từng trang sách đã cung cấp cho tôi góc nhìn đa dạng hơn. Tôi không còn mải miết chăm chú vào những nỗi đau của cá nhân. Sách mang đến sự thông suốt trong tư duy, từ đó giúp tôi chữa lành vết thương đau đớn vì mất mát người thân. Tôi hy vọng, nếu có dịp đọc qua cuốn sách, bạn cũng sẽ tìm thấy một vài điều thú vị cho mình.

Tác giả: Đinh Huyền Trang

[trangncp@gmail.com]

NHY

NHY

19:03 17/04/2024

Hay! thấm thía đối với những người cùng hoàn cảnh.

Hậu

Hậu

17:17 16/04/2024

Bài viếc này rất hay và đầy ý nghĩa

Nghiep

Nghiep

07:19 26/03/2024

Tác phẩm nào của tác giả Đặng Hoàng Giang cũng làm ta phải suy tư

Trang

Trang

07:16 26/03/2024

Mở rộng được góc nhìn hay không còn do tâm thế của chính mình

Dang Nhung

Dang Nhung

19:17 25/03/2024

Bài viết của chị thật nhiều ý nghĩa ạ.

Củ Chuối

Củ Chuối

07:58 24/03/2024

Hay quá, chúc mừng...

Ớt

Ớt

22:45 23/03/2024

Bài viết hay quá ạ!

Trang Đinh

Trang Đinh

22:08 23/03/2024

Cám ơn ban tổ chức đã chọn bài

Kim Loan Bùi Thị

Kim Loan Bùi Thị

17:43 23/03/2024

Lên rồi!