Người chị họ của tôi cảm thấy bất lực khi cô con gái đang học lớp 10 vốn có tiếng ngoan hiền từ nhỏ bỗng dưng trở nên hỗn láo với người lớn, dễ gây hấn với bạn bè đến nỗi cô giáo chủ nhiệm đã phải nhiều lần gặp riêng để trao đổi với chị. Chị bảo có lẽ con bé thay đổi tính tình như vậy sau khi không chịu nổi cú sốc khi anh chị li hôn sau 15 năm cùng sống dưới một mái nhà.
Chị cho biết, chị luôn dành hết tình cảm cho con như một sự bù đắp khi không có cha sống bên cạnh nhưng dường như con bé chẳng muốn hiểu điều đó, nó cứ làm nhiều điều khiến chị phải buồn lòng.
Có không ít trường hợp, sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ trở nên lầm lì, ít nói, sống khép kín hoặc tỏ thái độ bất cần đời. Ảnh: IT
Đó cũng là tâm trạng của anh bạn đồng nghiệp đã li hôn vợ cách đây ba năm, khi cậu con trai đang học lớp 6 của anh dạo gần đây tỏ ra ương bướng, bất trị. Anh bảo có lẽ đó là cách thằng bé tỏ thái độ phản đối khi anh công khai mối quan hệ tình cảm với người bạn gái mới. Anh bảo anh không sai khi đã làm tròn trách nhiệm của một người cha sau ly hôn và anh cũng có nhu cầu tình cảm nữa chứ, sao thằng bé lại không hiểu cho anh?
Có không ít trường hợp, sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ trở nên lầm lì, ít nói, sống khép kín hoặc tỏ thái độ bất cần đời…. Có trẻ còn buông xuôi chuyện học hành, nghe theo bạn bè xấu để rồi có những hành vi vi phạm pháp luật. Đó chính là sự phản kháng do trẻ cảm nhận đang bị bỏ rơi khi căn nhà thân quen đã không còn là tổ ấm, trong lúc bố mẹ đang bận bịu với những mối quan hệ mới.
Những đứa trẻ không phải là nguyên nhân dẫn đến những cuộc chia tay của cha mẹ mình. Nhưng chúng lại là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất sau khi tòa án tuyên bố thuận tình cho cha mẹ chúng li hôn. Nhà xã hội học Monica Cockett cho biết: “Những trẻ em có cha mẹ rạn vỡ dẫn đến ly hôn thường bị nhiều vấn đề tâm lý cũng như sức khỏe hơn các trẻ có gia đình bình thường”.
Thực tế cho thấy, sau ly hôn, những đứa trẻ không chỉ mất đi một phần tình cảm, một chỗ tựa nương trực tiếp mà lại có nhiều nguy cơ mất an toàn trong một gia đình mới cùng cha hoặc mẹ kế. Trẻ trai dễ bị bạo hành trong khi trẻ gái có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục.
Trong cuốn sách có tựa đề For Better or For Worse: Divorce Reconsidered được xuất bản vào năm 2002, Hetherington và John Kelly đã công bố một nghiên cứu trong suốt 25 năm về những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn. Kết quả cho thấy có 25% người trưởng thành có cha mẹ ly hôn lúc nhỏ đã gặp vấn đề nghiêm trọng về tình cảm và tâm lý, khó hòa nhập với xã hội.
Theo các chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình, khi cha mẹ đã quyết định không tiếp tục chung sống thì việc cần kíp ngay sau đó là nói cho con biết về sự thật đó bằng những ngôn từ thích hợp, nhẹ nhàng, cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ cùng con trong giai đoạn này. Dù muốn hay không, đứng trước biến cố cha mẹ chia tay, gia đình ly tán, không một đứa trẻ nào có thể tránh những cú sốc tâm lý. Đừng bắt con phải chọn sống với ai trong lúc này, bởi sự lựa chọn luôn đồng nghĩa với mất mát và đương nhiên con không thể chịu đừng nỗi quá nhiều biến cố dồn dập đến trong lúc này.
Trong bất cứ tình huống nào, cha hoặc mẹ cũng không nên nói xấu người còn lại trước mặt con cái. Càng tránh gieo vào đầu con những hình ảnh thiếu tích cực hoặc gây áp lực, gây chia rẽ con cái với cha hoặc mẹ. Nói xấu đối phương cũng chính là bạn đang tự hạ thấp hình ảnh của chính mình trong mắt con cái.
Chẳng ai có thể cấm cản cha mẹ có những mối quan hệ mới, những người bạn mới. Tuy nhiên, nếu có thể, người lớn cần hạn chế những cử chỉ thân mật lộ liễu trước mặt con cái, tránh cho con trẻ rơi vào trạng thái bị ức chế tinh thần, trầm cảm.
Những đứa trẻ luôn cần được sự quan tâm nhiều hơn trước cú sốc cha mẹ li hôn. Ảnh: IT
Hoàn toàn không nên chia rẽ con cái với ông bà nội ngoại, họ hàng hai bên… bởi vì mối liên hệ huyết thống, họ hàng là điều không thể chối bỏ. Duy trì và gắn kết những mối liên hệ này để các con cảm thấy chúng không mất tất cả, cho con cảm thấy con vẫn còn có tình cảm, sự đùm bọc thương yêu của rất nhiều người.
Để tránh tối đa những tổn thương cho con cái thì chính cha mẹ phải dẹp bỏ được cái tôi của bản thân để có thể ngồi lại, bàn bạc, trao đổi tìm ra những phương thế tốt nhất cho con mình.
Gia đình ấm êm hạnh phúc luôn là điều mà ai cũng mong muốn. Thế nhưng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, buộc người ta phải tự giải thoát bằng cách ly hôn thì chúng ta hãy luôn nhớ rằng những đứa trẻ luôn cần được sự quan tâm nhiều hơn trước cú sốc này.