Phải chín mới ăn
Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, dù là lẩu hay bất kỳ món ăn nào khác cũng nên tuân theo nguyên tắc 'ăn chín uống sôi'. Trên thực tế, nhiều người có thói quen vừa cho đồ ăn vào nồi lẩu đã gắp ra, trong khi đó thức ăn mới chín được một nửa. Như vậy, thức ăn sẽ không tiêu diệt hết ký sinh trùng, người ăn dễ bị tiêu chảy.
Không ăn quá nóng
Nhiều người có thói quen gắp thức ăn (rau, thịt) trong nồi lẩu đang sôi sùng sục ra rồi ăn luôn, điều này cực kỳ nguy hiểm. Ăn quá nóng sẽ gây bỏng niêm mạc miệng, niêm mạc họng dễ bị nhiễm trùng, nhất là những người bị viêm lợi, người mắc bệnh răng miệng, men răng kém.
Không ăn trong thời gian dài
Thói quen ngồi 'lai dai' khi ăn lẩu là thủ phạm gây ra các vấn đề về dạ dày và hệ tiêu hóa. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn ăn lẩu đúng cách là ăn không quá 2 tiếng. Thời gian ăn lâu vừa khiến hệ tiêu hóa phải làm việc liên tục, vừa khiến thức ăn trong nồi lẩu sản sinh ra nhiều phản ứng không tốt cho sức khỏe.
Ăn quá lâu sẽ khiến hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, dạ dày, đường ruột liên tục làm việc, dịch tiêu hóa bài tiết giảm đi dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Không đun lâu một nồi nước lẩu
Nên thay nước lẩu nếu như thời gian ăn quá lâu và đã nhúng nhiều loại thực phẩm. Nước lẩu đun trong thời gian dài sẽ bị mặn và bị phá vỡ các vitamin, chất béo trở thành chất bão hòa, gây hại cho tim mạch, huyết áp, làm tăng hàm lượng nitrit trong rau củ. Do đó, nên thay nước lẩu sau 60 phút là tốt nhất.
Nên ăn nhiều rau, củ, quả
Trong lẩu luôn chứa rất nhiều gia vị, đặc biệt là chất cay nóng trong hành, tỏi, sa tế, ớt… Vì vậy, bạn cần ăn nhiều loại rau củ, quả để giúp cơ thể giải nhiệt, điều hòa cơ thể, tránh hại gan và dạ dày. Các loại rau ăn lẩu phổ biến và có lợi như: rau muống, cải ngọt, cải thảo, cải xoong, mướp đắng, ngó sen, đậu phụ, nấm, khoai tây, cà rốt vừa tốt cho dạ dày lại giúp điều hòa thân nhiệt cực tốt.