Sài Gòn dù ở đâu thì một căn nhà nhỏ cũng có thể biến thành một cửa tiệm cà phê. Nơi chứa chấp con người trốn chạy khỏi mọi áp lực cuộc sống. Ly cà phê là điểm nối giữa người với người, giữa những cảm xúc không tên.
Người Việt bắt đầu làm quen với cà phê từ những năm 80 của thế kỉ XIX - ngày lính Pháp đặt bước chân đầu tiên vào Sài Gòn. Thế là từ dạo đó, vùng đất Tây Nguyên bắt đầu được khai phá trở thành vùng trồng cà phê lớn nhất nước và có chất lượng ngon hàng đầu. Và đó là cách Sài Gòn đến với thế giới theo cách riêng của mình.
Một thoáng hương vị cà phê xưa
Sài Gòn không phải là vùng đất cho những kiểu cà phê sang chảnh như tách Capuchino béo ngây hoặc tách espresso chua nhẹ ở cuống họng mà chỉ là chiếc cà phin nhỏ chảy róc rách, thơm nồng mỗi sáng.
Cà phê cóc - một nét văn hoá người Sài Gòn...
Thời ấy, cà phê “cóc” là hình ảnh quen thuộc đối với thế hệ 7x, 8x. Các quán cà phê nối dài trên các đoạn đường với vài ba chiếc ghế nhựa thậm chí chẳng có bàn. Vậy mà con người ta vẫn thích chen chúc ở những nơi như thế.
Ngày đấy, cà phê vợt là nức tiếng ở đất Nam Ky lục tỉnh. Người pha bỏ cà phê vào một túi lưới mỏng có hình dáng của một chiếc vợt nhỏ rồi cho vào ấm bằng đất nung, chế nước sôi vào như pha trà. 10 phút sau, cà phê được di chuyển sang một chiếc ấm nhôm và đun trên bếp than trước khi rót ra ly. Một tách cà phê ngon phải trải qua nhiều công đoạn rất mất thời gian nhưng người ta cũng chịu đợi để được thưởng thức nó.
Chỉ tiếc là từ thế hệ 9x trở đi không còn nhiều cơ hội thưởng thức vị cà phê vợt nữa. Song, không gian cũng là yếu tố khiến hương cà phê không còn trọn vẹn như xưa.
Tách cà phê phin ngày nay
Các hàng quán lề đường bắt đầu dời vào những căn nhà lớn với đầy đủ tiện nghi từ Internet, máy lạnh, ghế nệm,... Người ta bắt đầu cảm nhận hương vị cà phê bằng cả vị giác và thị giác. Không chỉ vị béo của sữa đọng lại trên những tách Latte hay Capuchino mà còn là nghệ thuật tạo hình trên mặt cà phê. Đây là điều không phải ai cũng có thể làm được, đồng nghĩa với việc người uống phải chi số tiền cao hơn gấp 3 lần bình thường.
Vào buổi sáng, người già vẫn giữ thói quen gọi một ly cà phê phin và mua bao thuốc lá. Họ nhấm nháp từng ngụm đắng cà phê cùng tờ báo giấy với đủ loại tin tức. Thậm chí, các cô bán bún, bán hàng rong cũng không thể thiếu ly cà phê trên xe bán hàng hay đơn giản thắp nén nhang cho thần tài buổi sáng.
Người Sài Gòn, không phân biệt là ai, đều có cùng "sở thích" là uống cà phê!
Cà phê đen đá hay sữa đã đều là nét văn hóa giản dị, đời thường đã ăn sâu vào máu thịt người Sài Gòn. Những ly cà phê sữa ở bệt được pha chế đơn giản với ít sữa bên dưới, một ít cà phê đã pha sẵn đổ vào, khuấy lên tạo thành một màu nâu đặc trưng nên một vài người thường gọi cà phê sữa là nâu đá. Sau khi khuấy đều, người bán sẽ cho một ít đá vào, tiếp tục chế một lớp cà phê đen lên. Vậy là được một ly cà phê sữa đá “vạn người mê”! Đặc biệt, cà phê dù ở đâu cũng thường được phục vụ ly trà đá nhỏ. Người Tây hay người ta thì đều được thưởng thức cà phê như vậy đó.
Trên những con phố náo nhiệt của TPHCM kia, rất có thể một ai đó vẫn mang trong mình những câu chuyện đau thương từ một thời quá khứ, những vết thương âm thầm. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh…nhưng cà phê phin vẫn là nét văn hóa, nghệ thuật còn mãi.