Tiệc Buffet Chay "Trao gửi Duyên Lành"

Cây dược liệu hồi sinh vùng đất Tu Mơ Rông

Những năm gần đây thực hiện định hướng phát triển cây dược liệu, người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) ngày càng tự tin trong lao động sản xuất từng bước thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng từ chính đồng đất, núi rừng quê hương.
Chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: CN
Chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: CN

Chuyển đất rẫy sang trồng rừng

Là huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tu Mơ Rông có hơn 96% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xây dựng cuộc sống mới.

Để giúp dân hiểu về Cuộc vận động, huyện Tu Mơ Rông đã cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền như “10 biết đối với nhân dân”, “10 cần đối với cán bộ, đảng viên”. Cùng đó, chính quyền các xã cử cán bộ phối hợp với các đoàn thể, già làng, người có uy tín, người làm kinh tế giỏi đến tận nhà, tận ruộng rẫy để hướng dẫn trực tiếp cho dân.

Anh A Tư ở xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trước đây bà con cứ phát rừng làm rẫy, trồng mì, hiệu quả kinh tế không cao. Dân được tuyên truyền nhiều lần phải thay đổi cách làm, nhưng không ai dám vì sợ mất công, mất của. Cho đến khi cán bộ đến từng nhà tuyên truyền, lên rẫy chỉ cụ thể, người dân tự tin, làm theo. Giờ mọi người mạnh dạn chuyển đất rẫy sang trồng rừng, các loại cây khác, hiệu quả hơn.

Có gần 10ha đất rẫy, anh A Hai ở thôn Tu Mơ Rông xã Đăk Hà đã mạnh dạn trồng rừng. “Tôi thấy nhiều người trồng rừng để phủ đất trống, bạc màu rất tốt nên chuyển sang trồng cây gáo vàng, kết hợp chăn nuôi gia súc. Giờ đồi trọc đã được phủ xanh”- anh A Hai phấn khởi nói.

Từ công tác tuyên truyền, vận động, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đã không trông chờ, ỷ lại, chủ động, tự tin hơn, biết tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, môi trường, khí hậu để trồng dược liệu, nhất là sâm dây, sâm Ngọc Linh.

Đến hết năm 2023 huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã phát triển được trên 2.300ha sâm Ngọc Linh cùng hơn 1.300ha cây dược liệu khác. Với nhiều hình thức, như tự vay vốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, tham gia vào các Tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp… ngày càng có thêm nhiều người Xơ Đăng trồng được loại dược liệu quý này. Đây cũng là việc làm cụ thể của chính quyền, người dân huyện Tu Mơ Rông trong việc góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Kon Tum là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

Thoát nghèo bền vững từ đồng đất, núi rừng quê hương

Diện tích sâm Ngọc Linh được mở rộng tại Tu Mơ Rông. Ảnh TTXVN
Diện tích sâm Ngọc Linh được mở rộng tại Tu Mơ Rông. Ảnh TTXVN

Ở mảnh đất Tu Mơ Rông, nhiều nông dân "chân đất" đã trở thành tỷ phú cũng nhờ nhanh nhạy đầu tư vào dược liệu. Tại thủ phủ của dược liệu xã Măng Ri, Chủ tịch UBND xã Dương Đình Chung tự hào khi nhắc đến những tỷ phú người Xơ Đăng trên địa bàn. Họ là nông dân chân lấm tay bùn nhưng rất nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội để đầu tư. Họ là tấm gương đi đầu cho việc vượt khó làm giàu.

Trong số đó, ông Chung nhắc tới anh A Ly (thôn Ngọc La), hiện trồng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh, 3ha sâm dây. Tổng thu năm 2022 của gia đình từ tiền bán hạt, lá, củ sâm; tiền công làm thuê chốt sâm ước đạt hơn 1 tỷ đồng.

Nói về “bí kíp” làm giàu, anh A Ly cho biết, trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2014. Cây lớn lên thì lấy hạt ươm rồi mở rộng diện tích. Tiền công, tiền hỗ trợ sâm, anh dồn hết để đầu tư vườn sâm. “Mình cũng hay lân la gặp chuyên gia hỏi kỹ thuật chăm sóc, sau đó về áp dụng. Nhờ đó, cây sâm phát triển tốt, cho hạt rất nhiều. Những năm tới, cây lớn lên thì hạt sẽ cho nhiều hơn, vườn của mình sẽ được nhân rộng, khi đó thu nhập còn cao hơn nữa”, anh A Ly kể.

Theo Chủ tịch UBND xã Dương Đình Chung, ngoài anh A Ly, trên địa bàn xã Măng Ri còn có ít nhất 6 người có thu nhập tương đương như anh. Tất cả đều vươn lên nhờ trồng cây dược liệu.

Tương tự, ở xã Tê Xăng, cái tên được ông A Đe, Chủ tịch UBND xã luôn dành những lời ngợi khen là anh A Hải (thôn Đăk Viên). Năm 2022, tổng thu của gia đình đạt cả tỷ đồng, trong đó đa phần liên quan đến trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây và buôn bán sản phẩm dược liệu.

“Nhà nước định hướng trồng dược liệu, mình thấy đúng nên đầu tư trồng sâm Ngọc linh và sâm dây. Nhờ đầu tư đúng hướng, trồng đúng kỹ thuật nên cây dược liệu phát triển tốt và cho thu nhập khá. Vì vậy, tới đây, mình tiếp tục mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh”, A Hải cho biết.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh, chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu là Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, năm 2022 có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu. Những người này có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều tỷ phú là đồng bào dân tộc thiểu số, tuổi đời còn trẻ nhưng dám dấn thân, nhanh nhạy với thời cuộc. “Điểm chung là họ biết khai thác giá trị của cây dược liệu, biến loại cây vốn là thế mạnh của vùng đất họ ở trở thành cây làm giàu cho chính họ”, ông Mạnh chia sẻ.

Phát triển các mô hình HTX

Đáng chú ý, để đưa cây dược liệu đi xa, huyện Tu Mơ Rông đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển các mô hình HTX, từ đó liên kết bền vững với doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, tại Tu Mơ Rông, hiện có 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng, thu mua, chế biến dược liệu. Các HTX này đã phát huy hiệu quả khi giúp thành viên có thu nhập cao.

Bà Y Pot, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Giám đốc HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng) chia sẻ, với mong muốn giúp chị em thoát nghèo bằng cây sâm nên đã thành lập HTX chuyên trồng, thu mua và chế biến các sản phẩm từ sâm dây. Hiện, HTX có 33 thành viên là phụ nữ.

“Sản phẩm của HTX xuất bán đi nhiều tỉnh thành. Nguồn thu từ sâm dây của chị em thành viên tăng gấp 3 so với thời gian chưa tham gia HTX. Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với doanh nghiệp lớn ở Hà Nội. Họ sẽ hướng dẫn kỹ thuật, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, khi đó chị em sẽ có nguồn thu lớn hơn. Tôi sẽ tiếp tục mời gọi chị em tham gia vào HTX để tăng thu nhập”, chị Y Pot chia sẻ.

Điều đặc biệt và tự hào là dược liệu có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông giờ đã xuất ngoại, có mặt ở cả thị trường khó tính như châu Âu.

Ông Hà Văn Phương, Giám đốc HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (tại xã Đăk Na) cho biết: “Trong năm 2022, HTX đã bán cho đơn vị liên kết 15,3 tấn gừng, nghệ, chanh rừng, tỏi để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng để tạo ra số lượng sản phẩm nguyên liệu nhiều hơn nhằm phục vụ cho việc chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh vui mừng cho biết: Ngoài HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông xuất bán dược liệu phục vụ xuất khẩu, trong năm 2022, Công ty InnovGreen cũng đã xuất khẩu sang Trung Quốc 1,7 tấn tinh dầu màng tang. Tín hiệu tích cực khác là hiện có một nhà máy chế biến đã được đầu tư, đang hoàn thiện để đưa vào vận hành. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu có giá trị, giúp sản phẩm có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông xuất đi khắp các nơi, thậm chí xuất khẩu ra các nước.