Cây dù màu xám

Cho dù ngày mai chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì họ vẫn như thế, không quá cuồng nhiệt, không quá phô trương cứ thế mà tiếp tục, đó chính là trân trọng, từ giây từng phút đều là sự sống, từ giây từng phút đều là yêu thương.
cay-du-mau-xam-1643600591.jpg

Sài Gòn vào những ngày trở bệnh!

Tôi ở tuổi 20, cái giai đoạn chênh vênh khó định hình được mục tiêu cuộc đời mình là gì? Nhưng cuộc sống cũng không cho chúng ta được phép ngừng lại dù là nghỉ ngơi. Tôi tự đáng tiếc cho một tuổi trẻ tựa như chẳng màng nói tới của mình. Nhưng sau những ngày đi chống dịch tôi tìm ra được lý lẽ cho cuộc đời mình. Và tôi đang sống ở khoảnh khắc đáng giá nhất với Sài Gòn.

Ngày Thành phố oi bức, ngày Thành phố nặng lòng mà tuôn nhẹ những cơn mưa, ngày những người ngoài kia đang lo lắng về cái ăn cái mặc. Khoảnh khắc tôi và những người bạn đồng hành lặng im mà thấu cảm từng cảm xúc một: người ta khóc, người ta lặng thinh, người ta bàng hoàng vì một nỗi đau, một mất mát hay nhiều hơn cả thế. Tôi thực chẳng thể gọi tên những câu chuyện ấy, những hình ảnh ấy có lẽ vì ngôn từ cũng có giới hạn về đau thương…

Một ngày cũng như bình thường tôi làm nhiệm vụ của mình, hôm ấy tôi lấy mẫu như bình thường – một chiều mưa của Sài Gòn xa lạ, chẳng có gì đặc biệt đến khi trong một con hẻm nhỏ và sâu đến mức tưởng chừng như lạc vào mê cung, hình ảnh hai cụ già trong căn nhà nhỏ xập xệ, dắt tay nhau, bà cụ dìu ông vào ghế ngồi và chậm rãi từng bước một tiến về phía tôi. Tôi bảo “bà ơi, gia đình mình đại diện một người ra test nha! Ai ra test cũng được hết ạ”. Bà trả lời rằng “Dạ, dạ”. Và đặt ra nhiều câu hỏi khác. Mọi câu bà đều dạ với tôi. Tự dưng tôi có giác bàng hoàng, bà cụ hơn 70 tuổi nhưng lại dạ liên tục với tôi? Mọi thứ rất nhanh nhưng đến hôm nay hình ảnh ấy vẫn còn đọng lại nơi tâm trí đầy hỗn độn của mình. Bà đi nhanh vào nhà, dáng đi lom khom bà lấy cho tôi cây dù màu xám – “cháu cầm đi, ướt hết rồi”, giọng nói miền Tây đầy ấm áp và thân thuộc. Lúc ấy túi tôi rỗng tuếch nhưng tự hào mà nói thời điểm đó tôi là người “giàu” nhất thế giới. Tôi từ chối và cảm ơn bà, tiếp tục công việc của mình.

ba-oi-khoe-manh-va-hanh-phuc-nhe-songkhoeplus-1634982439.png

Khoảnh khắc tôi và những người bạn tuyến đầu chống dịch tại một hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Thuận, Q.7, TPHCM – nơi nhân vật trong câu chuyện đang sống. Ảnh: tác giả cung cấp

Tôi kể chuyện khá nhạt, cũng chẳng hy vọng ai sẽ nhìn ra được cái tôi nghĩ. Bà già rồi, nhà chỉ có 2 ông bà thôi, ông bệnh nặng, ngoài bà ra thì chẳng ai chăm ông cả. Giữa thành phố này có nhiều người như ông bà và nhiều người còn hơn cả vậy. Người ta khi đau chỉ bận lo cho cơn đau của mình đâu còn tâm trí gì mà nghĩ vì người khác nữa. Tôi thật tệ khi chẳng diễn tả hết tình cảm bà dành cho tôi thông qua cây dù, sự nhẹ nhàng và cảm xúc, tôi cảm nhận sâu sắc sự tôn trọng của bà dành cho tôi - khi bà bảo “dạ”. Tôi tự xấu hổ rằng mình chẳng làm gì được tốt đẹp cả, tôi chẳng thể làm điều gì nhiều hơn, bên trong bộ đồ bảo hộ tôi chẳng có xu nào, tôi vội lướt qua câu chuyện đấy, rồi thẩn thờ khi kết thúc công việc trong cơn mưa đêm kéo dài. Nhưng hôm ấy với tôi thật ấm áp.

Dù ở độ tuổi nào thì quyền được sống, quyền trân trọng, quyền được yêu thương và yêu thương người khác luôn là những giá trị cơ bản, thế giới của tôi đã thu bé lại chỉ bằng một ánh nhìn của ông bà. Sau gần 4 tháng đi chống dịch, ừ thì tôi gặp nhiều hơn cả thế, có khoảnh khắc sinh ly tử biệt tất cả đều đáng giá. Nhưng tôi chọn cho mình hình ảnh đẹp – không bi thương, không lặng lẽ, nó bình yên, giản dị, ngay khi mọi thứ xung quanh hỗn loạn.

Từ giây phút ấy dòng suối suy tư miên man trong tôi cứ tuôn tràn không ngừng nghỉ. Người ta hay nói: “dù bạn không thấy mặt trời sau đám mây, nhưng mặt trời vẫn ở đó vẫn tỏa sáng”. Chúng ta hay thôi đắm mình trong khổ đau, hãy ngừng ngụp lặn trong thế giới của tư tưởng không màu, và đừng đánh mất khả năng nhận thức về cái hiện hữu. Chúng ta đã loay hoay quá lâu, đã mất quá nhiều thời gian, lãng quên quá nhiều thứ,… Vậy điều cuối cùng còn lại là gì? Tôi thương nhiều hơn những người từ bỏ, họ từ bỏ mình, từ bỏ giá trị mà người khác mang lại, họ từ chối hết thảy những yêu thương rồi dành cho mình một khoảng lặng, mờ ảo chẳng ai có thể với tới.

“Người thương” - cụm từ có vẻ quy mô hóa, nhưng không nó vô cùng gần gũi, người thương là gia đình đang đợi tôi ở quê, người thương là người giúp tôi qua những cơn bạo bệnh ở thành phố này, người trong khoảnh khắc chóng vánh nào đó mang lại cho tôi một loại cảm xúc mà cả đời này tôi chẳng thể gọi tên… Người đã rất gần chúng ta, họ sẵn sàng ôm lấy ta, sẵn sàng trao cho ta ánh mắt trìu mến và ấm áp. Một giá trị mà tôi rút ra được từ hình ảnh tưởng như đã bị hòa tan trong dòng người đông đúc ấy. Ừ thì, trong tim ai cũng có một góc tối, ẩn dấu sự lạc lõng về hoài niệm nhưng đừng vì thế mà lãng quên hiện tại. Ông và bà đã rất trân quý nhau cho dù ngày mai chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì họ vẫn như thế, không quá cuồng nhiệt, không quá phô trương  cứ thế mà tiếp tục, đó chính là trân trọng, từ giây từng phút đều là sự sống, từ giây từng phút đều là yêu thương.

Gửi những người trẻ những người đang mang ước mơ cùng trách nhiệm trên vai - chúng ta đã như thế mà đi qua hết những ngày tháng đầy trải nghiệm ấy, chúng ta đều đã rất tuyệt vời, chúng đã và sẽ phải tiếp tục cố gắng với tất cả trái tim nhiệt thành… Nhưng giá trị và mong muốn cuối cùng đều là hạnh phúc, đừng mãi mê điều gì đó mà quên, chúng ta ở hiện tại chính là để yêu thương.

Bà ơi, khỏe mạnh và hạnh phúc nhé!

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY